Cung nghinh ngọc xá lợi Phật từ Ấn Độ về chùa Bái Đính

04/03/2010 17:20 GMT+7 | Thế giới

Ngọc Xá lợi Phật được rước về Chùa Bái Đính. Ảnh xahoimang.com

(TT&VH) - Trong chuyến viếng thăm chính thức Cộng hoà Ấn Độ năm 2009 của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Ngài Chủ tịch Phật giáo Thế giới đã dâng Phó Chủ tịch nước Ngọc Xá lợi Phật. Ngọc Xá lợi Phật là kim thân còn lại của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi trà tỳ (hoả táng) và là Phật bảo linh thiêng nhất đối với tín đồ Phật giáo.

Với ý nghĩa linh thiêng và tâm linh quan trọng của Ngọc Xá lợi Phật, Phó Chủ tịch nước đã giao cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ cung nghinh về Việt Nam để tôn trí an vị thờ tại Bảo tháp chùa Bái Đính, Ninh Bình.

Chiều ngày 03/3, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cử một Đoàn đại biểu trên 100 vị Giáo phẩm và Cư sĩ, Phật tử lên đường sang Ấn Độ làm lễ cung nghênh Ngọc Xá lợi về nước (theo chuyên cơ mang số hiệu VN9985 của Việt Nam Airlines).

Đây là Đại lễ đầu tiên được Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức cử hành cung nghênh từ Ấn Độ về nước và là lần thứ hai Giáo hội chính thức tổ chức Đại lễ cung nghênh Ngọc Xá lợi Phật (lần thứ nhất tổ chức từ TP.HCM về tôn trí thờ tại chùa Quán Sứ - Hà Nội và chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình).

Khi về đến chùa Bái Đính, Ban tổ chức đã cử hành Đại lễ an vị Ngọc Xá lợi Phật và chư tăng ni, Phật tử cử hành lễ cầu nguyện quốc thái dân an, thế giới hoà bình, chúng sinh an lạc và một số hoạt động văn hoá khác. Đông đảo tăng ni, phật tử và khách quý đã đến tham dự.

Chùa Bái Đính mới, toạ lạc bên cạnh ngôi chùa Bái Đính cổ tại  xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình là một địa danh Phật giáo có lịch sử hàng ngàn năm, gắn với lịch sử của cố đô Hoa Lư và nằm trong một quần thể danh thắng du lịch Tràng An.

Công trình chùa Bái Đính mới đã và đang khẩn trương được hoàn tất để chào mừng Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và là nơi lưu giữ nhiều kỷ lục về Phật giáo (tượng Phật Tam Thế, Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni, Quan Thế Âm Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhỡn, Đại hồng chung bằng đồng lớn nhất Việt Nam và có tượng 500 vị La Hán bằng đá…)

H.T

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm