07/09/2017 07:34 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Diệt muỗi, nhất là bọ gậy (ấu trùng của muỗi) là giải pháp vô cùng quan trọng trong công tác khống chế dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên, tại Hà Nội, giải pháp này được thực hiện thiếu triệt để, nhiều bất cập và kém hiệu quả.
"Sống chết mặc bay"
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn Hà Nội ghi nhận 24.264 trường hợp mắc và 7 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Để ngăn chặn dịch lây lan, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động diệt muỗi và bọ gậy. Riêng về phun hóa chất, từ 12 - 25/8, Hà Nội đã phun hóa chất cho hơn 53.100 hộ dân, tương đương 86,5% so với diện khoanh vùng; còn lại 13,5% hộ đi vắng hoặc không đồng ý phun. Tới đây, Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức phun hóa chất diện rộng tại các trường học, công trường, nghĩa trang và các xã phường trọng điểm...
Theo Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt xuất huyết của Bộ Y tế, việc phun hóa chất diệt muỗi diện rộng cần được chủ động triển khai cùng với chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy ngay từ thời điểm các chỉ số véc-tơ tăng cao nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát. Khi phun hóa chất tại thực địa, đối với nhà chung cư, nhà ở có nhiều tầng, nhiều phòng người sử dụng máy phun cần tuân thủ nguyên tắc phun tất cả các phòng, các góc, cầu thang, sân thượng... với nguyên tắc phun từ tầng trên xuống tầng dưới, từ trong ra ngoài...
“Khi có ổ dịch, phun hóa chất sẽ có tác dụng diệt ngay đàn muỗi trưởng thành đang mang vi rút nhằm cắt đứt khả năng lan truyền vi rút Dengue. Nhưng nếu phun không triệt để và không xử lý ổ bọ gậy thì chỉ sau một vài ngày, những bọ gậy già tuổi sẽ nở thành muỗi và lại tràn vào nhà và gây bệnh cho người dân”, ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, khuyến cáo.
Hướng dẫn và khuyến cáo là vậy nhưng thực tế, không ít người dân tại các phường Minh Khai, Đồng Tâm, Thanh Lương, Ngọc Hà, Trần Hưng Đạo… phản ánh, việc phun hóa chất tại nhiều ổ dịch đang thực hiện qua quýt, theo kiểu “sống chết mặc bay” khác hẳn so với hướng dẫn chuyên môn.
Đơn cử, nhiều người đi phun hóa chất chỉ phun tầng 1; một số nơi, người dân phải bồi dưỡng thêm tiền thì mới được phun các tầng còn lại của ngôi nhà. Nhiều trường hợp, người dân không cho phun hóa chất, người đi phun hóa chất lập tức "bỏ qua". Hoặc có nơi, nghe lời chủ quán game “hướng dẫn”, người phun hóa chất chỉ phun trong toa - lét tầng 1, mặc kệ hóa chất bay mù mịt và nguy cơ ngộ độc cho gần chục cu cậu học trò đang mải miết chơi game ngay phía bên ngoài…
“Tôi không hiểu cơ quan chức năng đang tổ chức, giám sát phun hóa chất dập dịch sốt xuất huyết kiểu gì mà như chỗ tôi ở, nếu nhà nào bấm hai hồi chuông mà không ra kịp, bà tổ trưởng cùng với ông xịt thuốc diệt muỗi mà đi mất, không quay trở lại phun cho thì ráng chịu. Nhà tôi nài nỉ mãi cũng mới chỉ được phun ở tầng 1, mà rất chóng vánh", chị Hồng Hạnh, phường Ngọc Hà, chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hòa, phường Trần Hưng Đạo, cho biết, cách đây 2 tuần, gia đình chị đã tự phun hóa chất diệt muỗi để phòng xa nhưng chỉ chừng 1 tuần sau là muỗi lại bay tung tăng khắp nhà.
"Cô hàng xóm sốt xuất huyết xình xịch, mà con nhỏ hay sang đó chơi nên tôi rất lo. Hỏi về phun hóa chất, ông tổ trưởng bảo: 3 người nằm viện mới được phun", chị Nguyễn Thị Hòa bức xúc.
Quá lo lắng, chị Hòa đành nhờ vả chỗ quen biết, để cả khu nhà, nơi đang có mấy ca sốt xuất huyết được phun hóa chất diệt muỗi. Có điều, nhà chị Hòa cũng chỉ được phun ở tầng 1 và chẳng được bao lâu thì muỗi lại xuất hiện.
Cực chẳng đã, chị Hòa lại phải ngồi nghiên cứu, tự mua bình xịt 5 lít, cách 3 ngày lại phun tinh dầu một lần những mong các thành viên trong gia đình không bị muỗi sốt xuất huyết "hỏi thăm".
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tin Tức, không riêng gì chị Hòa mà trên các diễn đàn xã hội, rất nhiều người dân chia sẻ để tự bảo vệ, họ đã tự mua hóa chất về phun.
Đáng tiếc hơn cả là nhiều người dân còn tỏ ra thiếu lòng tin vào việc phun thuốc của cơ quan chức năng vì cho rằng chỉ mang tính hình thức. Ngành y tế khuyến cáo phun trong nhà vào buổi sáng (6 - 9 giờ) hoặc chiều tối (17 - 20 giờ) nhưng thường chẳng mấy phường thực hiện đúng thời điểm này.
Đặc biệt, người dân còn nghi ngại không rõ do pha hóa chất không đúng cách, phun không đúng mục tiêu, phun qua loa, chất lượng hóa chất diệt muỗi có vấn đề hay do muỗi đã kháng hóa chất... mà sau phun, muỗi vẫn “phơi phới” như thiếu nữ 18 và gây bệnh cho cộng đồng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều gia đình có đến 3 – 4 người lần lượt mắc sốt xuất huyết…
Gia tăng nguy cơ muỗi kháng thuốc
Không trả lời trực tiếp câu hỏi của phóng viên báo Tin Tức về tình trạng muỗi kháng thuốc, TS Vũ Trọng Dược, Thư ký Chương trình Sốt xuất huyết Deunge khu vực miền Bắc, Phó trưởng Khoa côn trùng và động vật Y học, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết: Để diệt muỗi sốt xuất huyết, Chương trình phòng chống sốt xuất huyết quốc gia thuộc Bộ Y tế có quy định 3 loại hóa chất diệt muỗi được sử dụng trong chương trình là Deltamethrin, Permethrin và Malathion. Qua nghiên cứu, thử hiệu lực kháng với 3 hóa chất này thì đều cho thấy hiệu quả diệt muỗi sốt xuất huyết tốt (? - PV). Tuy nhiên, một số điểm tại Hà Nội đã có hiện tượng tăng sức chịu đựng của muỗi đối với hóa chất này.
Một giám sát khác của ngành y tế Thủ đô cho thấy, nếu như năm 2015, muỗi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Ae.Aegypti chỉ có ở 15/30 quận/huyện Hà Nội thì năm 2017, đã có ở 20/30 quận/huyện. Đặc biệt, ở một số quận nội thành như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, muỗi bắt được gần như 100% là Ae.Aegypti.
Đáng lo ngại là muỗi truyền bệnh có xu hướng kháng hóa chất. Hóa chất sử dụng hiện tại còn có một số tác dụng phụ như gây kích ứng, có mùi nên một số người dân không chấp nhận, cản trở tới tỷ lệ hộ được phun và kỹ thuật phun. Tại các quận, huyện mà dịch sốt xuất huyết đang "nóng", còn xảy ra tình trạng thiếu nhân công phun hóa chất (khó thuê công nhân phun do cơ chế tài chính và đặc thù công việc)...
Thực tế còn quá nhiều vướng mắc, nên trước thực trạng phun hóa chất không triệt để, người dân đổ xô đi phun hóa chất, nhiều chuyên gia dịch tễ lo lắng, cho rằng muỗi đã kháng thuốc mạnh hơn ngay tại thời điểm Hà Nội tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết.
BS Nguyễn Võ Hinh, nguyên Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng tỉnh Thừa thiên - Huế, khẳng định, trong phòng chống dịch bệnh nói chung và sốt xuất huyết nói riêng, nếu sử dụng hóa chất một cách bừa bãi, không có chỉ định và kiểm soát đầy đủ sẽ dễ dẫn đến tình trạng muỗi kháng lại với hóa chất.
"Muỗi truyền bệnh nếu tiếp xúc với hóa chất diệt không pha đủ liều lượng thì không chết, nếu pha quá liều lượng quy định thì lại gây độc cho người và động vật nuôi; khi muỗi tiếp xúc thường xuyên, lâu dài với hóa chất diệt sẽ có khả năng tăng sức chịu đựng và dẫn đến tình trạng kháng lại hóa chất sử dụng nên sau đó dù có phun lại hóa chất này thì việc diệt muỗi cũng không có hiệu quả", BS Nguyễn Võ Hinh nhấn mạnh.
Trao đổi với chúng tôi, một số chuyên gia đồng quan điểm cho rằng, tại thời điểm này, khi số mắc sốt xuất huyết đã quá cao, muỗi truyền bệnh nhiều và ở khắp mọi địa bàn Thủ đô thì hoạt động phun hóa chất hầu như chỉ đảm bảo hiệu quả về mặt tâm lý, chứ hiệu quả thực tế thì khó đạt được.
Nhưng dẫu vậy thì việc phun hóa chất tại các xã, phường cũng cần được triển khai triệt để, đúng chuyên môn. Đồng thời, Hà Nội cũng cần có những nghiên cứu khách quan về tình trạng muỗi kháng thuốc, từ đó lựa chọn những hóa chất không tác dụng phụ, hiệu quả diệt tốt; tránh làm mất niềm tin nơi người dân về các hoạt động phòng chống dịch.
Theo Phương Liên - Tin Tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất