15/05/2019 22:25 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Vụ xả súng tại đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand, làm 51 người thiệt mạng, sẽ được chuyển thành phim mang tên "Hello Brother" (tạm dịch là Chào người anh em). Thông tin trên được thông báo vào ngày thứ hai của Liên hoan phim Cannes, đang diễn ra tại thành phố Cannes, hai tháng sau khi xảy ra vụ xả súng đẫm máu trên.
Phát biểu với truyền thông tại Cannes ngày 15/5, nhà sản xuất bộ phim trên, ông Moez Masoud, người Ai Cập, cho biết phim sẽ kể về câu chuyện của một gia đình người tị nạn rời Afghanistan tìm đến nơi an toàn là Christchurch chỉ để rốt cuộc lại phải rơi vào cảnh chém giết. Tên phim dựa vào câu mà một người cao tuổi Afghanistan nói khi ông chào các tay súng ở cửa ra vào đền thờ Hồi giáo Al Noor (ở Christchurch), nơi có 42 người bị sát hại ngày 15/3. Ông đã bị bắn chết ngay sau đó, nhưng những từ ông nói đã được lan truyền khắp thế giới như một lời kêu gọi đoàn kết chống lại hận thù.
Đoàn làm phim hiện đang có mặt tại New Zealand để gặp gỡ những người sống sót sau thảm kịch này và gia đình các nạn nhân. Ông Masoud cho biết: "Câu chuyện mà Hello Brother đem đến cho người xem sẽ là một bước trong tiến trình hàn gắn, giúp chúng ta hiểu rõ nhau hơn cũng như nguyên nhân sâu xa của hận thù, phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa thượng đẳng da trắng và khủng bố".
Ông Masoud sẽ là người đồng viết kịch bản, và bộ phim sẽ do hãng Acamedia Pictures sản xuất. Ông là một học giả theo đạo Hồi, từng sản xuất phim "Clash" năm 2016, nói về rối loạn xã hội và chính trị dẫn tới việc Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi (Mô-ha-mét Mơ-xi) bị lật đổ năm 2013. Phim này đã mở đầu hạng mục "Un certain regard" tại LHP Cannes cùng năm. Đây là giải dành cho phim có ý tưởng mới và đạo diễn trẻ.
Phản ứng về thông tin trên, Hiệp hội người Hồi giáo Canterbury, có trụ sở tại Christchurch, đại diện các tổ chức Hồi giáo trong khu vực, cho biết chưa từng nhận được bất kỳ kế hoạch làm phim nào như vậy. Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Facebook, Hiệp hội trên cho biết họ "chưa từng nhận được cũng như chưa từng đồng ý với một đề xuất nào như vậy", dù có một người đàn ông đã tới thăm đền hôm 14/5 với một số "ý tưởng chung chung" về việc làm phim. Hiệp hội cũng cho biết không thể ngăn cản các dự án như vậy nếu các nhà làm phim chọn làm, nhưng cho rằng "quyền riêng tư của cộng đồng chúng tôi là quan trọng nhất".
Trước Hello Brother, cũng đã có một số phim khác bắt nguồn từ những câu chuyện có thực về một thảm họa mà con người đã gặp phải. Năm 2018, bộ phim "Hotel Mumbai" đã dựng lại thảm kịch của vụ bắt cóc con tin năm 2008 tại Khách sạn Taj Mahal Palace, một trong loạt vụ tấn công làm 160 người thiệt mạng. Trong khi đó, phim "U-22 July" kể lại vụ giẫm đạp làm 11 người thiệt mạng năm 2011 tại Na Uy.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất