04/05/2019 12:18 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Phố cổ Hà Nội từ lâu được biết tới với một không gian sống chật chội, những dãy phố chen chúc, mái che, mái vẩy lộn xộn, nhiều ngôi nhà xuống cấp. Những hình ảnh đó đang dần được thay thế bởi việc chỉnh trang lại các tuyến phố cổ do quận Hoàn Kiếm thực hiện nhằm mang lại một diện mạo mới cho di sản này trên cơ sở khôi phục các giá trị của kiến trúc.
Kiến trúc được khôi phục
Từ thành công trong việc cải tạo mặt đứng tuyến phố Tạ Hiện và phố Lãn Ông tạo điểm đến ẩm thực, mua sắm, thương mại đặc trưng, quận Hoàn Kiếm tiếp tục chỉnh trang lại toàn bộ 79 tuyến phố trong khu phố cổ Hà Nội. Việc chỉnh trang này ngoài mục đích để đô thị cổ đẹp hơn còn phục vụ cho các hoạt động du lịch, thu hút du khách đến với phố cổ Hà Nội. Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội được giao nhiệm vụ đảm trách việc chỉnh trang này.
Việc cải tạo, chỉnh trang thực hiện theo nguyên tắc hạng mục nào gắn vào công trình không phù hợp sẽ bị loại bỏ, từ mái che, mái vẩy, đường dây… Cùng với đó, một số hạng mục như cửa, lan can sẽ được sơn sửa hoặc làm mới, mặt tiền các ngôi nhà mặt phố sẽ được quét vôi ve... Màu vôi ve được lựa chọn cho phù hợp với không gian phố cổ. Từ nhà dân đến các cơ quan, đơn vị đều thực hiện cùng phương thức như vậy nhằm khôi phục lại kiến trúc, tạo sự khang trang cho các tuyến phố. Tuy nhiên, việc chỉnh trang không thực hiện tất cả các ngôi nhà mà Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội chỉ lựa chọn những công trình tiêu biểu giữ được kiến trúc truyền thống nhưng đã bị xuống cấp. Trước những lợi ích mang lại, đa phần người dân đều đồng thuận, tạo điều kiện cho việc chỉnh trang.
Thời điểm này, nếu đến phố Mã Mây thuộc khu bảo tồn cấp I sẽ thấy việc chỉnh trang, cải tạo mặt tiền các ngôi nhà đang diễn ra nhộn nhịp. Đây là khu phố tập trung đông khách du lịch nên việc chỉnh trang phải hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến việc đi lại cũng như văn minh đô thị. Anh Dương Văn Cường, số nhà 81 Mã Mây bày tỏ sự ủng hộ đối với việc chỉnh trang, cải tạo lại các tuyến do Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội thực hiện, đồng thời với vai trò là cán bộ khu phố anh còn tích cực vận động các hộ dân khác tham gia. Anh Cường cho rằng, dù gác lại việc kinh doanh của gia đình trong vài ngày song do việc chỉnh trang chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nên không ảnh hưởng nhiều. Mặt tiền nhà của nhà anh được quét vôi lại, biển hiệu được làm mới, hệ thống cửa được sơn lại trông khang trang hơn.
Căn nhà của gia đình bà Cao Thị Mạnh Tân, số 76 Mã Mây vốn được xây dựng từ nhiều đời này và là một trong số ít các nhà không kinh doanh mặc dù có mặt tiền khá rộng. Bà muốn giữ không gian bình yên cho gia đình dù ngôi nhà nằm giữa sự nhộn nhịp của cả khu phố. Căn nhà đã được đơn vị thi công trát lại những mảng tường đã bong tróc, quét lại vôi ve, sơn lại chấn song cửa, loại bỏ máng hứng nước dưới mái hiên. Cũng như nhiều người bà Tân rất đồng tình ủng hộ với dự án này.
Thực tế đã thấy rõ, sau chỉnh trang, nhiều tuyến phố sạch đẹp, gọn gàng hơn. Dù chỉ giải quyết được một phần bộ mặt phố cổ song sự hiện diện của các ngôi nhà mới tạo thêm diện mạo cho di sản. Bên cạnh kiến trúc truyền thống Việt Nam, nhiều kiến trúc khác của phố cổ Hà Nội như: kiến trúc phong cách Trung Hoa, kiến trúc theo kiểu Địa Trung Hải châu Âu, kiến trúc theo phong cách Anpo châu Âu và kiếm trúc theo phong cách Art-Deco châu Âu được khôi phục lại. Sự đa dạng trong phong cách kiến trúc tạo đặc trưng cho phố cổ Hà Nội.
Dự kiến hoàn thành vào năm 2020
Từ kinh nghiệm chỉnh trang phố Tạ Hiện, Lãn Ông được các chuyên gia thành phố Toulouse (Pháp) phổ biến, do vậy khi triển khai chỉnh trang toàn bộ 79 tuyến phố, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã chủ động xây dựng phương án với những lộ trình, cách thức cụ thể phù hợp với không gian và giá trị, đặc thù khu Phố cổ Hà Nội. Mỗi ngôi nhà đều có một phương án chỉnh trang phù hợp.
Bắt đầu triển khai từ năm 2016, đến thời điểm này, công tác chỉnh trang đã thực hiện được gần 30 tuyến phố, riêng năm 2019 kế hoạch hoàn thành 12 tuyến. Nhiều khu vực đã hoàn thành chỉnh trang, cải tạo như các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm gồm: Lê Thái Tổ, Hàng Khay, Đinh Tiêng Hoàng; hay các tuyến trong khu bảo tồn cấp I gồm: Đào Duy Từ, Hàng Gai, Hàng Giầy, Hàng Giấy, Hàng Bè… Bên cạnh đó, một số khu vực được bổ sung trang trí chậu hoa, cây xanh ở ban công các công trình để tạo thêm điểm nhấn.
Phó Trưởng ban thường trực Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội Đặng Đình Bằng cho biết, việc khôi phục kiến trúc cũ không khó khăn vì đã có những quy định liên quan nhưng do đa phần các nhà đều đang kinh doanh nên việc triển khai theo đúng kế hoạch không đơn giản. Theo lộ trình, đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc chỉnh trang toàn bộ 79 tuyến phố và đây cũng là bài toán đặt ra cho Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội.
Thực tế, nhiều ngôi nhà trong diện cần chỉnh trang được chủ hộ thuê, họ không sinh sống ở đó nên đơn vị thi công khó tiếp cận được với chủ. Hơn nữa, bên cạnh những gia đình ủng hộ công tác chỉnh trang, còn có một số người người không hợp tác do ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của họ. Tuy nhiên, phải mất nhiều thời gian những vướng mắc này mới được khắc phục.
Hiện Phố cổ Hà Nội đang từng bước thay đổi diện mạo góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản, dần khẳng định là điểm đến hấp dẫn của du khách khi đến với Thủ đô. Nhưng để tạo sự bền vững, Phố cổ Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm bởi nơi đây mật độ dân số quá đông, hạ tầng xuống cấp, hoạt động thương mại và du lịch luôn sôi động. Kiến trúc và không gian phố cổ đang chịu những sức ép lớn trong quá trình phát triển. Bởi vậy, cùng với việc chỉnh trang khôi phục kiến trúc cũ, quận Hoàn Kiếm cần quản lý tốt công tác quy hoạch, xây dựng tại đây, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ di sản.
Đinh Thuận/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất