12/09/2021 16:26 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Niềm vui của trẻ em trong độ tuổi đến trường là hàng ngày được tiếp xúc với bạn bè, thầy cô, được học tập và vui chơi thoải mái.
Năm học mới 2021 -2022 đã bắt đầu nhưng do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, hầu hết trẻ em trên khắp đất nước buộc phải ở nhà dự lễ khai giảng và học online (trực tuyến).
Do nhiều nơi thực hiện giãn cách kéo dài nên nhiều em sẽ có cảm giác tù túng, thiếu vận động, nay thêm việc ngồi học nhiều giờ bên máy tính khiến cho trẻ gặp phải nhiều vấn đề về cả thể chất lẫn tinh thần, thậm chí là căng thẳng tâm lý. Do đó, cha mẹ, thầy cô cần thấu hiểu để có thể trợ giúp trẻ vượt qua khó khăn này.
Quan tâm đến những biểu hiện của trẻ
Bác sỹ Nguyễn Khắc Dũng, Khoa Nhi và Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, sau đợt dịch thứ nhất và thứ hai, có rất nhiều em nhỏ độ tuổi từ 6-15 được người nhà đưa đến khám do có sự thay đổi hẳn về tâm sinh lý. Biểu hiện của các em thường là dễ cáu gắt, học kém đột ngột, thậm chí có những bạn xuất hiện các bệnh lý thực sự rối loạn trầm cảm, loạn thần… Có thể đây là những vấn đề vốn có sẵn trong bản thân bạn nhỏ đó, nhưng trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, khi bố mẹ ở nhà nhiều thì mới để ý, phát hiện và đưa trẻ đi khám. Tuy vậy, cũng có những bạn thực sự có phát sinh vấn đề sau thời gian giãn cách xã hội.
Bác sỹ Nguyễn Khắc Dũng chia sẻ về trường hợp một bạn nam đang học lớp 7, trước đây học rất giỏi nhưng sau đợt giãn cách xã hội đã gần như quên hết kiến thức, không nhớ bất kì điều gì và gần như không thể học được. Bạn nam này mắc các dấu hiệu giống như tự kỷ, đáng lẽ các dấu hiệu của chứng tự kỷ sẽ khởi phát từ rất sớm, khi trẻ còn nhỏ, nhưng với bạn nam này thì đến năm học lớp 7, mọi thứ bỗng quay ngược trở lại giống khi 5 tuổi. Việc điều trị cho bạn nam này mất khá nhiều thời gian, phải 3-4 tháng sau khi tìm được căn nguyên thì mới được chữa khỏi và trở lại học tập bình thường.
Trường hợp khác là một bạn nhỏ sau quá trình tương tác quá nhiều với các thiết bị thông minh trong thời gian giãn cách tại nhà thì thay đổi tính tình. Bạn cáu gắt nhiều hơn, không chịu nghe lời người lớn, không chịu vào lớp học, luôn muốn đến gặp một người bạn nào đó trên mạng, đêm không ngủ, hay chống đối, thậm chí tự cào cấu bản thân và rạch các vết trên da…
Bên cạnh những trường hợp bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề như trên thì có rất nhiều bạn trẻ chán học hoặc học không tập trung…, ít tương tác với người thân trong gia đình hơn kể từ khi chuyển sang học online.
Việc một số trẻ em không thích môi trường học online xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó môi trường học tập là đầu tiên. Môi trường học tập trực tiếp tại lớp học cung cấp các kiến thức theo hướng trực quan, sinh động hơn, mối quan hệ bạn bè, thầy cô cũng là những nguồn lực hỗ trợ tinh thần cho trẻ. Việc được giao tiếp, khích lệ tinh thần hoặc sự chú ý từ bạn bè, nhìn thấy bạn bè tích cực học tập và thi đua, bàn luận với nhau tạo nhiều hứng thú học tập cho các em. Ở môi trường học online, trẻ thiếu tương tác và giải trí, thiếu sự động viên khích lệ, gây ảnh hưởng nhiều đến sự cân bằng tâm lý. Bên cạnh đó, việc học online đòi hỏi trẻ có sự tự giác, kỷ luật, động lực học tập - những điều mà nhiều trẻ em, nhất là ở lứa tuổi nhỏ chưa tự trang bị được.
Bác sỹ Nguyễn Khắc Dũng khuyến cáo, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần chú ý khi trẻ có những khác lạ về tâm lý và sinh hoạt như thay đổi tâm trạng rõ rệt, khó quản lý cảm xúc hơn trước đây (dễ cáu gắt, giận dữ, đau buồn,…), hành vi khác lạ, khó tập trung, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, tự làm đau bản thân (vết rạch trên da, bứt tóc, cào cấu...), ít giao tiếp hơn trước kia…thì cần đưa trẻ đi thăm khám hoặc gặp bác sỹ để tư vấn kịp thời.
Cách giúp trẻ ổn định tâm lý
Chia sẻ về cách thức hỗ trợ trẻ trong việc học online, bác sỹ Nguyễn Khắc Dũng cho rằng, việc này đòi hỏi rất nhiều vấn đề, từ sự chuẩn bị nội dung bài giảng của giáo viên, công cụ hỗ trợ để việc học được diễn ra suôn sẻ, sinh động, thú vị. Trong đó, chất lượng bài giảng đóng vai trò rất quan trọng. Phần lớn trẻ cảm thấy không hứng thú với phương thức học online là do nội dung bài học khô khan, trẻ thường phải học theo cách thụ động. Vì thế giáo viên cần tìm cách để thay đổi phương thức giảng dạy cho phù hợp với hình thức học mới để trẻ thích thú và hợp tác hơn. Ví dụ có thể lồng ghép các nội dung bài giảng vào các buổi hội thảo để học sinh cùng tham gia thảo luận, đưa ý kiến; có sẵn các băng hình nội dung bài học để trẻ có thể tìm thấy và tự học ở nhà..., như vậy thì buổi học sẽ thú vị và gắn trực tiếp với những gì trẻ học hơn.
Về phía gia đình, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần biết hướng trẻ đến các hoạt động mà trẻ có thể làm được tại nhà như tập thể dục, làm việc nhà, tương tác với các thành viên trong gia đình, dạy cho trẻ các nội dung mang tính giáo dục, kỹ năng sống, định hướng nội dung thông tin mà trẻ theo dõi trên mạng và thời gian sử dụng mạng của trẻ. Cha mẹ cũng cần quan tâm đến các vấn đề về giấc ngủ của trẻ. Bởi lẽ, giấc ngủ sẽ có tác dụng điều hoà hoạt động sinh lý, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến các vấn đề trí não và tâm thần; quan sát các biểu hiện lạ, bất bình thường của trẻ để có các biện pháp can thiệp và tư vấn sớm.
Trong thời gian giãn cách xã hội, các mâu thuẫn trong gia đình, nhất là giữa cha mẹ và con cái nên được giải quyết triệt để. Khi có mâu thuẫn, cha mẹ cần nói chuyện với con nhưng không nên phán xét mà cần làm bạn được với con. Nếu chưa thể làm bạn cùng con, phụ huynh cần cố gắng nói chuyện với con càng nhiều càng tốt. Học cách nói chuyện không phán xét sẽ giúp phụ huynh dễ dàng hơn trong việc giúp con thay đổi, đồng thời việc nói chuyện với con cũng là một liệu pháp để giải toả stress của bản thân người lớn, bác sỹ Nguyễn Khắc Dũng chia sẻ.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng đưa ra những lời khuyên hữu ích dành cho cha mẹ và thầy cô giáo trong việc hỗ trợ trẻ vượt qua khó khăn để học tập hiệu quả trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Theo đó, cha mẹ, cần hỗ trợ cho con bằng cách xây dựng lịch sinh hoạt xoay quanh lịch lên lớp và làm bài tập của trẻ, giúp con tuân thủ lịch sinh hoạt và vừa học, vừa chơi bằng cách lồng ghép bài học vào các hoạt động thường nhật như nấu ăn, đọc sách hoặc chơi trò chơi cùng cả nhà. Có thể liên hệ với giáo viên của con hoặc nhà trường khi có thắc mắc và để cập nhật thông tin; trao đổi những khó khăn mà con đang gặp phải. Người chăm sóc trẻ cần tạo một môi trường hỗ trợ và khích lệ cho trẻ, đồng thời phản ứng tích cực trước những câu hỏi và biểu hiện cảm xúc của trẻ, cho trẻ biết rằng trẻ có quyền cảm thấy bực bội hoặc lo âu vào những thời điểm như thế này. Và đây là chuyện hết sức bình thường.
Đối với giáo viên, có thể cân nhắc tổ chức hoặc chia nhỏ buổi học thành các bài giảng ngắn, đi kèm với nhiều hoạt động để thu hút học sinh; áp dụng các hoạt động như tranh luận, làm việc nhóm, thực hiện dự án, nghiên cứu tình huống, đóng vai và thuyết trình để giúp học sinh có các kỹ năng khác ngoài kiến thức trên lớp, khuyến khích học sinh trao đổi và thảo luận, khiến bài giảng trở nên thú vị hơn. Các thầy cô giáo có thể đưa ra các bài tập, câu đố, thăm dò ý kiến và tóm tắt các kiến thức cơ bản đã truyền đạt trong lớp học để theo dõi sự tiến bộ của học sinh. Thầy cô cũng có thể tự tạo huy hiệu (chứng nhận) trực tuyến và trao cho học sinh như một phần thưởng để khuyến khích, tạo động lực học tập cho các em; có thể sử dụng nhiều công cụ cộng tác trực tuyến để hỗ trợ các hoạt động nhóm.
Việc học online không được tương tác trực tiếp ít nhiều sẽ có ảnh hưởng tới thể chất và tâm lý của trẻ, tuy nhiên đây hiện là phương pháp học thay thế trong bối cảnh trẻ không thể đến lớp học trực tiếp.
Chúng ta không thể phủ nhận những mặt tích cực mà phương pháp học online mang lại trong giai đoạn dịch bệnh, giúp trẻ dễ ôn lại kiến thức, chủ động xử lý các tình huống (mạng bị treo, camera bị tắt…), thành thục hơn các kỹ năng về công nghệ, tiếp cận internet… Tuy nhiên để trẻ vừa được hưởng những lợi ích của học online mang lại, vừa duy trì trạng thái tâm lý, sức khỏe ổn định khi học online, cha mẹ, giáo viên cần có cách thức phù hợp, giúp trẻ nhanh chóng thích nghi và học tập hiệu quả.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất