02/08/2021 16:48 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Ngày 2/8, tại đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì hội nghị trực tuyến và tập huấn về tăng cường công tác điều trị, hồi sức tích cực trong phòng, chống COVID-19. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng tham dự tại đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội nghị kết nối đến hơn 700 điểm cầu trong cả nước; tại nhiều điểm cầu có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này có diễn biến nhanh, xảy ra trên địa bàn rộng, trong một thời gian ngắn, số ca mắc tăng rất cao. “Vì thế trong đợt dịch này, ở những địa bàn trọng điểm về dịch rất khó có thể đưa số ca nhiễm về 0. Do đó, chúng ta phải xác định tiếp tục công cuộc phòng, chống dịch nhanh, mạnh và bền bỉ”.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, các địa phương cần nghiêm túc quan tâm công tác phòng, chống dịch để tránh xảy ra tình trạng hoang mang, bị động khi dịch xảy ra trên diện rộng.
Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, qua kiểm tra thực tiễn công tác phòng chống dịch tại nhiều địa phương cho thấy, rất nhiều địa phương có cách làm hay trong phòng, chống dịch, nhưng cũng có nhiều địa phương chưa tính hết những tình huống có thể xảy ra “dù Bộ Y tế đã cảnh báo nhiều lần chủng virus Delta sẽ lây lan mạnh, rộng, khó kiểm soát và kéo dài”. Hầu hết tại nhiều địa phương, kịch bản chuẩn bị đều thấp hơn thực tế, có địa phương chuẩn bị kịch bản cao nhưng cũng chưa tính hết thực tế, chưa chu đáo cho phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số địa phương chưa phát huy phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống dịch. Trong đợt dịch thứ 4 này, khi dịch xảy ra thường chỉ trong một thời gian ngắn đã có diễn biến nhanh, nhiều ca nhiễm, nên cần chuẩn bị sẵn năng lực phòng, chống dịch để chủ động ứng phó, Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho rằng, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, các địa phương cần hết sức lưu ý về năng lực ứng phó về mọi mặt từ an toàn trật tự xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, xét nghiệm, thu dung, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19…
Đặc biệt, trong đó cần quan tâm sâu sắc đến công tác điều trị và xét nghiệm. “Đây là 2 vấn đề khó, phải đáp ứng theo tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh tại các địa phương hiện nay. Do đó các địa phương cần hết sức quan tâm đến năng lực ứng phó về điều trị và xét nghiệm”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Đánh giá về công tác điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm hiện nay, nhất là trong bối cảnh năng lực ứng phó của các địa phương về điều trị COVID-19 vẫn chủ yếu trông chờ vào cơ sở đang có, nhưng trên thực tế hệ thống điều trị chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bộ Y tế đã phân tầng điều trị theo mô hình “tháp 3 tầng”, theo đó tầng 1 không nên chọn các cơ sở y tế mà nên chọn các cơ sở cách ly F1 để triển khai thiết lập địa điểm theo dõi sức khỏe. Những bệnh nhân không có triệu chứng sẽ được phân bổ vào điều trị ở tầng này, không cần nhiều nhân lực y tế. Sau điều trị 7 ngày nếu xét nghiệm âm tính, chỉ số tải lượng virus CT > 30 có thể cho ra viện.
Nếu bệnh nhân có triệu chứng trung bình thì đưa vào điều trị tại cơ sở y tế tuyến quận, huyện - tầng thứ 2 của tháp điều trị. “Tại tuyến điều trị này phải có hệ thống oxy và oxy trung tâm, nhân viên y tế phải được trang bị máy thở HFNC để sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân khi cần”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý.
Nếu bệnh nhân diễn biến nặng cần đưa ngay lên tầng 3 - tầng điều trị cao nhất. Tại tầng này, các địa phương phải thiết lập khu vực điều trị hồi sức tích cực.
“Việc phân tầng điều trị rất quan trọng, trong đó có vai trò điều tiết bệnh nhân đến các tầng phù hợp để tránh đưa bệnh nhân chưa nặng lên tầng cao, tránh để bệnh nhân có nguy cơ tử vong ở tầng 1 và tầng 2. Việc điều phối, vận chuyển bệnh nhân, tiếp nhận bệnh nhân phải được thực hiện bài bản”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Với quan điểm đưa F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt, do đó các địa phương phải chuẩn bị cho điều trị để khi dịch xảy ra không bị động, lúng túng. Để chuẩn bị về điều trị hiệu quả, yếu tố nhân lực hết sức quan trọng. Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch. “Cả y tế công lập và tư nhân phải cùng đồng hành chống dịch. Ngay bây giờ kể cả các địa phương chưa có dịch, cần rà soát ngay nhân lực biết sử dụng máy thở, tổ chức tập huấn ngay trên toàn tuyến”, Bộ trưởng yêu cầu.
Một vấn đề được Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh tại hội nghị là chuẩn bị trang thiết bị, vật tư y tế cho phòng, chống dịch như máy thở, oxy, thuốc, vật tư tiêu hao.
“Địa phương phải phát huy tối đa “4 tại chỗ”, trung ương chỉ hỗ trợ trong tình huống cần thiết cho các trung tâm hồi sức tích cực của trung ương trên địa bàn”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ.
Trong chuẩn bị hậu cần cho điều trị bệnh nhân COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19 phải chuẩn bị sẵn oxy và máy thở. “Đây là 2 yếu tố cần thiết trong điều trị, do đó Bộ Y tế đã phải có văn bản đôn đốc vấn đề này. Chúng ta không thiếu oxy nhưng nhiều cơ sở không có bồn chứa oxy, vận chuyển khó khăn. Vì vậy các cơ sở y tế phải khẩn trương rà soát, lên phương án chuẩn bị ngay”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu.
Tại hội nghị, các đầu cầu đã nghe Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh báo cáo về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19 trên toàn quốc; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trình bầy về phân tầng quản lý, điều trị người bệnh COVVID-19 (Mô hình tháp 3 tầng), các chuyên gia đầu ngành và các địa phương tham luận về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại địa phương, đơn vị.
Bích Thủy/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất