Tại bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ở 28A Điện Biên Phủ, Hà Nội có trưng bày hai bảo vật quốc gia. Đó là chiếc xe tăng T54 số hiệu 843 tấn công vào Phủ Tổng thống Sài Gòn năm 1975 và chiếc máy bay MiG-21 số hiệu 5121, từng được Anh hùng Phạm Tuân lái, xuất kích bất ngờ từ sân bay Yên Bái trong đêm 27/12/1972 và "trùm" một chiếc B52 vào biển lửa ...
Đêm 27/12/1972 không chỉ là đêm đáng nhớ với Trung tướng Phạm Tuân, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, mà còn mở ra một bước ngoặt lịch sử trong cuộc chiến trên không với B-52 để bảo vệ vùng trời Thủ đô Hà Nội, khẳng định sự đúng đắn của quyết tâm đánh con “ngáo ộp” này bằng lực lượng phòng không ba thứ quân, trong đó lực lượng chủ yếu là máy bay.
Liên tục trước đó trong vài ngày, MiG 21 đã cất cánh truy kích "pháo đài bay", song do nhiễu điện tử nặng nên đành quay về. Mặc dù không đánh được B52 song sự xuất hiện của MiG đã thu hút được đám máy bay tiêm kích địch, phá vỡ đội hình B52 từ xa, làm cho cường độ nhiễu giảm, tạo điều kiện cho tên lửa quật ngã B52. Thế nhưng việc hỏa lực tên lửa đã hàng chục lần bắn hạ "Pháo đài bay" trong khi chưa có chiến công nào của Không quân đã khiến B52 thực sự là cái gai trong mắt Không quân Việt Nam.
Các trận địa pháo cao xạ của quân và dân Thủ đô phối hợp nhịp nhàng, giáng trả đích đáng cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội trong 12 ngày đêm tháng 12/1972. Ảnh:Tư liệu TTXVN
Tới cái đêm lịch sử tạo bước ngoặt cho cuộc chiến trên không đó, cả bầu trời Thủ đô đen kịt. Mặt đất chốc chốc lại lóe lên những ánh sáng sau tiếng nổ inh tai nhức óc của những chùm bom rải thảm từ "pháo đài bay". Nhận lệnh từ Bộ Tư lệnh Quân chủng, chiếc MiG-21 mang số hiệu 5121 do Phạm Tuân điều khiển xuất kích từ sân bay dã chiến ở Yên Bái. Lao vút trong màn đêm giữa các lớp mây bằng tốc độ siêu âm với sự hướng dẫn của đội ngũ sĩ quan dẫn đường bay có kinh nghiệm nhất của các sở chỉ huy như Dũng, Vóc, Lê Biên, chiếc MiG 21 xuyên qua đội hình những “con ma” F-4 có nhiệm vụ bảo vệ B52. Tiếp cận cách mục tiêu khoảng 1,5 - 2km, Phạm Tuân nhấn nút phóng 2 quả tên lửa. Trong nháy mắt, chiếc B52 bị "nướng chín". Chiếc MiG 21 lập tức bổ nhào, xuống độ cao an toàn và hạ cánh.
Thiếu tướng Phạm Tuân nhớ lại đêm "hoa lửa" đó, đặc biệt là lúc hạ cánh chiếc MiG 21 trên đường băng sân bay Nội Bài: Tôi cất cánh trong điều kiện sân bay đã bị F-111A đánh bom. Cháy, khói lửa khắp nơi. Sau đó, B52 lại tiếp tục đánh vào sân bay. Đài chỉ huy bị san phẳng. Tôi về hạ cánh thì sân bay Gia Lâm không liên lạc được, sân bay Kép cũng vậy, tất cả các sân bay không nơi nào nhận tín hiệu. Lúc đó, tôi xin hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, vốn cũng đang bị đánh ác liệt lắm. Tôi quyết tâm hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, xin bật đèn pha đường băng để hạ cánh. Bấy giờ, tôi không biết có hố bom nằm giữa sân bay, cách nơi hạ cánh 300m. Vừa tiếp đất thì cánh máy bay nghiêng, hai quả tên lửa bay vèo về phía trước, máy bay lật nghiêng 90 độ, chạy bằng cánh, sau đó lật ngược trở lại và quay đầu về hướng hạ cánh.
Sau chiến thắng bắn hạ B52 bằng MiG 21 do phi công Phạm Tuân lái, tất cả các chiến sĩ lái máy bay của không quân ta như được khích lệ. Một không khí ngầm thi đua tiêu diệt B52, làm rạng danh Không quân Việt Nam đã diễn ra. Trong số đó có phi công Vũ Xuân Thiều, một chàng trai người Hà Nội điềm đạm, kỹ thuật bay giỏi. Đã có lần Thiều tâm sự với đồng đội, nếu như gặp B52, bắn không rơi, Thiều sẽ làm quả đạn đâm vào "pháo đài bay". Rồi như định mệnh, đêm 28/12, Thiều trực chiến và được lệnh cất cánh từ sân bay dã chiến ở Thanh Hóa đến vùng trời Sơn La. Sau khi khéo léo, mưu trí lách qua được vòng vây dày đặc của các chiến đấu cơ địch, Thiều đã cho chiếc MiG 21 của mình áp sát B52 và xin lệnh phóng đạn. Hai quả tên lửa phóng đi nhưng B.52 chỉ bị thương. Thiều xin lệnh tấn công tiếp. Cả Sở chỉ huy thắt lại khi nghe tiếng Thiều: “Thăng Long, Thăng Long, tôi đã bắn 2 quả tên lửa. B52 chỉ bị thương nhẹ. Xin phép được tiêu diệt”. Vài giây sau, tín hiệu của Thiều trên bản đồ bay biến mất, kể cả dấu hiệu của chiếc B.52. Các chiến sĩ liên lạc gọi dồn dập, vừa khóc vừa gọi Thiều nhưng không một tín hiệu hồi âm. Thiều đã anh dũng hy sinh, lao thẳng vào chiếc pháo đài bay Mỹ.
Nói về thắng lợi lịch sử của bộ đội Phòng không Không quân trong chiến dịch 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội, Thiếu tướng Phạm Tuân phân tích: Nguyên nhân chiến thắng thì nhiều, nhưng với một người trực tiếp chiến đấu trong quân đội thì thấy có 2 vế. Đầu tiên là việc “nhìn xa trông rộng” của Đảng, của Bác, đặc biệt là Bác Hồ. Những gì Bác nói đều là tiên đoán đúng. Bác bảo: B52, B57, “bê” gì đi nữa ta cũng đánh và đã đánh là phải thắng. Bác giao đánh B52 cho bộ đội Phòng không Không quân. Bác nói rất rõ: Ở Việt Nam thế nào Mỹ cũng thua, nhưng chúng chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội. Đó là mệnh lệnh, là kim chỉ nam xuyên suốt mà bộ đội Phòng không Không quân là nòng cốt cùng các lực lượng khác chuẩn bị lực lượng để đánh. Chúng ta đánh giá đúng kẻ thù, đánh giá đúng âm mưu thủ đoạn, rồi đánh giá kỹ chiến thuật của nó để chúng ta chuẩn bị. Thứ hai là công tác chuẩn bị lực lượng dựa trên hai nền tảng: Ý chí, quyết tâm đánh và quyết đánh thắng; phát huy trí tuệ của đội ngũ phi công và lãnh đạo chỉ huy.
Tâm sự về Thủ đô 40 năm trước đỏ khói lửa và Thăng Long - Hà Nội của thời điểm hiện nay, cũng như lớp phi công trẻ của Quân chủng Phòng không không quân hiện nay, Tướng Phạm Tuân bảo: Đảng và Nhà nước rất quan tâm, đầu tư cho lực lượng bộ đội Phòng không Không quân và Hải quân. Bây giờ phi công ta có điều kiện tập luyện tốt, máy bay toàn thế hệ mới, tên lửa mới bắn được rất xa chứ không như trước đây. Với truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, truyền thống của bộ đội Phòng không Không quân mà đặc biệt trong chiến dịch 12 ngày đêm, sẽ còn lưu truyền mãi và được phổ biến đến mai sau. Chắc chắn rằng, đây là cơ sở để đội ngũ phi công hiện nay nhìn nhận, đánh giá đúng lực lượng sẵn sàng nhận nhiệm vụ".
Anh Tùng
Theo TTXVN