19/12/2017 01:33 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp và thường xuyên đến sức khoẻ nhân dân, đến sự phát triển giống nòi. Do đó, Đảng và Nhà nước và cả xã hội luôn quan tâm đặc biệt đến vấn đề này.
Mặc dù đạt được một số kết quả quan trọng, nhưng công tác đảm bảo ATTP ở nước ta hiện nay vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh hơn nữa trong việc ngăn chặn và đẩy lùi nạn buôn bán, kinh doanh thực phẩm bẩn; sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản…
Những kết quả tích cực
Bên cạnh hệ thống pháp luật, hệ thống tổ chức quản lý ATTP cũng được hình thành từ trung ương đến địa phương; 100% địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP ở các cấp; hệ thống kiểm nghiệm ATTP đi vào hoạt động đã đáp ứng được công tác quản lý. Tính đến năm 2016, cả nước có 1 Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia, 3 trung tâm kiểm nghiệm khu vực, 14 cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu, 42/63 tỉnh/thành phố có phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO/IEC 17025.
Công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh (tập trung nhiều vào dịp Tết Nguyên đán và Tháng hành động vì ATTP và Tết Trung thu), giúp ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm về ATTP góp phần làm cho thị trường thực phẩm an toàn hơn. Trong giai đoạn 2011-2016, cả nước thành lập 153.493 đoàn thanh tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, cả nước đã thành lập 23.441 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 443.178 cơ sở, phát hiện 81.115 cơ sở vi phạm.
Việc áp dụng các chế tài xử phạt đã được đẩy mạnh qua các năm. Tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 30,0% năm 2011 lên 67,1% trong năm 2016. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, số tiền phạt thu được là 38 tỷ đồng. Cùng với việc xử phạt hành chính, các đoàn thanh kiểm tra đã kiên quyết xử lý tiêu hủy đối với sản phẩm không đảm bảo ATTP, cũng như thu hồi các loại giấy phép đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Trong 6 tháng đầu năm 2017, đã có 299 cơ sở bị đình chỉ hoạt động; 303 loại thực phẩm bị đình chỉ lưu hành; 3.749 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm với 4.175 loại thực phẩm bị tiêu hủy.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác đảm bảo ATTP vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, số lượng văn bản quy phạm pháp luật nhiều, nhưng lại do 3 bộ (Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương) cùng ban hành, quản lý gây khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện; việc thực thi pháp luật ở nhiều địa phương còn hình thức, chưa xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, chưa tạo được động lực khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đảm bảo chất lượng, ATTP chưa thực sự hiệu quả do thủ tục để được hưởng chính sách hỗ trợ còn khó khăn, phức tạp. Ngoài ra, công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về ATTP tại nhiều địa phương còn chưa thường xuyên…
Để tăng cường công tác đảm bảo ATTP, trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như: Rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển sản xuất theo hướng sản xuất quy mô lớn, đảm bảo ATTP gắn với thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu phù hợp với đặc thù của địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý ATTP của chính quyền, đặc biệt tuyến cơ sở, xã phường; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện kết nối một cửa Quốc gia đối với kiểm tra thực phẩm nhập khẩu. Áp dụng phương pháp quản lý rủi ro, công nhận thừa nhận lẫn nhau với các cơ quan nước ngoài để giảm thiểu việc kiểm tra tại cửa khẩu; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt tăng cường xử phạt vi phạm ở tuyến cơ sở, công khai tên, địa chỉ, sản phẩm, cơ sở vi phạm để tăng tính răn đe; Hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm áp dụng các mô hình quản lý ATTP tiên tiến, như: GMP, HACCP...
Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 43/2017/QH14, ngày 21-6-2017, về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2016-2020. Theo đó, để khắc phục những hạn chế, yếu kém, đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về ATTP trong giai đoạn này, Quốc hội đã giao Chính phủ tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp như: Đến hết năm 2018, kiện toàn cơ bản bộ máy quản lý nhà nước về ATTP các cấp theo hướng tập trung đầu mối, rõ trách nhiệm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả.
Phấn đấu giảm mạnh số vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người, giảm tỷ lệ mẫu thực phẩm kiểm tra không đảm bảo an toàn, tăng tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP so với giai đoạn trước.
Có lộ trình và giải pháp giải quyết dứt điểm các vấn đề yếu kém: về dư lượng vượt ngưỡng cho phép của thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kiểm soát giết mổ nhỏ lẻ, thực phẩm có nguy cơ cao, thức ăn đường phố; ngộ độc thực phẩm cấp tính và mãn tính; kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, hàng nhập lậu và gian lận thương mại; kiểm soát môi trường đất, nước cho sản xuất thực phẩm an toàn.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác giáo dục truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP…
Hồng Nhung
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất