30/08/2019 08:02 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Thời gian đang đến rất gần mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam - Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đất nước độc lập, nhân dân ta rũ bỏ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ vận mệnh của mình để thực hiện “quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Bảy mươi tư năm trôi qua kể từ mùa thu lịch sử ấy, mỗi người dân Việt Nam, dù là người từng trải qua thăng trầm hay những người trẻ biết sử nhà qua trang sách, cũng đều ý thức rõ ràng về giá trị, ý nghĩa của ngày trọng đại ấy, cũng như mong ước đất nước phồn vinh, cường thịnh và đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc như hàm ý về “quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” trong Tuyên ngôn Độc lập.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thắng lợi của bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần đấu tranh quật cường của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Sau Ngày Độc lập, đất nước trải qua bao biến động hào hùng, gian khổ trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Hai cuộc chiến tranh chống thực dân, đế quốc kéo dài suốt ba thập niên, mà đỉnh cao là Chiến dịch Ðiện Biên Phủ lừng lẫy năm châu và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa kết thúc, cả dân tộc lại bước vào những cuộc chiến đấu chính nghĩa nơi phên dậu phía Tây Nam, nơi biên cương phía Bắc và nơi biển đảo phía Đông để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trong chặng đường vừa xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa bảo vệ nền độc lập dân tộc ấy, Nhà nước non trẻ lại hơn mười năm chịu sự tác động, ảnh hưởng của bao vây, cấm vận và những khó khăn, trì trệ từ kinh tế - xã hội.
Thế nhưng, bằng máu, bằng mồ hôi của lớp lớp người Việt Nam, đất nước đã vượt qua muôn vàn áp lực, khó khăn, thách thức. Một dải bờ cõi, tiền tiêu của Tổ quốc được giữ vững, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia được bảo đảm. Và luồng gió Đổi mới bắt đầu từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI vào cuối năm 1986 đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, kinh tế liên tục tăng trưởng đã xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói.
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, hiện nay nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế. Cùng với đó, quy mô nền kinh tế từ 14 tỉ USD năm 1985 hiện nay đã tăng gấp hơn 17,4 lần, khoảng 240 tỉ USD năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước đến cuối năm 2018 còn dưới 6% cũng là con số vô cùng ấn tượng nếu nhớ rằng, năm 1993 tỷ lệ này là 58%. Tình trạng tái nghèo cũng được kiềm chế và có xu hướng giảm tích cực khi tỷ lệ tái nghèo trung bình cả nước năm 2017 là 0,1%. Đặc biệt, 10 tỉnh, thành phố duy trì được tình trạng không tái nghèo.
Rất đỗi tự hào, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao khi Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và có quan hệ ngoại giao với 189 nước thuộc tất cả các châu lục, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 3 quốc gia, quan hệ đối tác chiến lược với 13 quốc gia và quan hệ đối tác toàn diện với 13 quốc gia. Việc lựa chọn Thủ đô Hà Nội - “Thành phố vì hòa bình” là nơi tổ chức Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai năm 2019 và việc Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 -2021 cho thấy điều đó!
Thấm thoắt bảy mươi tư năm trôi qua kể từ mùa thu lịch sử ấy, Việt Nam đang tiếp tục kiên định trên con đường thực hiện mục tiêu đời sống nhân dân ấm no, đất nước hùng cường, thịnh vượng. Nhưng đó là một chặng đường dài lâu và không hề dễ dàng, thậm chí còn gian nan hơn trước với những bộn bề khó khăn, phức tạp đã được chỉ ra. Đó là mức thu nhập bình quân đầu người hơn 2.000 USD/năm là thấp; hành trình xóa đói nghèo còn gian nan; thành quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng, miền; khu vực các huyện nghèo nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn trên 50%, một số nơi trên 60%. Khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng giãn rộng ngày càng rõ rệt.
Bên cạnh đó, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn nhiều hạn chế; năng suất, chất lượng, hiệu quả chưa cao; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu vẫn còn hiện hữu.
Và dù nỗ lực cải cách tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ, xong các thủ tục hành chính vẫn bị phản ánh là rườm rà, thiếu linh hoạt, hạn chế sự phát triển. Kinh tế tư nhân mặc dù được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế, song còn gặp nhiều khó khăn về môi trường kinh doanh. Đâu đó vẫn còn tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh”. Nhiều vấn đề trong cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược xảy ra thời gian qua khiến dư luận nhân dân không khỏi bất bình…
Điểm qua những khó khăn, thách thức trên không phải nhằm làm chùn bước hay tự hạ thấp những thành tựu đạt được. Điều đó là để thấy rõ hơn điểm mạnh, mặt yếu của mình, để vững bước trên chặng đường chông gai phía trước. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương cuối năm 2018: "Nhận định đúng tình hình, đề ra được các nhiệm vụ, giải pháp là công việc định hướng rất quan trọng để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Nhưng quan trọng, quyết định hơn còn là phải kiên quyết, năng động, sáng tạo lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có kết quả cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra."
Chính phủ và chính quyền các địa phương sẽ cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết phấn đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng, với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa, năng động, sáng tạo hơn nữa để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, góp phần xây dựng đất nước thân yêu của chúng ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ từng mong muốn.
Không khí phấn khởi kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 đang rộn ràng lan tỏa khắp mọi miền đất nước. Với tiếng vọng của Tuyên ngôn Độc lập, với sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, với khát khao thôi thúc đến cháy bỏng của muôn triệu người Việt về đất nước phồn vinh, cường thịnh, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc, thì mục tiêu suốt bảy mươi tư năm qua sẽ sớm thành hiện thực.
Hạnh Quỳnh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất