Linh hoạt thích ứng với dịch Covid-19: Thay đổi thói quen đi chợ

10/08/2021 09:00 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Trước diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường của đại dịch COVID-19, hơn 2 tháng qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai giãn cách xã hội với các cấp độ khác nhau và hiện tại là cấp độ cao nhất theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 12 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, với nhiều biện pháp hạn chế tiếp xúc, yêu cầu người dân ở nhà, không ra ngoài để phòng, chống dịch.

TP. HCM: Phát phiếu đi chợ theo hộ gia đình, ngày chẵn - lẻ, chia khung giờ

TP. HCM: Phát phiếu đi chợ theo hộ gia đình, ngày chẵn - lẻ, chia khung giờ

Ngày 26/7, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản khẩn về tăng cường biện pháp giảm mật độ lưu thông trên đường, trong thời gian từ ngày 26/7 đến hết ngày 1/8.

Là giải pháp cần thiết, kịp thời để khống chế, kiểm soát, không để dịch COVID-19 lây lan trên diện rộng song việc siết chặt giãn cách xã hội cũng gây ảnh hưởng, xáo trộn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, đến mọi gia đình.

Để thích ứng trong tình hình mới, người dân Thành phố Hồ Chí Minh vốn năng động, sáng tạo đã tìm ra nhiều phương thức thay đổi thói quen sinh hoạt, thích nghi với giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 để vừa bảo đảm chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình mà vẫn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phòng, chống dịch.

Chú thích ảnh

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chùm bài viết với chủ đề “Linh hoạt thích ứng với dịch COVID-19” của người dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong tình hình dịch diễn biến phức tạp, Thành phố Hồ Chí Minh siết chặt các biện pháp phòng dịch, người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Để bảo đảm lương thực, thực phẩm cho gia đình trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội, người tiêu dùng ở thành phố có dịp trải nghiệm nhiều phương thức đi chợ, từ truyền thống đến hiện đại.

Từ đi chợ online…

 Từ đầu tháng 6/2021, khi thành phố siết chặt các biện pháp giãn cách phòng dịch, hạn chế người dân ra khỏi nhà, phương thức mua hàng online cũng được người dân sử dụng nhiều hơn, thích nghi dần với việc hạn chế đi lại.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ: Mua hàng online khi người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết

Do giá cả một số mặt hàng tăng cao trong thời gian gần đây, qua thông tin trên mạng xã hội, chị Phạm Thị Thương ở chung cư Fresca Riverside (thành phố Thủ Đức) cùng các cư dân tìm cách xoay xở, lựa chọn cách đặt mua chung để được giá rẻ hơn. “Khi tôi đăng tin gom đơn mua chung trên nhóm cư dân, được rất nhiều người ủng hộ, số lượng lên đến 70 kg rau các loại. Chốt đơn xong với bên bán, nhưng kế hoạch bị “phá sản” sau đó bởi hàng được gửi từ tỉnh ngoài thành phố, người giao hàng không thể giao qua chốt kiểm soát”, chị Thương chia sẻ.

Để bảo đảm thực phẩm cho gia đình, chị Thương quyết định chọn mua thực phẩm từ những các tiểu thương bán hàng qua mạng xã hội trong khu vực. Mỗi điểm bán hàng chuyên một số mặt hàng như rau củ hoặc thịt cá, hải sản, trái cây… Theo chị Thương, việc mua hàng ở nhiều điểm bán cũng bất tiện do mất thời gian lựa chọn, đặc biệt là mất thêm nhiều phí giao hàng nhưng ngược lại đảm bảo đủ các mặt hàng theo nhu cầu của gia đình mà không phải ra khỏi nhà trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Trước đây, chị Thành Nhàn (phường Võ Thị Sáu, Quận 3) chủ yếu đi mua sắm tại siêu thị, nhưng trước tình hình diễn biến phức tạp, chị đã thay đổi thói quen mua sắm chủ yếu qua mạng. Do ở khu vực trung tâm, nhiều siêu thị, nhiều điểm bán hàng online nên việc mua sắm của gia đình chị cũng khá thuận lợi. Chị Nhàn chia sẻ: “Nếu trước đây, thực phẩm tươi sống tôi đều mua ở siêu thị, chợ truyền thống, thì nay tôi có thể mua các mặt hàng này trên các trang thương mại điện tử. Dù thời gian chờ giao hàng lâu hơn so với đi mua sắm trực tiếp, nhưng lại bảo đảm an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình”.

Chú thích ảnh
Nở rộ các dịch vụ bán hàng online, đi chợ hộ 

Hơn một tháng nay, nhà ở trong khu vực phong tỏa, chị Ánh Nhung (phường Trường Thạnh, thành phố Thủ Đức) thường xuyên đi chợ online để mua thực phẩm tươi sống, cũng như các nhu yếu phẩm cần thiết khác. Chị Nhung cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại, các chợ truyền thống đóng cửa, siêu thị lớn xa nhà, còn các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini hàng hóa lại ít nên chị đặt mua qua các kênh bán hàng trên mạng. Cụ thể như trên các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, mỗi đợt đặt mua khoảng 1 - 2 triệu đồng, đủ cho gia đình trong vòng 1 tuần.

Với thói quen sử dụng thực phẩm tươi sống, việc mua thịt, cá online mà không được lựa chọn như mua tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay chợ truyền thống cũng khiến nhiều người lo lắng về chất lượng. “Tuy nhiên, trong tình thế hiện nay hình thức mua hàng này có lẽ là lựa chọn tốt nhất bởi các mặt hàng thực phẩm tươi sống khá đa dạng, đáp ứng được nhu cầu gia đình”, chị Nhung chia sẻ.

Đáp ứng như cầu của người tiêu dùng, các đơn vị sản xuất, kinh doanh ngành hàng tiêu dùng đẩy mạnh tiếp cận thị trường thông qua nhiều kênh bán hàng, đặc biệt phát triển mạnh kênh bán hàng trực tuyến. Ghi nhận trên các trang thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cho thấy các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, kể cả thực phẩm tươi sống được đặt mua nhiều hơn. Trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo, số lượng nhà bán lẻ, tiểu thương bán hàng ngày càng tăng, cung ứng đa dạng các mặt hàng. Cùng với đó là chính sách giao hàng nhanh, thuận tiện đã thu hút người tiêu dùng sử dụng các kênh mua sắm trực tuyến trong những ngày thực hiện giãn cách phòng dịch.

Theo nhiều người tiêu dùng, cùng với thay đổi thói quen mua sắm, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng được sử dụng nhiều hơn. Phần lớn người mua đều thực hiện thanh toán thông qua chuyển khoản hoặc các ứng dụng thanh toán điện tử. Điều này không chỉ người giao hàng và người mua hàng thuận tiện hơn mà còn hạn chế tiếp xúc gần, giảm nguy cơ lây bệnh khi giao, nhận hàng.

Chú thích ảnh
Tổ phòng, chống COVID cộng đồng kiểm tra thẻ đi chợ của người dân. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

… đến đi chợ bằng phiếu

Thực tế, việc đi chợ online không thuận lợi với tất cả mọi người tiêu dùng. Nhiều người dân, nh,iều gia đình có người lớn tuổi việc đi chợ trên mạng, mua sắm online là điều rất khó khăn. Sau thời gian phải chờ giao hàng hoặc bị hủy đơn, nhiều người đã tìm mọi cách đi chợ, siêu thị để trực tiếp mua sắm nhu yếu phẩm, nhất là mặt hàng tươi sống. Trước tình hình trên, nhiều địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai phát phiếu đi chợ cho các hộ dân. Theo quy định, hiện nay mỗi gia đình được cấp phát phiếu đi chợ, siêu thị mua thực phẩm 2 lần/tuần theo khung giờ khác nhau để bảo đảm yêu cầu giãn cách, phòng chống dịch.

Người dân chỉ được đi lại trong địa bàn phường mình sinh sống. Theo ghi nhận, bên cạnh nhiều nơi việc mua thực phẩm thuận lợi do có nhiều cửa hàng tiện lợi, siêu thị lớn thì cũng có nhiều nơi xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa cục bộ khiến người dân gặp  khó.

Chị Nguyễn Thị Dịu (phường Linh Đông, thành phố Thủ Đức) cho biết, nhà chị được phát phiếu đi mua nhu yếu phẩm thiết yếu vào thứ 4 và thứ 7 hàng tuần. Do nhà gần Mega Market Hưng Phú nên chị đến đây để mua thực phẩm. Rút kinh nghiệm từ lần trước phải xếp hàng khá lâu mới vào được siêu thị, lần này chị Dịu tranh thủ đi từ sáng sớm. Theo chị Dịu, khung giờ 6 giờ 30 - 9 giờ, siêu thị khá ít khách nên không cần xếp hàng, hàng hóa cũng nhiều và bổ sung liên tục hàng mới nên việc mua sắm rất thuận lợi. Mỗi lượt, siêu thị bố trí 20 người vào mua hàng, bảo đảm quy định giãn cách, khách hàng cũng yên tâm hơn khi đi mua sắm.

Chú thích ảnh

Không được thuận lợi như chị Dịu, anh Trần Ngọc Thành (phường Trường Thạnh, thành phố Thủ Đức) chia sẻ: Nhờ giãn cách, lần đầu tiên tôi được trải nghiệm việc đi mua thực phẩm bằng phiếu và xếp hàng trước khi vào siêu thị. Nhà gần Bách hóa Xanh nên 2 vợ chồng  chọn đây là địa điểm mua sắm đồ dùng cho gia đình. Nhưng sau 30 phút xếp hàng, tôi vẫn không mua được thực phẩm tươi sống cho gia đình do siêu thị... vừa hết hàng.  “Đây cũng là khó khăn chung ở nhiều nơi trong giai đoạn thành phố thực hiện giãn cách để chống dịch. Gia đình tôi lại tìm cách khác xoay xở để bảo đảm được các thực phẩm cơ bản nhất cho những ngày dịch, chứ cũng không thể đòi hỏi một cách đầy đủ như trong điều kiện bình thường”, anh Thành chia sẻ.

Thời gian trước, do thực hiện yêu cầu phong tỏa toàn phường, chị Nguyễn Thị Phương (phường Trường Thạnh, thành phố Thủ Đức) đặt hàng online ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong khu vực và thực hiện thanh toán trước. Thế nhưng nhiều ngày trôi qua chị vẫn không nhận được hàng, sau đó siêu thị thông báo hủy đơn hàng, hoàn tiền do quá tải và gia đình chị trong khu vực phong tỏa không thể giao hàng tới. Qua bạn bè giới thiệu, chị vào các nhóm zalo, facebook mua bán để đặt hàng các tiểu thương nhưng đặt đến 15 đơn, chị chỉ được giao 1 đơn. Những ngày đó, chị Phương phải nhờ người thân ở ngoài khu vực phong tỏa mua sắm “tiếp tế” cho gia đình chị.

Không được thuận lợi trong mua hàng online qua các kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sau khi phường được gỡ phong tỏa, chị Phương trở lại đi chợ bằng phiếu. Rất may các cửa hàng tiện lợi khu vực gia đình chị sinh sống khá nhiều, mặt hàng cũng dồi dào nên bữa cơm gia đình cũng dần tươm tất hơn, dù không thể đầy đủ như trước đây.

Với các khu chung cư, trong thời gian thực hiện giãn cách, các cư dân cũng xoay xở bằng cách họp chợ nội bộ chung cư. Theo chị Mai Phương (chung cư Chương Dương, thành phố Thủ Đức), các nhóm dân cư trên mạng xã hội được lập ra đã hoạt động sôi nổi trong mùa dịch này, để cùng chia sẻ, cung cấp thực phẩm lẫn nhau.

Chị Phương cho biết, từ khi bùng dịch trở lại đến nay, chị không phải đi chợ hay siêu thị nhưng vẫn đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình. Trong chung cư, người có nguồn rau, người có nguồn thịt, cá, trái cây... cung cấp đầy đủ cho nhu cầu của các cư dân trong chung cư.

Đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, Ban quản trị chung cư bố trí khu vực giao nhận hàng cho cư dân mua bán hàng hóa thiết yếu. Cư dân chỉ cần đăng ký mua hàng, kèm theo các thông tin nhận hàng, thanh toán trước và nhận hàng tại khu vực giao nhận hàng. Việc mua bán hàng hạn chế tiếp xúc nay giúp giảm nguy cơ lây nhiễm, bảo đảm an toàn sức khỏe người bán và người mua.

Với điều kiện giãn cách nghiêm ngặt để phòng, chống dịch hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh khiến việc đi lại, mua sắm của người dân bị hạn chế rất nhiều, cùng với các giải pháp do chính quyền triển khai, người dân thành phố cũng đã chủ động, linh hoạt có những cách thích nghi với những bất tiện không mong muốn, qua đó góp phần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, lấy những trải nghiệm lần đầu tiên trong đời như xếp hàng cả tiếng để được vào siêu thị, đi chợ bằng tem phiếu... để vượt qua giai đoạn dịch bệnh đang hoành hành hiện nay.

Thu Hoài/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm