20/06/2020 16:56 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Nguyên là phóng viên ảnh của Thông tấn xã Giải phóng, từng tác nghiệp tại các chiến trường miền Đông Nam Bộ, nhà báo lão thành Phạm Văn Thính không thể nào quên những ký ức oanh liệt của một thời lửa đạn. Đáng nhớ nhất là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cách đây tròn 50 năm với những khoảnh khắc được ông ghi lại chân thực qua ống kính, trong đó có bức ảnh “Cầu người” nổi tiếng đã phản ánh tinh thần chiến đấu lạc quan trong bản anh hùng ca cách mạng của quân và dân ta.
Gặp ông Phạm Văn Thính tại chung cư 218 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, vào một buổi chiều mát mẻ những ngày đầu tháng 6/2020, khó có thể tin vị nhà báo lão thành này đã bước sang độ tuổi bát tuần. Ông còn rất minh mẫn và nhanh nhẹn, linh hoạt, đúng với tác phong của một phóng viên chiến trường từng gần nửa thế kỷ đi theo cách mạng. Đặc biệt, ông vẫn nhớ như in từng kỷ niệm, cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp làm báo của mình, từ lúc bắt đầu theo nghiệp báo chí cho đến những ngày mưa bom lửa đạn hoạt động trên chiến trường, khoảnh khắc chụp được bức ảnh quý “Cầu người” và khoảng thời gian tiếp tục cống hiến cho Thông tấn xã Việt Nam sau khi đất nước thống nhất.
Sinh ra ở Quảng Ngãi, hơn 15 tuổi ông đã đi theo cách mạng, rồi trở thành bộ đội. Hiệp định Geneve 1954 được ký, ông tập kết ra Bắc, được Nhà nước cử đi học. Năm 1963, ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn, đến năm 1964 thì trở thành phóng viên ảnh của Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam). Năm 1965, ông Thính lên đường vào miền Nam, trở thành phóng viên ảnh của Thông tấn xã Giải phóng thuộc Trung ương Cục miền Nam, tác nghiệp tại các chiến trường trên địa bàn miền Đông Nam Bộ.
Ông Thính nhớ lại, thời điểm này, Quân đội Mỹ đã vào miền Nam Việt Nam và chiến tranh đang ở giai đoạn ác liệt. Mặc dù khó khăn, gian khổ khi vừa chiến đấu, vừa phải làm nhiệm vụ thông tin nhưng những nhà báo - chiến sĩ Thông tấn xã Giải phóng đã không quản ngại hy sinh, kịp thời phản ánh những thông tin “nóng” từ chiến trường, giữ cho dòng thông tin của Thông tấn xã Giải phóng luôn chảy mặc cho mưa bom, lửa đạn của kẻ thù liên tục trút xuống.
Cuộc sống ở chiến khu, ngoài nhiệm vụ đưa tin, hàng ngày phóng viên Thông tấn xã Giải phóng còn tham gia làm các công việc tải gạo, tiếp lương thực và đào hầm để làm căn cứ cho đơn vị của mình. Tuy cuộc sống có phần gian khổ nhưng tinh thần của các anh em phóng viên luôn lạc quan, tích cực. Hàng đêm, đơn vị tổ chức liên hoan văn nghệ, họp bàn thông tin và tổ chức các lớp học nâng cao kiến thức, nghiệp vụ; mọi sinh hoạt diễn ra bình thường dù cuộc chiến có ác liệt đến đâu. Bởi mỗi phóng viên đều mang trong mình ngọn lửa yêu nghề, yêu ngành cháy bỏng, chấp nhận hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ được giao, luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và luôn giữ niềm tin kháng chiến nhất định thành công.
Ông Thính chia sẻ: “Chiến tranh ác liệt nên mỗi phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng khi xuống đơn vị cũng được coi là một người lính, vừa làm nhiệm vụ nhà báo, vừa là chiến sỹ. Đôi lúc, có những thông tin mà phóng viên phải ngồi viết ngay dưới hầm công sự khi quân địch vẫn đang nã súng bên ngoài. Mỗi phóng viên vì vậy ngoài túi phim và máy ảnh còn phải luôn mang theo bên mình rất nhiều đạn, một khẩu súng AK, 2 quả lựu đạn, một quả B40. Tuy tác nghiệp trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng cũng nhờ thế mà chúng tôi mới phản ánh kịp thời, chân thực cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc, và cũng từ đó tôi mới chụp được bức ảnh quý ‘Cầu người’”.
Ông Thính vẫn nhớ rất rõ cái ngày được lệnh hành quân trong dịp Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cùng Trung đoàn 3B, Sư đoàn 9 tiến về Sài Gòn cánh Quận 5, Quận 6. Khi đến đoạn qua Suối Nhum thuộc Chiến khu D, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, ông bỗng nghe xôn xao phía trước. Theo linh tính nghề nghiệp, ông liền chạy lên để quan sát rõ hơn và thấy một đoàn thanh niên xung phong đang đứng dưới nước làm trụ để bắc ván, tạo thành một chiếc cầu giúp cho việc tải thương binh qua suối được thuận tiện. Trong khoảnh khắc, ông lấy máy, chọn 3 góc độ, bấm 3 kiểu ảnh và ngay sau đó lại nhanh chóng lên đường để theo kịp đoàn quân.
Vào thời khắc đó, ông cũng chỉ nghĩ đơn thuần đây sẽ là bức ảnh đẹp, ý nghĩa. Nhưng khi tráng phim ra, nhìn ngắm bức ảnh kỹ hơn, ông Thính đã xác định đây là bức ảnh báo chí có giá trị và “độc nhất vô nhị” khi đã ghi lại thành công một khoảnh khắc, thể hiện được tinh thần bất khuất trong chiến đấu của người dân Việt Nam, quyết chống đế quốc Mỹ đến cùng cho ngày toàn thắng của dân tộc.
Theo ông Thính, “Cầu người” là một sáng kiến vô cùng độc đáo phản ánh sự linh hoạt, trí thông minh của người lính Việt Nam trong thời khắc chiến đấu hiểm nghèo, đồng thời còn mang tính nhân văn, thể hiện tình yêu thương đồng đội, đồng chí, không để cho các thương binh đau đớn thêm nếu phải ngâm mình trong nước khi qua suối. Nụ cười của nữ chiến sỹ Giáp Thị Thanh Tiến mà sau này ông có cơ duyên gặp lại trong dịp kỷ niệm 40 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 2008, cũng làm tăng thêm giá trị cho bức ảnh khi toát lên được tinh thần lạc quan, yêu đời và nghị lực phi thường của lực lượng thanh niên xung phong tràn trề nhựa sống với khát vọng chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước.
Năm 1976, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, bức ảnh “Cầu người” của phóng viên ảnh Phạm Văn Thính được triển lãm ở Hungary và được biết đến nhiều trên các phương tiện truyền thông thời gian sau đó, giúp ông được nhận Kỷ niệm chương của Ban Tuyên huấn Trung ương, Thông tấn xã Việt Nam và Kỷ niệm chương của Bộ Giao thông Vận tải. Ông cũng được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba cho quá trình hoạt động cách mạng của mình.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Thính tiếp tục làm phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại tỉnh Lạng Sơn, đến năm 1979 thì chuyển vào thường trú tại tỉnh Thuận Hải (nay là 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận). Đến năm 1983 thì chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh làm việc cho đến khi nghỉ hưu.
Tuổi già, ông Thính cùng vợ là bà Nguyễn Thị Kim Liên, cũng từng là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam sống trong khu chung cư của cán bộ, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Ông bà từng có 3 người con nhưng đều mất sớm do di chứng chất độc da cam từ những ngày chiến tranh khốc liệt. Dù phải trải qua nhiều biến cố, thiệt thòi trong cuộc sống nhưng ông Thính luôn tự hào khi nhớ về những năm tháng hoạt động báo chí trong chiến tranh, tự hào là người phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng.
Nhắn gửi đến thế hệ phóng viên trẻ của Thông tấn xã Việt Nam ngày nay, ông Thính hy vọng mỗi phóng viên làm việc bằng cái tâm trong sáng, chính nghĩa, mạnh dạn phản ánh những điều sai trái, gây bức xúc trong xã hội, đưa tiếng nói của người dân đến với Đảng, chính quyền và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân; phải hòa mình với quần chúng, cảm nhận được điều mới mẻ của cuộc sống đời thường, từ đó chắt lọc đưa vào những tác phẩm của mình để tạo ra những bài viết, bức ảnh có chiều sâu, có giá trị.
(Còn nữa)
Hồng Giang/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất