(giaidauscholar.com) - Nổi tiếng trong những trận đánh, là người “một trái tim - ba lò lửa”, can trường, quả cảm cả trên chiến trường lẫn nghị trường; là vị tướng tài ba, thao lược khét tiếng nơi chiến trận khiến quân thù khiếp đảm và cả kính phục, ông cũng là một đại biểu Quốc hội thẳng thắn, sẵn sang tranh luận nảy lửa trong các kỳ chất vấn.
Vậy mà Trung tướng Nguyễn Quốc Thước luôn tự nhận mình chỉ là anh “tiểu đội phó” đối với người “nâng khăn sửa túi” cho mình - người làm vợ đã sống, đã yêu và hy sinh tất cả cho sự nghiệp của chồng. Dường như có bao nhiêu sự mạnh mẽ, dũng cảm, ông đã dốc hết nơi chiến trận để khi về bên vợ con, gia đình, ông là người chồng, người cha nhất mực hiền lành, ân nghĩa. Suốt hơn 10 năm qua, chăm vợ ốm đau, bệnh tật, câu chuyện và những việc làm của vị tướng tuổi Bính Dần đã khiến thế hệ trẻ hôm nay rung động tận đáy lòng…
Mất mát thời khói lửa chiến tranh
Lấy vợ chẳng được bao lâu rồi đi chiến đấu biền biệt, chẳng biết mặt hai đứa con xấu số chưa một lần được gọi tên “cha”... ông bùi ngùi nhắc đến những chuyện buồn rơi nước mắt của gia đình và nỗi xót thương người vợ tần tảo, bất hạnh: "Đi chiến đấu, "mọi việc phó thác cho bu mày” rồi lao vào cuộc sinh tử chẳng biết ra đi lúc nào. Vợ tôi chẳng được may mắn, sinh con đầu lòng chưa đầy 10 ngày thì con chết, cố đứa nữa thì bị sẩy thai. Đứa con dứt ruột đẻ ra, như giọt máu trong cơ thể… làm vợ tôi suy sụp...”.
Rồi trời không phụ lòng người, vợ chồng ông cũng sinh được một cô con gái, một cậu con trai, nhưng tướng Nguyễn Quốc Thước cũng chẳng có điều kiện để chăm hai đứa con của mình. Vị tướng bất giác đưa bàn tay lên tính: Có thời kỳ hơn 30 năm mà mình chỉ ghé qua nhà được có đúng 4 lần, khổ nhất là đoạn còn bị báo tử nhầm…
Ông rót tiếp một tuần trà nữa mời khách rồi lại thủ thỉ: “Sau trận đánh ác liệt năm 1972 ở Kon Tum, Trung đoàn tôi thương vong gần một nửa nên có người ra Nghệ An nói với vợ tôi: “Ông Thước chết rồi, đi lấy chồng khác đi”. Rồi có người thông tin khác: “Ông Thước lấy vợ khác rồi, chờ đợi làm gì, tìm bến đỗ mới để mà nuôi lấy hai đứa con của ông ấy”. Thế nhưng, vợ tôi vẫn thủy chung chờ đợi tôi, nuôi mẹ và hai con khỏe mạnh, khôn lớn. Cái nghĩa vợ chồng nặng tựa núi non, tôi càng hiểu hơn nghị lực và tình yêu của bà ấy”.
Nếp nhăn xô lại, ông hồi tưởng về cái thời xa biệt trong máu lửa chiến tranh với một niềm day dứt khôn nguôi.
"Với vợ, tôi chỉ là anh tiểu đội phó"
Bao năm nay ông vẫn tự trách mình chưa trọn nghĩa vợ chồng. Trò chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng ông không giữ được cảm xúc, lúc ngắt quãng, lúc nghẹn ngào không sao cất thành lời: “Bà ấy bị gãy cột sống, phẫu thuật 2 lần lại bị tai biến nên bây giờ chỉ có thể ngồi một chỗ, trên xe lăn. Cả một đời bà ấy vất vả vì chồng, vì con... Bà ấy cực khổ lắm, có chồng mà như không, suốt bao năm chiến tranh gắng gượng, đến ngày thắng lợi thì lại vướng vào tai ương này"…
Rót nước mời khách nhưng cảm xúc làm tay ông run run, nước bị trào ra ngoài. Tôi biết ông đang xúc động… "Tính ông nóng nảy thế, khi về nhà có bao giờ ông là “ông tướng” không?" - tôi hỏi. "Không! Với vợ, tôi chỉ là anh tiểu đội phó" - ông cười hiền lành.
Tuổi tác và những nỗi âu lo như hằn trên gương mặt đã sạm màu thời gian. “Anh Tiểu đội phó” dẫn chúng tôi vào buồng và giới thiệu với bà xã: “Bà ơi, các cô, cậu phóng viên, nhà báo đến thăm bà đấy”. Người đàn bà không thể nói được nữa nhưng sự xúc động làm giọt nước mắt trào ra. Bà cầm chặt lấy tay tôi, cái nắm tay ấm áp của “tướng bà” khiến tôi cảm động. Tôi hiểu nỗi đau mà bà đang mang trong lòng, cũng hiểu niềm hạnh phúc của bà trước người chồng ân nghĩa. Lau vội những giọt nước mắt cho vợ, tướng Thước an ủi: “Kìa bà, sao cứ khóc cho mệt. Bà làm thế các anh, chị lại tưởng vợ chồng mình giận nhau đấy”.