26/08/2019 20:51 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Ngày 26/8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ban hành Thông báo số 408/TWPCTT - VP gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Công Thương, Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ứng phó với hình thái thời tiết nguy hiểm trong thời gian tới.
Nội dung Thông báo nêu rõ, theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong thời gian từ nay đến cuối tháng 8/2019, xuất hiện những hình thái thời tiết nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến nước ta: khoảng ngày 28/8/2019, áp thấp nhiệt đới ở phía Đông Philippines sẽ đi vào Biển Đông, diễn biến phức tạp, kéo dài, có khả năng cao mạnh lên thành bão, di chuyển vào đất liền và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên ở các vùng biển phía Nam có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng mưa to đến rất to, nguy cơ xảy ra dông, lốc, sét, gió giật mạnh.
Để sẵn sàng ứng phó với những hình thái thời tiết nguy hiểm trên, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố theo dõi sát diễn biến của hình thế thời tiết nguy hiểm để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, đảm bảo an toàn cho người và tài sản ở khu vực có nguy cơ ảnh hưởng, đặc biệt đối với tàu thuyền, khu du lịch, khu vui chơi, giải trí ven biển, hải đảo.
Tại tỉnh Cà Mau, rút kinh nghiệm ứng phó với đợt gió mùa Tây Nam mạnh vào ngày 3/8/2019 gây hư hỏng nghiêm trọng tại khu vực đê biển Tây, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị, các địa phương liên quan cần triển khai rà soát và sẵn sàng phương án bảo vệ tuyến đê biển, dân cư cửa sông, ven biển, chủ động xử lý sự cố, đặc biệt đối với đoạn đê đã bị sự cố, chưa được xử lý triệt để.
Các tỉnh, thành phố phải sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tổ chức triển khai ứng phó khi có yêu cầu; trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Thắng Trung/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất