21/10/2015 20:34 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) – Nhằm nhanh chóng có sự thống nhất về việc trưng bày trong Nhà trưng bày Hoàng Sa (Đà Nẵng), vừa đảm bảo tính lịch sử, thẩm mỹ, khoa học, hiện đại, hấp dẫn lại tương xứng với tầm vóc của một bảo tàng chuyên ngành về Hoàng Sa, chiều 21/10, UBND huyện Hoàng Sa đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đầu ngành về phương án sắp xếp, trưng bày tư liệu, hiện vật trong công trình này.
Công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa là công trình được chọn từ cuộc thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình Nhà Trưng bày Hoàng Sa từ tháng 11/2013. Công trình được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt đầu tư với tổng số vốn 40 tỷ đồng, xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 1.249m2, có vị trí hướng ra biển nằm ở nút giao Hoàng Sa – Phan Bá Phiến (quận Sơn Trà).
Dù đồ án thiết kế “Con dấu và dấu mốc chủ quyền - Sự khẳng định bền bỉ về chủ quyền bờ cõi” (của nhóm tác giả Fuminori Minakami (Nhật Bản), Trần Quốc Thành và Nguyễn Huy Quang) đã được lựa chọn từ lâu, tuy nhiên, trải qua nhiều cuộc họp về các phương án tổ chức khởi công, tiến độ thực hiện, quy mô công trình,… đến nay việc trưng bày các tư liệu, hiện vật bên trong công trình mới được bàn bạc một cách cụ thể.
Tại buổi họp, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Mỹ thuật Hà Nội - đơn vị được UBND thành phố Đà Nẵng giao thực hiện thiết kế nội thất trưng bày tại công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa đã trình bày đề cương trưng bày dự thảo nhằm xin ý kiến các chuyên gia, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử.
Theo đó, hiện vật sẽ được bố trí trưng bày tại 3 tầng với diện tích là 404m2. Phần trưng bày sẽ gồm hệ thống tư liệu bằng hình ảnh động và tĩnh được hỗ trợ bởi kỹ thuật, mỹ thuật đa phương tiện kết hợp tổng quan về vị trí địa lý tự nhiên, hành chính Hoàng Sa và các tư liệu về Hoàng Sa theo 5 chủ đề.
Cụ thể, tầng 1 gồm có tiền sảnh đón khách, trung tâm thông tin và khu vực tái dựng cột bia chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam thời Pháp thuộc,… theo chủ đề vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của Đà Nẵng và Hoàng Sa.
Tầng 2 là phần trưng bày các hiện vật, tư liệu,… theo chủ đề bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - thời các chúa Nguyễn; Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam thời nhà.
Tầng 3 có chủ đề bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1945-1975 và từ sau 1974 tới nay, nhằm giới thiệu các hiện vật, nguồn ảnh tư liệu và các văn bản quản lý hành chính quần đảo Hoàng Sa của chính quyền Việt Nam cộng hòa giai đoạn từ 1954 – 1975.
Sau khi nghe đơn vị thực hiện thiết kế nội thất trưng bày trình bày, hầu hết các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, việc trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa không chỉ riêng cho UBND Hoàng Sa, cho Đà Nẵng mà còn hướng đến nhân dân cả nước và cả du khách quốc tế do đó cần được tính toán kĩ càng. Đặc biệt, các tư liệu, hiện vật bảo tàng hiện có chủ yếu bằng chất liệu giấy nên phải tính toán đến việc bảo quản sao cho tối ưu nhất; cần xây dựng một kho cất giữ, bảo quản hiện vật một cách đảm bảo; bố trí xây dựng thêm phòng đọc, phòng nghiên cứu tài liệu,…
Ông Võ Công Chánh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, TP. Đà Nẵng cho biết: “Đây mới chỉ là những dự thảo ban đầu nên rất cần sự đóng góp ý kiến của tất cả mọi người. UBND Hoàng Sa ghi nhận và tiếp thu những ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và sẽ tập hợp lại hoàn chỉnh một lần nữa trước khi trình qua Hội đồng nghiệm thu, sau đó sẽ trình lên UBND thành phố phê duyệt”.
Bên cạnh hội thảo lấy ý kiến, việc tổ chức một cuộc thi sáng tác văn thơ về Hoàng Sa cũng đã được nhiều chuyên gia đưa ra. Theo đó, các tác phẩm này nếu xứng đáng được lựa chọn cũng sẽ được đặt trong Nhà trưng bày Hoàng Sa.
Hoàng Yến
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất