03/02/2018 19:46 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Sáng 3/2, phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC) cùng các đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVPLand) tiếp tục với phần đối đáp giữa đại diện Viện Kiểm sát và các luật sư, trong đó tập trung xung quanh các yếu tố cấu thành tội “Tham ô tài sản”.
Về yếu tố chủ thể trong vụ án mà nhiều luật sư đề nghị Viện Kiểm sát đối đáp, Viện Kiểm sát khẳng định lại một lần nữa, PVP Land là doanh nghiệp có 28% vốn điều lệ là vốn góp của Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), số vốn là 140 tỷ đồng. PVC cử Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVP Land) và Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng Giám đốc PVP Land) đại diện quản lý phần vốn của PVC tại PVP Land, trong đó có tài sản Nhà nước. Do vậy, theo đại diện Viện Kiểm sát, hoàn toàn thỏa mãn yếu tố chủ thể của tội “Tham ô tài sản”.
Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, bị cáo Trịnh Xuân Thanh ký quyết định cử Đào Duy Phong và Nguyễn Ngọc Sinh là người đại diện phần vốn của PVC tại PVP Land. Do vậy, Trịnh Xuân Thanh là người gián tiếp quản lý tài sản của PVC tại PVP Land thông qua người đại diện.
Đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm: “Trong vụ án này, bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai báo không thành khẩn, quá trình điều tra trước đây bị cáo khai báo gian dối. Sau khi bị cáo Thái Kiều Hương (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Vietsan) đòi lại khoản tiền 14 tỷ đồng, theo lời khai của Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà), bị cáo Trịnh Xuân Thanh còn chỉ đạo Thắng nói với bị cáo Hương giữ bí mật về việc đã chuyển tiền cho Thanh và Thắng, coi như dòng tiền mới chỉ đến Hương, chứ chưa đến Thanh và Thắng, nên hợp pháp hóa bằng khoản mua bán cổ phần”.
Đại diện Viện Kiểm sát phân tích, nếu luật sư nói rằng Trịnh Xuân Thanh không vi phạm thì tại sao Thanh phải dặn Hương nói dối về dòng tiền. Đây là lần thứ hai bị cáo Trịnh Xuân Thanh ra Tòa về tội “Tham ô tài sản”. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh từng giữ những chức vụ cao, hiểu biết về luật pháp, song vẫn cố tình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử phải có hình phạt thích đáng đối với bị cáo Thanh để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Đối đáp lại quan điểm của Viện Kiểm sát, luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh) nêu ý kiến, Hội đồng xét xử cần tách, làm rõ trong số tiền thiệt hại có bao nhiêu là của Nhà nước, bao nhiêu là của cổ đông khác.
Về số tiền tham ô 14 tỷ đồng đang cáo buộc cho Trịnh Xuân Thanh, luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng không có cơ sở chứng minh số tiền được giữ nguyên vẹn trong quá trình chuyển từ Thái Kiều Hương đến Đinh Mạnh Thắng rồi đến Trịnh Xuân Thanh. Theo lời khai của các lái xe thì số tiền đã được chuyển từ bao tải sang thùng Lavie, vậy ai là người tác động đến số tiền và việc tác động như thế thì liệu số tiền có còn nguyên vẹn?
Tương tự, luật sư Nguyễn Quốc Hùng (bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh) tiếp tục đề nghị Viện Kiểm sát làm rõ về đường đi của số tiền 14 tỷ đồng. Luật sư đặt câu hỏi liệu Thái Kiều Hương và Đinh Mạnh Thắng có chuyển đủ số tiền 14 tỷ đồng cho Trịnh Xuân Thanh hay không?
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng) cũng đề nghị Viện Kiểm sát cụ thể hóa hành vi đồng phạm của Đinh Mạnh Thắng trong quá trình chuyển nhượng cổ phần. Ngay trong cáo trạng cũng đã thể hiện Thắng chỉ gọi điện cho Đào Duy Phong, sau đó Thái Kiều Hương đưa Huỳnh Nguyễn Quốc Duy đến gặp Đào Duy Phong. Theo luật sư: “Thắng không có mặt thì làm sao biết được việc thỏa thuận giá chuyển nhượng?”.
Về nội dung này, đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm: Hành vi của bị cáo Đinh Mạnh Thắng tác động đến bị cáo Trịnh Xuân Thanh và bị cáo Đào Duy Phong để PVP Land được chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương với mục đích được hưởng lợi. “Khi bị cáo Thắng được nhận số tiền 5 tỷ đồng và nhận chuyển 14 tỷ đồng cho bị cáo Thanh từ bị cáo Hương, đó là kết quả của sự tác động một chuỗi hành vi nối tiếp từ bị cáo Hương, bị cáo Thắng, bị cáo Thanh và bị cáo Phong.
Hành vi khách quan nêu trên của các bị cáo thể hiện ý thức chủ quan nhằm chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Đó là hành vi tham ô, trong đó Thắng với vai trò là người giúp sức”, đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh. Sau khi lắng nghe các quan điểm đối đáp giữa Viện Kiểm sát và luật sư, Hội đồng xét xử tuyên bố kết thúc phần tranh luận. Trước khi chuyển sang phần nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng.
Là người đầu tiên nói lời sau cùng, bị cáo Đào Duy Phong cho rằng bản thân đã thực sự ăn năn hối cải, tha thiết mong được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật. Số tiền bị cáo chiếm đoạt không sử dụng vào mục đích cá nhân, trong quá trình điều tra đã khai báo thành khẩn, chính xác, giúp cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án.
Đồng thời, bị cáo đã động viên gia đình khắc phục hậu quả thiệt hại ngay từ tháng 1/2011, vượt quá số tiền bị cáo chiếm hưởng. Bị cáo Đào Duy Phong mong muốn được Hội đồng xét xử ghi nhận là tình tiết giảm nhẹ khi quyết định mức án.
Nói lời xin lỗi các cổ đông và nhân viên của PVP Land vì những việc làm sai phạm của bản thân, bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh còn gửi lời xin lỗi tới người thân, gia đình vì bị cáo chưa làm tròn trách nhiệm trong gia đình. Bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh cũng xin lỗi cơ quan điều tra và các điều tra viên vì trong quá trình điều tra bị cáo khai báo còn thiếu thành khẩn.
Tuy nhiên, sang giai đoạn truy tố, bị cáo đã khai báo thành khẩn, nhận rõ sai lầm của mình và hứa sẽ quyết tâm sửa chữa. Về số tiền chưa khắc phục, bị cáo sẽ tiếp tục khắc phục. Bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh mong Hội đồng xét xử ghi nhận, xem xét khi lượng hình.
Về phần mình, bị cáo Đinh Mạnh Thắng nói: Bị cáo đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, mong Hội đồng xét xử xem xét vì trong quá trình tham gia phạm tội, bị cáo chỉ vô tình, không cố ý. Bị cáo mong được Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ và phán xử một cách công tâm, thấu tình đạt lý, tạo cơ hội cho bị cáo sớm được trở về với gia đình và xã hội.
Các bị cáo Thái Kiều Hương, Nguyễn Thị Kim Thoa (nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5 và Công ty cổ phần Minh Ngân) và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (trú tại phường 10, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) đều nhận thức được hành vi phạm tội của mình và mong Hội đồng xét xử xem xét công tâm, công bằng khi đưa ra phán quyết cuối cùng.
Là người nói cuối cùng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh mong muốn Hội đồng xét xử xem xét thật kỹ lưỡng khi quyết định mức án cho bị cáo.
Sáng thứ hai (5/2), Hội đồng xét xử sẽ tuyên án.
Kim Anh - Nguyễn Cúc (TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất