Hà Nội, cà phê và Phố Phái

06/09/2016 17:46 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Hữu ngạn sông Seine có bảo tàng Louvre, tả ngạn sông Hồng có Café  Lâm. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà văn nổi tiếng khó tính trong câu từ như Nguyễn Tuân lại so sánh bảo tàng Nghệ thuật, lịch sử ở quận 1 Paris với quán cà phê nhỏ trên phố Nguyễn Hữu Huân (Hà Nội). Bởi ngoài hương vị đặc trưng, cà phê Lâm còn là một không gian nghệ thuật in hằn những vết dấu lịch sử, văn hóa của đất Hà thành.

Nửa thế kỷ đã qua, cà phê Lâm vẫn còn nguyên vị khe khé, khen khét, mặc dù những nét duyên của văn hóa cà phê Hà Nội chốn này cũng lần lượt ra đi theo những người muôn năm cũ…

Quán cà phê biệt nhỡn liên tài

Chủ quán là ông Nguyễn Văn Lâm (hay thường gọi là Lâm “toét”). Ông không biết vẽ tranh, cũng không phải nhà tư sản cỡ bự đất Hà Thành song ông Lâm lại có lòng biệt nhỡn liên tài. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, những họa sỹ nghèo thường lại qua quán ông uống cà phê chịu. Ông Lâm không đòi nhưng cứ đến độ thấy ghi sổ nhiều nhiều, các họa sỹ lại vẽ tranh gán nợ.

Tranh gì ông Lâm cũng nhận. Hiện thực, siêu thực hay lập thể, dã thú đều được ông trân trọng. Không quy định, không thúc giục, không cò kè bớt một thêm hai, một bức sơn dầu cỡ nhỏ (các họa sỹ không có tiền để làm tranh to) của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng thường tương đương với sáu bảy chục hoặc trên trăm ly cà phê đen (còn gọi là cà phê bít tất) cộng với dăm chục đĩa trứng ốp la, lạp xường.


Không gian cà phê Lâm. Ảnh Cao Mạnh Tuấn

Ai cũng biết rằng tranh mà giá thế thôi thì mạt quá. Nhưng thử hỏi, liệu có ai trong những người biết giá trị thực của bức tranh dám giúp các họa sĩ qua cơn đói lòng mỗi sáng kèm theo cả cà phê và thuốc lá? Mà trong túi họa sĩ lại thường xuyên không có thứ giấy nhàu nhĩ nhưng đáng quý gọi là tiền?

Cũng bởi lòng biệt nhỡn ấy, khách quen của ông lúc đó là: Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Trọng Kiệm, Lưu Công Nhân, Văn Cao, Nguyễn Sĩ Ngọc, Nguyễn Tuân…

Dần dà, quán cà phê của ông Lâm Toét thành một dạng "salon chui" của giới hội họa Thủ đô. Tấp nập nhưng trầm lặng, ngày một đông họa sỹ tìm đến quán cà phê nhỏ số nhà 60 đường Nguyễn Hữu Huân. Từ chỗ lấy tranh gán nợ, họ thân ái, trìu mến tặng tranh ông Lâm “toét”. Đám họa sỹ trẻ khi ấy cũng miệt mài sáng tạo với mong muốn sản phẩm của mình được trân trọng nơi góc tường quán Lâm cùng tranh của những bậc tiền bối. Người tới uống cà phê dần cũng mê tranh như say hương khen khét đặc trưng của cà phê Lâm.  

Vào thời buổi đất nước khó khăn ấy, những gã nghệ sỹ tận hiến cho nghệ thuật là dũng cảm. Nhưng kẻ tiểu thương dùng cả số vốn ít ỏi của mình để dung nạp và nâng niu những sản phẩm nghệ thuật ấy còn dũng cảm gấp bội. Vì nếu thất bại trên con đường kiến tạo cái đẹp, nghệ sỹ sẽ chênh vênh tìm một lối đi khác để mưu sinh. Nhưng giả như cứ đổ café, trứng ốp và cả tiền bạc để theo tranh mà sập tiệm, ông Lâm sẽ chẳng còn gì ngoài đống tranh vô giá (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). 

Còn hiện tại, khi chúng tôi tìm lại, những bức tranh này đã bị tản mát nhiều.

Phố Phái và Iphone

Từ 7 rưỡi sáng đổ ra, quán hàng chừng 40m2 thường chật như nêm. Những người hoài cổ đã rậm rịch ra về, đám hậu sinh ngậm tăm kéo đến.

Phàm ở đâu có người trẻ, ở đó có sự ồn ào. Tiếng hạt dưa lách tách, tiếng thở than phàn nàn, tiếng văng tục chửi thề liến thoắng thoát phát ra từ những đôi môi cong cớn. Trên tường, những thiếu nữ áo dài trắng vẫn thướt tha bên bờ Hồ, cô đầu vẫn xướng mãi điệu ca lạc loài, thiếu nữ Hà Thành vẫn tung tăng "bay" trong mùa xuân đầu tiên năm 1976… Một bức tranh tương phản diễn ra ngay trong phòng tranh nức tiếng Thủ đô.

Dù không nằm trong "tứ trụ" cà phê phố cổ (Nhân - Nhĩ - Dĩ - Giảng) song cà phê Lâm luôn đông khách, lại đa phần là khách trẻ. Ở thời điểm hiện tại, chắc rằng sức hút của cà phê Lâm không phải là tranh. Hương vị nặng, kén người thưởng thức càng không phải điểm lôi cuốn của cà phê Lâm (đa số phụ nữ đến Lâm thường gọi chanh leo hoặc cam ép). Tầm view của cà phê Lâm thì cực xấu. Còn không khí u tịch, hoài cổ của Lâm xưa giờ mất chất nhiều so với cà phê Giảng, Đinh.

Có lẽ, người ta đến với Lâm cũng bởi chút danh còn vang bóng thủa nào. Hay cũng có một vài gã khờ nào đó như tôi (và anh chàng Gil trong Midnight in Paris) chịu hấp lực dữ dội từ quá khứ.

Cà phê không còn là chốn yên bình để người ta chậm rãi suy tư thế sự. Mà cà phê giờ là địa điểm hò hẹn, giãi bày, để tuôn hỷ- nộ- ái- ố... Những chuyện rất đời làm không gian nghệ thuật bỗng trở nên lạc lõng.

Ồn ã là thế, nhưng quán rất ít tiếng cười. Phần nhiều là tiếng than thở và tỷ tê. Cảm tưởng như một thế hệ uể oải. Nụ cười tươi tắn, rạng ngời nhất đến với cà phê Lâm 2 lần 1 ngày (thường vào lúc sáng sớm và chiều muộn). Đó là nụ cười của những cô PG chân dài, mặt trắng phóc bởi lớp phấn dày bịch đi tiếp thị thuốc lá. Nhìn nụ cười chuyên nghiệp mới đáng buồn làm sao!  

Thi thoảng cũng có một vài cậu trai trẻ, một mình một bàn tĩnh lặng hàng giờ ở cà phê Lâm. Song họ tĩnh lặng không phải để suy tư, mà họ đang tập trung vào những Iphone, Ipad. Sau lưng là tranh Phố Phái, trước mặt là tranh Nguyễn Sáng, xung quanh là bút tích của cả trăm nghệ sỹ tài hoa một thủa song đấy không phải là thứ bắt mắt với người trẻ. Người một mình cắm mặt vào điện thoại, đôi lứa đi với nhau cũng mỗi người mỗi điện thoại, nhóm bạn 4 người ngồi cùng cũng vừa lướt smart phone vừa trò chuyện ơ hờ… Café còn đấy, tranh vẫn còn đây mà tình người trao nhau đã khác xưa nhiều.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm