13/11/2016 10:23 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Hà Giang đã chính thức có ý kiến sau vụ việc gây tranh cãi về địa điểm đặt tổ nuôi ong trên địa bàn tỉnh, đỉnh điểm là mâu thuẫn về địa bàn đặt tổ ong tại huyện Đồng Văn. Hiện vụ việc vẫn chưa “ngã ngũ”.
Trao đổi với phóng viên báo chí, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhấn mạnh, Hà Giang không chấp nhận việc mang ong ngoại (giống ong được nhập từ Ý) vào địa bàn tỉnh.
Tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện giúp đỡ các tổ chức, cá nhân ngoại tỉnh đến nuôi và phát triển đàn ong nhưng phải là giống ong nội (ong địa phương) và phải phù hợp với quy hoạch diện tích cây bạc hà. Người nuôi ong dù ở trong hay ngoài tỉnh đều bình đẳng. Do cây bạc hà trên Cao nguyên đá Đồng Văn mọc tự nhiên trên đất sản xuất của đồng bào nên phải phục vụ lợi ích của đồng bào trước.
Nếu tổ chức, cá nhân ngoại tỉnh có nguyện vọng đến địa bàn đầu tư nuôi ong nội, cần phải đưa ra dự án “đoàng hoàng” và cụ thể. Dự án phải xác định rõ phát triển thêm bao nhiêu diện tích hoa bạc hà và tính toán số đàn ong cho phù hợp. Sau đó, cấp ủy chính quyền địa phương sẽ xem xét…
Đồng bào nuôi ong ở cao nguyên đá (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh Minh Phan. Nguồn: ongmiennui.com
Thực tế, Luật Đầu tư 67/2014/QH13 không cấm hoạt động kinh doanh nuôi ong lấy mật và quy định rõ nhà đầu tư được tiếp cận sử dụng các nguốn vốn tính dụng, quỹ hỗ trợ, sử dụng đất đai và tài nguyên khác nhưng phải theo quy định của pháp luật. Ở cấp độ văn bản dưới luật, Thông tư 25/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ rõ ong mật và các sản phẩm từ ong mật nằm trong danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện miễn dịch khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.
Về phía địa phương, tỉnh Hà Giang đã và đang quyết liệt triển khai cho vay vốn hỗ trợ phát triển nuôi ong theo Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND nhưng chỉ áp dụng cho ong nội.
Vậy lý do gì khiến Hà Giang chỉ phát triển ong nội mà không chấp nhận ong ngoại?
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 1,5 triệu đàn ong, trong đó 1,2 triệu đàn là giống ong ngoại và chỉ có 300 nghìn đàn là ong nội gồm hai phân loài Apis cerana cerana và Apis carana indica. Riêng ong nội Apis cerana cerana chỉ có tại 4 huyện trên Cao nguyên đá Đồng Văn (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc). Giống ong nội này có khả năng chịu rét tốt, phù hợp với khí hậu vùng cao. Với đặc tính cần cù, có khả năng khai thác mật hoa kể cả tại những vùng hoa nhỏ lẻ, giống ong này có thể cho sản lượng 10 - 15 lít mật/đàn/năm với chất lượng tốt.
Lý giải việc không chấp nhận ong ngoại, ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng, mặc dù khi nuôi tại cùng địa điểm, ong nội và ong ngoại đều cho chất lượng mật như nhau nhưng việc không chấp nhận ong ngoại vào địa bàn tỉnh là việc phải làm bởi giống ong ngoại gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động nuôi ong và sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Nghề nuôi ong (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh Minh Phan. Nguồn: ongmiennui.com
Ghi nhận từ cơ sở cho thấy số lượng ong ngoại “thâm nhập” vào địa bàn 4 huyện cao nguyên đá có thời điểm lên tới 10.000 đàn. Trên Cao nguyên đá Đồng Văn - nơi mà đá nhiều hơn đất, diện tích hoa bạc hà làm thức ăn cho ong nội rất hạn chế, mật độ cây thưa. Trong khi đó, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã khuyến cáo nếu mật độ các đàn ong quá dầy hoặc ong ngoại được nuôi gần ong nội, do ong ngoại có sức khỏe hơn sẽ xảy ra tình trạng tranh hoa cướp mật, gây chia đàn, tiêu diệt nhau, phần thiệt hại nặng thường thuộc về ong nội.
Thực tế, hiện tượng này đã xuất hiện tại Cao nguyên đá Đồng Văn. Với diện tích hoa bạc hà có hạn, ong ngoại vào địa bàn làm giảm sút chất và lượng mật của ong nội; thậm chí do thiếu nguồn thức ăn, ong ngoại đã cắn ngọn lúa và ngô, gây thiệt hại lương thực cho người dân địa phương.
Ngoài mục đích bảo tồn và phát triển giống ong nội theo Văn bản số 818 ngày 16/4/2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc Hà Giang không chấp nhận ong ngoại là để giữ sinh kế cho bà con vùng Cao nguyên đá - những người đã bao đời nay gắn bó với con ong nội và ngày ngày bám đất bám làng, giữ phên dậu biên cương của Tổ quốc.
Để tạo điều kiện phát triển chăn nuôi ong, Hà Giang đã chủ động phối hợp nghiên cứu và xây dựng sản phẩm mật ong bạc hà. Sau nhiều nỗ lực, ngày 1/3/2013, Cục Sở Hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mật ong bạc hà Mèo Vạc. Những năm qua, tốc độ phát triển đàn cũng như sản lượng mật ong bạc hà của Hà Giang không ngừng tăng lên . Ngoài trồng ngô và làm du lịch thì nuôi ong đang là sinh kế của nhiều bà con vùng Cao nguyên đá.
Nghề nuôi ong (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh Minh Phan. Nguồn: ongmiennui.com
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, việc bảo tồn và phát triển giống ong nội mà sâu xa hơn là bảo vệ thương hiệu là cần thiết khi mà thương hiệu mật ong bạc hà Mèo Vạc đang đứng trước nguy cơ bị nhái và làm giả. Gần đây, lực lượng chức năng tại Hà Giang đã phát hiện và thu giữ gần 500 lít mật không rõ nguồn gốc và 400 kg đường kính do ông Lê Tiến Tuân, một chủ nuôi ong từ Tuyên Quang vận chuyển vào trại ong đặt tại xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn.
Trước đó, cơ quan quản lý thị trường thành phố Hà Giang đã phát hiện 72 chai mật ong giả mạo nhãn hiệu mật ong bạc hà… Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã lưu ý người nuôi ong: Nếu được phép nuôi giống ong khác ở địa bàn 47 xã tại 4 huyện trên Cao nguyên đá Đồng Văn (theo chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà Mèo Vạc) thì sản phẩm mật ong của giống ong đó không được ghi thương hiệu mật ong bạc hà.
Tuy nhiên, trên thị trường “thật giả lẫn lộn” như hiện nay, ai dám chắc mật ong do ong ngoại sản xuất tại vùng chỉ dẫn địa lý của cao nguyên đá Đồng Văn sẽ không được gắn mác thương hiệu mật ong bạc hà Mèo Vạc.
Sau những lùm xùm nuôi ong ở các huyện Quản Bạ, Đồng Văn là điểm đến tiếp theo được chủ nuôi ong ngoại tỉnh nhắm đến.
Như TTXVN đã phản ánh, sáng ngày 23/10, ông Lê Tiến Tuân, thành viên Hợp tác xã nuôi ong Phong Thổ tại xã An Khang, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã mang 320 đàn ong ngoại đặt tại thôn Thài Phìn Tủng (177 đàn) và thôn Nhèo Lủng (143 đàn) của xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn. Không nhất trí cho ong lạ vào địa bàn, sáng 26/10, chủ đất là ông Hầu Sính Thề và người dân thôn Thài Phìn Tủng đã tổ chức di chuyển 177 đàn ong của ông Tuân ra lề đường Quốc lộ 4C (cách vị trí đặt ong khoảng 700 mét).
Vụ việc gây tranh cãi khi các bên đều có lý lẽ riêng. Sau nhiều lần họp với chính quyền huyện và xã, ông Lê Tiến Tuân đã viết cam kết di chuyển toàn bộ 320 đàn ong ra khỏi địa bàn huyện Đồng Văn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới có 143 đàn ong ngoại đặt tại thôn Nhèo Lủng được chuyển đi, số đàn ong còn lại trên Quốc lộ 4C vẫn “tại vị” - ông Dinh Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết.
Việc Hà Giang công bố chủ trương tiếp nhận và phát triển giống ong nội là nhằm minh bạch cơ hội đầu tư cho người nuôi ong, tạo bình đẳng giữa người nuôi ong trong và ngoài tỉnh, tuy nhiên như vậy là chưa đủ để phát triển sản xuất hàng hóa. Tỉnh cần sớm xây dựng và công bố Quy chuẩn địa phương cho ong mật và sản phẩm của ong mật, từ đó hướng dẫn các cơ cở nuôi ong xây dựng, công bố tiêu chuẩn cơ sở. Chỉ khi chủ trương, quy trình tiếp nhận và quy chuẩn địa phương được rõ ràng, con ong mới khỏi “long đong” và người nuôi ong chân chính mới tránh được thiệt hại./.
Hồng Quảng (TTXVN)
Ảnh: Ongmiennui.com
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất