23/02/2020 11:42 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thành phố Hà Nội cũng như miền Bắc đang trong mùa Đông, thời kỳ ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có bụi mịn PM2.5 thường cao nhất trong năm. Người dân nên cập nhật thường xuyên tình trạng chất lượng không khí, trong những khoảng thời gian ô nhiễm không khí tăng cao và thực hiện theo khuyến cáo của chuyên gia môi trường.
Theo Mạng lưới không khí sạch Việt Nam: Các nguồn gây ô nhiễm không khí từ giao thông, xây dựng, khói bụi từ hoạt động sản xuất, tình trạng đun than tổ ong còn tiếp diễn… vẫn gây ô nhiễm nhiều. Hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra kéo theo tích tụ ô nhiễm ở tầng sát mặt đất.
Trung tâm Quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) nhận định, có 2 nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí thời gian vừa qua. Với kiểu thời tiết không thuận lợi trời lặng gió, ít mưa, nhiệt độ thấp làm giảm đối lưu không khí, ảnh hưởng đến việc khuếch tán chất ô nhiễm lên cao và bay xa. Khu vực có chỉ số chất lượng không khí thường cao ở những nơi có mật độ giao thông tương đối lớn. Khu vực Hoàn Kiếm, Ba Đình có chỉ số chất lượng không khí kém cao nhất Hà Nội.
Không khí ô nhiễm lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc như Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Nguyên, Tuyên Quang… Nhiều biện pháp đã được thực hiện như trồng cây xanh, triển khai các chương trình cánh đồng không đốt rơm rạ, hạn chế sử dụng bếp than tổ ong, kiểm soát chặt chẽ khí thải, xe vận chuyển rác thải… nhưng với thời tiết mùa đông và giai đoạn chuyển mùa, hiện tượng ô nhiễm tiếp tục diễn ra.
Theo các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí, liên tục trong tuần từ 17-23/2, chất lượng không khí tại các tỉnh phía Bắc xấu, có những thời gian kéo dài cả ngày, đặc biệt là ở Hà Nội.
Lúc 8 giờ ngày 23/2, Trạm quan trắc tại 556 Nguyễn Văn Cừ (Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận chỉ số màu đỏ (mức 184), những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Trang web moitruongthudo của UBND thành phố Hà Nội vẫn ghi nhận 3/11 điểm quan trắc có màu đỏ (ở mức 190-195), có tới 8/11 điểm có màu tím (209-270), mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn. Ứng dụng Air Visual (Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) cũng ghi nhận tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình đều có chỉ số chất lượng không khí màu đỏ, 22 điểm màu tím tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Vĩnh Phúc.
Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air (do Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý) cho thấy hầu hết các điểm quan trắc không khí ở phía Bắc đều ở màu đỏ. Các điểm màu tím (200-300) tập trung ở Hà Nội với 35 điểm, có 4 điểm màu nâu (trên 300)-mức cảnh báo khẩn cấp toàn bộ dân số bị ảnh hưởng tới sức khỏe tới mức nghiêm trọng. Cụ thể ở Cầu Diễn (Nam Từ Liêm), Nhân Chính, Thượng Đình (Thanh Xuân) và Trần Quang Khải (Hoàn Kiếm). Ngoài ra, có 2 điểm màu nâu ở Bắc Ninh là DELCO Agriculture (Thuận Thành) và Thư viện khu phố Trang Liệt (Từ Sơn); 1 điểm Ba Tháng Hai (Thái Nguyên).
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo đến hết tháng 2, miền Bắc duy trì kiểu thời tiết có sương mù, lặng gió, ít mưa. Cùng với các nguồn phát thải ô nhiễm thì tình trạng ô nhiễm không khí vẫn tiếp diễn. Người dân nên hạn chế các hoạt động ngoài trời (tập trung vào buổi sáng, nhất là sáng sớm vì mức ô nhiễm cao), đóng cửa sổ và sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường./.
Minh Nguyệt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất