22/04/2021 11:38 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Grand World - Thành phố giải trí và mua sắm không ngủ đầu tiên của Việt Nam đã được đưa vào hoạt động, mở đường cho nền kinh tế đêm tại Việt Nam. Thời gian gần đây, nhiều địa phương như Nha Trang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... cũng đã lên kế hoạch cho việc phát triển kinh tế ban đêm để thu hút du khách, góp phần khôi phục và phát triển ngành du lịch trong bối cảnh dịch bệnh.
“Đánh thức” nền kinh tế đêm
Kinh tế ban đêm (Night Time Economy-NTE) là các hoạt động kinh doanh dịch vụ từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, bao gồm: ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm.
Tại các thành phố lớn ở châu Âu hay nhiều quốc gia du lịch nổi tiếng, đều có nền “kinh tế ban đêm” phát triển thông qua việc thực hiện các chương trình, dự án khai thác tiềm năng kinh tế đêm, gắn với đặc trưng và thế mạnh văn hóa, nghệ thuật, thể thao, ẩm thực của riêng mình.
Trên thế giới, kinh tế ban đêm chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong nền kinh tế. Các thống kê cho thấy, kinh tế ban đêm đã mang lại cho Tokyo (Nhật Bản) khoảng 3,76 tỷ USD mỗi năm. Tại Anh, ngành công nghiệp về đêm đóng góp khoảng 6% GDP với quy mô xấp xỉ 66 tỷ bảng, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm.
Tại Mỹ, mỗi đêm New York thu về hơn 8 triệu USD từ các hoạt động trình diễn và triển lãm nghệ thuật. Tính luôn cả ngành thể thao, bar và ẩm thực, tổng cộng New York thu về 19 tỷ USD mỗi năm sau khi hoàng hôn buông xuống. Còn tại Australia, nền kinh tế ban đêm đã tạo ra trung bình hơn 100 tỷ USD doanh thu mỗi năm, chiếm tới 4% GDP. Các nước láng giềng của Việt Nam đặc biệt là Trung Quốc cũng đã hình thành loạt khu kinh tế đêm để khai thác triệt để công suất du lịch và hưởng nguồn thu khổng lồ từ mô hình này.
Còn tại Việt Nam, theo các chuyên gia, ngành du lịch chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng một phần quan trọng là do Việt Nam chưa có nền kinh tế đêm phát triển, “mỏ vàng” du lịch vẫn chưa được khai mở. Mặc dù những năm gần đây, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, song mức chi tiêu trung bình vẫn còn khá thấp. Theo số liệu thống kê năm 2018 của Master Card, trung bình du khách tại Việt Nam chi tiêu mỗi ngày khoảng 96 USD, trong khi con số đó tại Bangkok (Thái Lan) là khoảng 173 USD, tại Singapore là khoảng 272 USD. Nguyên nhân chính là do dù có muốn thì khách du lịch cũng không thể tiêu tiền vào ban đêm tại Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam thực sự hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm như: tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú; văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc; có lượng dân số trẻ đông và sống tập trung tại các thành phố có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao, thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu... Đặc biệt, Việt Nam có nền chính trị ổn định, rất thuận lợi cho phát triển triển kinh tế ban đêm. Tạp chí Global Finance (Tài chính toàn cầu) mới đây đã công bố bảng xếp hạng các quốc gia an toàn và nguy hiểm nhất thế giới trong năm 2019, theo đó, Việt Nam xếp thứ hạng thứ 83/128 quốc gia (trên Thái Lan).
Trên thực tế, kinh tế ban đêm cũng xuất hiện manh mún tại một số đô thị và các trung tâm du lịch lớn tại Việt Nam, như Hà Nội có phố Tạ Hiện, TP Hồ Chí Minh có phố Bùi Viện, chợ đêm Bến Thành... Một số địa phương cũng đã triển khai kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm dưới nhiều hình thức, như mở các tuyến phố đi bộ, chợ đêm, khu mua sắm, khu ẩm thực… Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế ban đêm ở Việt Nam nhìn chung còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa được quy hoạch, chưa được sắp xếp bài bản và còn ít hoạt động vui chơi giải trí có tổ chức chuyên nghiệp, do đó chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Với những tiềm năng rất lớn có sẵn, đã đến lúc du lịch Việt Nam cần “thức giấc”, bừng sáng mạnh mẽ nền kinh tế đêm để mang lại tăng trưởng đột phá.
Ngày 21/4/2021, Grand World - Thành phố giải trí và mua sắm không ngủ đầu tiên của Việt Nam đã được đưa vào hoạt động, mở đường cho nền kinh tế đêm tại Việt Nam.
Grand World là mảnh ghép cuối cùng trong siêu quần thể Phú Quốc United Center được bắt đầu xây dựng từ 10 năm trước. Đó là hành trình xây dựng từng dự án nhỏ một cách chỉn chu, để có một quần thể hoàn chỉnh trên diện tích hơn 1.000 ha, từ Vinpearl Safari - một trong những công viên bảo tồn động vật bán hoang dã lớn nhất châu Á, hay VinWonders - công viên chủ đề lớn nhất Việt Nam, sân golf 18 lỗ Vinpearl Golf, Corona Casino 5 sao... và bây giờ là "thành phố không ngủ" Grand World. Đây là một hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ liên hoàn, hội tụ tất cả những dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm mà du khách trong và ngoài nước có thể tìm thấy. Grand World với đầy đủ dịch vụ tổng hợp khép kín chất lượng cao, được kỳ vọng trở thành điểm đến đẳng cấp thế giới, mở đường cho nền kinh tế đêm tại Việt Nam.
Phát triển kinh tế gắn liền với kiểm soát tốt các vấn đề an ninh trật tự
Với mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm, nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1129/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”.
Theo đó, Đề án cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở một số thành phố/trung tâm lớn nơi có đông lượng khách du lịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên-Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc. Trên cơ sở đó, đánh giá hiệu quả hoạt động và công tác quản lý hoạt động kinh tế ban đêm ở những nơi đã lựa chọn để xây dựng, hoàn thiện mô hình hoạt động kinh tế ban đêm và sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác…
Có thể thấy rõ, kinh tế ban đêm sẽ góp phần phát triển nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động và tận dụng tối đa các tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút khách du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, đi kèm với những mặt sáng, triển vọng nêu trên thì kinh tế ban đêm vẫn luôn tồn tại những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý, điều hành, đặc biệt là nguy cơ gia tăng các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma tuý, cờ bạc và các loại tội phạm khác. Điều này cần được phân tích, đánh giá một cách khách quan và đưa ra những khuyến cáo kịp thời nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những tác động xấu của kinh tế đêm với tình hình an ninh trật tự xã hội.
Theo các chuyên gia kinh tế, cần xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh tế ban đêm, vừa bảo đảm phát triển kinh tế nhưng cũng kiểm soát tốt các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự. Cần có quy chế đặc thù đối với các loại hình kinh doanh quán bar, nhà hàng, cơ sở đánh bạc giải trí và các lĩnh vực vui chơi văn hoá, ca nhạc khác nhằm phát triển các loại hình trên một cách phù hợp, tránh bị lệch hướng và vi phạm các quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển kinh tế đêm cần có nền tảng cơ sở hạ tầng đồng bộ. Đây cũng là giải pháp nằm trong tổng thể nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự của kinh tế đêm. Tiêu biểu là hệ thống đường giao thông, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh ẩm thực, cơ sở biểu diễn âm nhạc, giải trí, vui chơi có thưởng… Các loại hình được kết nối trong hạ tầng cơ sở đồng bộ, chặt chẽ sẽ tạo điều kiện cho việc quản lý được minh bạch, rõ ràng, tránh được các nguy cơ xấu phát sinh.
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, mỗi địa phương cần thiết kế, xây dựng những sản phẩm du lịch về đêm riêng, phát huy được tiềm năng và thể hiện được rõ nét đặc trưng của vùng miền, có như vậy mới có thể tạo dấu ấn trong lòng du khách. Bên cạnh đó, cần phải quy hoạch được vùng phát triển kinh tế ban đêm, ảnh hưởng ít nhất đến các khu dân cư, không cần xây mới các địa điểm mà có thể tận dụng ngay các sản phẩm du lịch sẵn có. Đồng thời, phải thay đổi tư duy, định kiến về kinh tế ban đêm của nhiều người, như vậy mới có thể phát triển lĩnh vực đầy tiềm năng này một cách tốt nhất...
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất