05/08/2016 08:29 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Cơn bão số 1 đổ vào các tỉnh khu vực Đông Bắc bộ trong đêm 27/7 vừa qua với sức gió giật trên cấp 13 đã để hậu quả vô cùng nặng nề cho lưới điện các tỉnh nằm trong tâm bão như Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định và Hà Nam.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Quản lý đầu tư (EVNNPC) đã làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến việc quản lý đầu tư và khắc phục hậu quả cơn bão này.
* Sau khi cơn bão số 1 đi qua, có rất nhiều cột điện trên địa bàn các tỉnh tâm bão bị đổ hàng loạt. Xin ông cho biết nguyên nhân vì sao?
- Trong những năm gần đây có rất nhiều cơn bão to, cụ thể như năm 2013 có cơn bão Sơn Tinh nhưng hậu quả không nhiều so với thiệt hại bão số 1. Theo chúng tôi kiểm tra lại, về thiết kế của Tổng công ty do các đơn vị tư vấn thiết kế thực hiện thì toàn bộ cột điện trung áp đều chịu được gió bão cấp 13.
Phân tích các nguyên nhân sự cố thì thấy, khi tính toán, hồ sơ thiết kế phải tính cho trường hợp áp lực gió là lớn nhất (chế độ bão) tại khu vực theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2737-1995, tải trọng và tác động theo tiêu chuẩn thiết kế do Bộ Xây dựng ban hành theo quyết định số: 345/BXD/KHCN ngày 19/12/1995.
Bão số 1 quật đổ nhiều cột điện cao thế tại Nam Định, gây mất điện lưới nhiều khu vục trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Trong điều kiện thiết kế áp dụng đúng, đủ các điều kiện tính toán nhưng khi mưa bão vẫn gây sự cố thì có thể có các nguyên nhân nằm ngoài các điều kiện được áp dụng khi tính toán.
Cụ thể như khi có bão, có thể gây lốc xoáy có sức gió lớn hơn sức gió áp dụng tính toán thiết kế tại những vị trí cục bộ tác động lên hệ thống dây dẫn và cột điện. Điều này có thể gây ra lực tác động vào đầu cột lớn hơn lực tính toán lựa chọn cột (tức thời có thể gây gãy cột) hoặc tác động đến móng gây mất ổn định dẫn đến đổ cột.
Bên cạnh đó, do lượng mưa nhiều gây ngập úng nên nước mưa đã thẩm thấu xuống dưới nền đất làm tăng độ bão hòa của nền đất và làm giảm sức chịu tải của nền đất dưới đáy móng cột khiến nền đất dưới đáy móng mất ổn định gây hiện tượng móng cột bị lún nghiêng.
Chúng tôi cũng nhìn nhận lại là cơn bão số 1 có sức gió mạnh, với tốc độ di chuyển chậm trong khoảng thời gian từ 5-7 giờ nên thời gian gió to kèm theo mưa lớn tác động đến các công trình kéo dài. Đất tại các chân móng ngậm nước lâu và cột, móng cùng chịu tác động của gió lớn nên nhiều vị trí cột ngã đổ dẫn đến đổ dây chuyền. Việc đổ một vị trí cột cũng có thể dẫn đến lực tác động dây chuyền gây đổ các vị trí cột đỡ tiếp theo trong một khoảng néo.
* Mặc dù vậy, người dân lại nghi ngờ về chất lượng các cột điện bị đổ sau bão. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Như tôi đã nói ở trên thì tất cả thiết kế móng và thiết kế cột đều chịu được gió cấp 13. Riêng về tiêu chuẩn cột điện thì toàn bộ các sản phẩm cột bêtông ly tâm, ở đây tôi đặc biệt lưu ý cột bêtông ly tâm là cột của các đường dây trung thế cấp điện cho dân bị đổ nhiều thì tiêu chuẩn chế tạo cột hoàn toàn tuân thủ theo TCVN 5574:2012 về kết cấu bêtông và bêtông cốt thép. Tất cả các nhà máy sản xuất cột đều phải tuân thủ theo tiêu chuẩn này.
Chất lượng các sản phẩm cột đều công bố theo tiêu chuẩn của các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh. Bản thân các cột này đã được sử dụng rộng rãi ở tất cả các khu vực lưới điện, do đó tôi cho rằng tất cả các cột bêtông ly tâm này đều đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Việc mà một số báo chí thông tin, giữa cột ly tâm có lỗ ở giữa và người dân hiểu rằng đơn vị thi công trốn được nguyên vật liệu xi măng sắt thép, điều này theo tôi là không đúng vì đây là chuyện bình thường. Bởi nguyên lý của cột ly tâm là quay ly tâm trên dây chuyền sản xuất của nhà máy để liên kết giữa thép và bêtông, đảm bảo chịu lực theo tiêu chuẩn đăng ký và tiêu chuẩn của Việt Nam đang áp dụng.
Đối với các nhà sản xuất cột điện ở các tỉnh thì chúng tôi mua qua các hợp đồng đấu thầu. Các nhà thầu phải có cam kết về tiêu chuẩn thì chúng tôi mới xét trúng thầu.
Trong quá trình xét tuyển chúng tôi có kiểm tra, kiểm soát chất lượng ngay từ các nhà máy sản xuất cho đến chân công trình. Vì vậy tất cả các vật tư vật liệu đưa vào công trình là đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của Việt Nam.
* Qua cơn bão số 1 này, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã rút ra những bài học gì trong công tác đầu tư, xây dựng để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra?
- Việc đầu tiên chúng tôi phải làm là khẩn trương khôi phục cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trước hết là cứu các cánh đồng bị ngập nước. Do vậy, ngay sau bão 1 ngày, chúng tôi đã khôi phục vận hành hệ thống lưới điện 110kV, toàn bộ các đường dây và trạm biến áp cung cấp điện cho các trạm bơm đầu mối tiêu úng, các phụ tải quan trọng.
Đến ngày 3/8, chúng tôi đã cơ bản cung cấp điện an toàn cho toàn bộ khách hàng sử dụng điện trên địa bàn các tỉnh bị ảnh hưởng. Đặc biệt, việc cấp điện trở lại kịp thời cho các trạm bơm tiêu úng đã góp phần quan trọng trong việc cứu được gần 200.000ha trên tổng số 210.000ha lúa vụ mùa vừa cấy trên địa bàn 4 tỉnh Nam Định, Hà Nam, Thái Bình và Ninh Bình.
Sau đó, chúng tôi sẽ phải tính toán và làm lại các cột, ít nhất là như thiết kế ban đầu. Trong quá trình làm, chúng tôi sẽ phải nghiên cứu, kiểm tra lại để xem có vấn đề gì về tiêu chuẩn cột hay không để khả năng chống chọi với các cơn bão như thế này được tốt nhất.
Qua hậu quả của bão số 1 để lại mà ngành điện phải hứng chịu thì chúng tôi cũng rút ra được nhiều bài học; trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như Tổng Công ty Điện lực miền Bắc sẽ phải chỉ đạo các Công ty Điện lực các tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng trong khâu đầu tư các dự án điện, từ tăng cường giám sát trong quá trình thực hiện thi công của các nhà thầu đến kiểm soát chặt chẽ nguồn vật tư vật liệu sử dụng trong công trình.
Cùng với đó, chúng tôi sẽ chỉ đạo các công ty Điện lực trong quá trình giám sát của người dân trong các dự án điện thì phải giải thích cho dân về chất lượng cột, chất lượng các vật tư vật liệu đưa vào công trình cũng như về các tiêu chuẩn thiết kế để tránh sau khi xảy ra sự việc này lại có đánh giá chất lượng đầu tư không đạt. Đây là những việc chúng tôi phải rút kinh nghiệm ngay sau bão.
* Miền Bắc đang bước vào mùa mưa bão, vậy hướng khắc phục lâu dài để đảm bảo cung cấp điện ổn định và an toàn, hạn chế thiệt hại đến tài sản trên toàn khu vực do Tổng Công ty quản lý là gì thưa ông?
- Đối với lưới điện bị hư hại bởi bão số 1, sau khi khắc phục tạm thời để cấp điện sớm cho nhân dân, Tổng Công ty đã chỉ đạo các đơn vị lập và triển khai thực hiện phương án khắc phục triệt để, đồng thời tạm cấp một phần kinh phí để thực hiện. Tuy nhiên, công việc này sẽ còn kéo dài trong các tháng tới.
Bên cạnh đó, các đơn vị điện lực cũng phải thực hiện ngay việc gia cố lưới điện hiện hữu để chủ động chuẩn bị ứng phó với các cơn bão tiếp theo trong mùa mưa bão năm nay.
Hiện, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đang phải tiếp nhận quản lý khối lượng lưới điện hạ áp nông thôn về ngành điện rất lớn. Lưới điện này chất lượng rất kém. Cột nhiều khi dùng gỗ, tre hay cột bêtông do dân tự làm, hoàn toàn không theo quy chuẩn, tiêu chuẩn nào của Việt Nam cũng như của ngành điện.
Do đó khi tiếp quản rồi thì trước mắt chúng tôi đã cải tạo lưới điện tối thiểu bằng thay hòm công tơ, thay công tơ chưa đạt tiêu chuẩn để bán điện trực tiếp đến người dân; thay cột gỗ, cột tre để đảm bảo vận hành lưới điện an toàn một cách tối thiểu. Còn về lâu dài chắc chắn chúng tôi sẽ phải thiết kế lại, đầu tư lại từ đầu. Tuy nhiên do khối lượng đầu tư và kinh phí quá lớn thì Tổng công ty phải làm dần dần.
* Xin cảm ơn ông.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất