11/11/2020 21:39 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Để tiếp tục ứng phó với bão VAMCO và hoàn lưu mưa sau bão số 12, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến bão VAMCO, hoàn lưu mưa sau bão số 12; kịp thời đề xuất các phương án để chỉ đạo, điều hành việc ứng phó bão, mưa lũ hiệu quả, sát diễn biến thực tế; ban hành kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo phục vụ công tác chỉ đạo, truyền thông.
Các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu, thuyền, hướng dẫn, thông báo cho tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến của bão VAMCO gần biển Đông để chủ động phòng, tránh; trong đó chú ý theo dõi sát các diễn biến về tình hình hồ chứa (lưu lượng đến, lưu lượng xả...); chủ động tổ chức sơ tán dân tại các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu.
Cùng đó, các đơn vị chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục duy trì lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập, đã, đang và có nguy cơ xảy ra sạt lở; tăng cường cảnh báo, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền thông cơ sở; đồng thời tiếp tục khắc phục hậu quả mưa, bão đợt vừa qua, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, nhất là tại các khu vực bị lũ quét, sạt lở đất và những nơi trũng, thấp còn bị ngập lụt, chia cắt.
* Nỗ lực khắc phục hậu quả, giúp dân ổn định đời sống
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính đến 16 giờ ngày 11/11, bão số 12 và hoàn lưu sau bão đã làm 2 người chết ở Quảng Nam, Bình Định; 1 người mất tích ở Phú Yên; 5 người bị thương ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; 6 nhà sập tại Khánh Hòa, Quảng Ngãi; 309 nhà tốc mái, hư hỏng ở Bình Định , Phú Yên , Khánh Hòa, Quảng Ngãi; 2.587 gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi; 2.106 ha lúa bị ngập, hư hỏng ở Khánh Hòa, Phú Yên; 324 ha hoa màu, cây hàng năm bị thiệt hại; 1 tàu cá bị chìm khi neo đậu ở Khánh Hòa; 73 cột điện đổ gãy tại tỉnh Phú Yên
Tại tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 16 giờ ngày 11/11, đường Trường Sơn Đông bị sạt lở 3 điểm, trong đó tại vị trí Km171+250 (địa phận xã Sơn Long, huyện Sơn Tây) bị sạt lở nặng, gây ách tắc giao thông. Mưa lũ cũng làm sạt lở, hư hỏng 11 tuyến đường do huyện, xã quản lý, gây ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người dân; 2 ngôi nhà bị hư hỏng, thiệt hại từ 50% trở lên.
Tỉnh đã phải tổ chức di dời, sơ tán 941 hộ/2.656 nhân khẩu tại vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Các huyện đồng bằng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi như: Tư Nghĩa, Đức Phổ, Nghĩa Hành đã tổ chức sơ tán, xen ghép người dân từ các nhà bị ngập lụt đến nơi ở kiên cố, an toàn.
Tỉnh Phú Yên do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 gây mưa lớn, nước lũ lên nhanh khiến hơn 11.000 nhà dân ở huyện Tuy An (Phú Yên) bị ngập nước. Đến 15 giờ ngày 11/11, nước lũ đã dần rút nhưng rất chậm, hầu hết các xã trên địa bàn huyện vẫn đang bị ngập sâu từ 1-2 m, nhiều xã bị nước lũ chia cắt, cô lập.
Tại xã An Định, huyện Tuy An, nước lũ dâng cao bất ngờ trong ngày 10/11, đã gây ngập sâu, chia cắt, cô lập hoàn toàn địa phương này với trung tâm huyện và các xã lân cận. Để đến được trụ sở Ủy ban nhân dân xã và các thôn, phương tiện sử dụng duy nhất lúc này là xuồng máy hoặc chèo thuyền. Theo chính quyền xã An Định, trước khi nước lũ đổ về, nhiều hộ dân sống ở khu vực chân núi đã kịp di dời tài sản, gia súc lên núi tránh lũ. Các hộ dân sống ở khu vực trũng thấp (thôn Định Trung 2 và thôn Định Trung 3 của xã An Định) bị nước lũ bao vây, có hộ dân nước ngập sâu đến nửa nhà.
Thượng tá Đặng Thanh Trúc, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự huyện Tuy An cho biết, nước lũ dâng cao, cùng lúc khiến nhiều xã trên địa bàn bị cô lập. Từ 4 giờ ngày 11/11, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã huy động lực lượng (30 người) kết hợp với lực lượng công an và dân quân sử dụng 4 xuồng máy về 4 xã vùng trũng thấp, bị ngập sâu là: An Định, An Dân, An Thạch và An Ninh Tây để hỗ trợ, di dời người dân đến các khu vực cao hơn, không để người dân qua lại khu vực nguy hiểm đến khi nước rút.
Hiện nước lũ đang rút dần nhưng nhiều nơi như trụ sở Ủy ban nhân dân xã An Định, Trường Tiểu học, Mầm non xã An Định, Nhà văn hóa xã và nhà ở của hàng trăm hộ dân vẫn đang bị ngập sâu khoảng 2 m. Đặc biệt, tuyến đường DT641 từ xã An Định đi thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân bị ngập sâu. Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã cắt cử lực lượng chốt chặn, cắm các biển cấm không cho người dân lưu thông qua lại để đảm bảo an toàn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tuy An Nguyễn Văn Thành cho biết, do ảnh hưởng của bão số 12, nước lũ lên nhanh gây ngập lụt hầu hết các xã trên địa bàn huyện. Hiện có 11.600 nhà dân bị ngập nước, 3 nhà bị tốc mái. Địa phương đã phải di dời khẩn 500 hộ dân/1.383 khẩu đến nơi an toàn; vẫn còn 4 xã bị ngập sâu từ 1-2 m là: An Định, An Dân, An Hiệp và An Ninh Tây.
Trước mắt, Ủy ban nhân dân huyện Tuy An đã cử lực lượng, phương tiện phối hợp với lực lượng xung kích ở các xã, đưa nhu yếu phẩm, nước uống đến các địa bàn bị ngập nước sâu, chia cắt, đảm bảo về lương thực, không để người dân phải chịu đói, rét; đồng thời huyện đã lên phương án sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục sau bão, lũ, để sớm ổn định đời sống của người dân.
Thắng Trung/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất