Huy động mọi lực lượng khắc phục hậu quả mưa lũ tại miền Trung

03/11/2016 14:48 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến sáng 3/11, mưa lũ trong những ngày qua tại các tỉnh miền Trung gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đã làm 4 người chết (Quảng Bình 2 người, Quảng Trị 2 người); 1 người mất tích (ở Quảng Bình); 12 người bị thương.

Mưa lũ cũng làm 7 nhà bị sập, 16 nhà bị hư hỏng, 367 nhà bị ngập nước; 35 ha lúa và 261 ha hoa màu, cây trồng bị ngập, hư hỏng, 182 con gia súc, 6070 con gia cầm bị cuốn trôi (chủ yếu ở tỉnh Quảng Bình). Hiện vẫn còn một số tuyến quốc lộ, đường tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn ở Hà Tĩnh và Quảng Bình bị ngập.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, từ nay đến 5/11, các tỉnh Quảng Ngãi đến Bình Thuận tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, riêng các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có lượng mưa từ 100-250mm, có nơi trên 250mm.

Để ứng phó với mưa lũ tại miền Trung, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1925, yêu cầu các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế và các Bộ, ngành tập trung ứng phó khẩn cấp với mưa lũ ở miền Trung; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cũng có Công điện số 34 về việc ứng phó với mưa lũ tại miền Trung.


Lực lượng Công an huyện Tuyên Hóa cùng thầy cô giáo trường tiểu học Văn Hóa tổ chức quét bùn đất, lau rửa bàn ghế ngay sau lũ rút. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN

Hôm nay (3/11), Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do Ủy viên thường trực - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn đi các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định kiểm tra, phối hợp với các địa phương trong việc chỉ đạo, ứng phó với mưa lũ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có các văn bản chỉ đạo các địa phương về vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa, nuôi trồng thủy sản đối với khu vực ven sông, ven biển.

Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có công điện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai công tác đảm bảo an toàn vận hành hồ chứa, phòng chống và khắc phục hậu quả mưa lũ; đảm bảo vật tư, hàng hóa để ứng cứu khi có yêu cầu; chỉ đạo việc đảm bảo không để tăng giá hàng hóa đối với khu vực bị ngập lũ; Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương theo dõi sát diễn biến thời tiết, mưa lũ và thường xuyên ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định) tiếp tục triển khai, thực hiện công tác ứng phó với mưa lũ.

Theo đó, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo, kiểm soát công tác xả lũ các hồ chứa; tổ chức các đoàn công tác, huy động lực lượng phương tiện đến các địa bàn ngập lụt để tổ chức ứng phó, cứu hộ, cứu nạn.

Giúp dân thu dọn tài sản, xây dựng nhà tạm, xử lý môi trường, xử lý nước sạch, cấp 3.400 kg giống ngô cho nhân dân chủ động gieo trồng; tỉnh Quảng Trị đã huy động trên 600 cán bộ chiến sĩ, 1 tàu và 11 ca nô, hàng trăm xe các loại để sơ tán 804 hộ với 3.466 người dân trên địa bàn các huyện Cam Lộ, ĐaKrông, Hướng Hóa và thành phố Đông Hà (riêng huyện Cam lộ đã sơ tán được 2.326 người) ở các vùng ngập sâu, chia cắt đến nơi an toàn.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chủ động xả điều tiết đón lũ với các hồ thủy điện Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền, A Lưới. UBND huyện A Lưới đã tiến hành di dời các hộ dân bị ngập đến nơi an toàn; Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã ban hành các lệnh vận hành hồ thủy điện: Sông Bung (13 giờ ngày 1/11), Đắk Mi (14 giờ ngày 2/11), Sông Tranh 2 (20 giờ ngày 2/11).

Tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành lện cấm tàu thuyền ra khơi hoạt động từ 17h ngày 1/11 cho đến khi có thông tin chính thức về thời tiết ổn định; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đã đề nghị UBND tỉnh cho phép vận hành điều tiết hồ Bình Định với lưu lượng xả bằng lưu lượng đến hồ. Di chuyển 5 hộ dân thôn Tân Phú, xã Đức Mỹ, huyện Phù Mỹ.

Về xả lũ hồ Dầu Tiếng: Mực nước hồ Dầu Tiếng lúc 21h ngày 2/11 là 24.75 m, ở mức BĐ3 (cao hơn mực nước dâng bình thường +0.35 m). Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác Thủy Lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đã có thông báo số 97 về việc xả nước qua tràn, hạ thấp mực nước hồ Dầu Tiếng (đợt 3) gửi các địa phương, đơn vị liên quan về phương án xả lũ.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM để đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du (thời gian xả từ 7h ngày 3/11 đến 7h ngày 10/11, lưu lượng xả là 200m3/s).

TTXVN/Thắng Trung

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm