14/09/2018 06:33 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Văn bản tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn thành phố. Theo UBND TP, việc kinh doanh, giết mổ và sử dụng thịt chó gây phản cảm đối với khách quốc tế, ảnh hưởng đến hình ảnh của một thủ đô văn minh, hiện đại.
Nhưng ngoài Việt Nam, rất nhiều nước nổi tiếng với thú ẩm thực từ cho này, Hàn Quốc là điển hình.
Người dân không phải không có lý khi viện vào quyền được tiêu thụ món mộc tồn từ cả ngàn năm truyền thống, nhưng lĩnh vực ẩm thực lại cũng được coi là dễ bị tác động nhất trong thời đại toàn cầu hóa. Ước tính chỉ 1 phần 10 trong số 48 triệu người Hàn Quốc ăn món này một lần mỗi năm.
Người Ai Cập cổ đại có công thuần hóa giống mèo trước đây chừng 6.000 năm, để hôm nay chúng có mặt khắp nơi trong cuộc sống của ta, bất kể là kẻ ăn vụng trong bếp, quấy phá trên mái tôn hàng xóm giữa mùa động đực hay chiếm chỗ cả của khách trong các quán cà phê mèo.
Người bạn thân thiết cũng vào nồi
Đối với 30% cư dân trái đất, mèo đã thành một người bạn thân thiết. Nhưng loài mèo khá ương bướng, chúng đã không thích là không thèm ngó ngàng đến chủ, gọi cũng chẳng thèm quay lại, vừa gừ gừ khoan khoái khi được vuốt ve và chúng có thể cào cho ta tóe máu được.
Con chó thì khác. Chúng nghe lời tăm tắp khi cảnh sát dắt đi bắt cướp, chúng hy sinh cứu chủ và chăm sóc trẻ con, chúng lùa cừu và săn thú, chúng kéo xe trượt tuyết ở Nam Cực và làm vật thí nghiệm trên tàu vũ trụ v.v… Theo các nhà khảo cổ học, chó được thuần chủng cách đây 15.000 đến 100.000 năm. Quá lâu để trở thành người bạn thân thuộc với con người ở mọi châu lục.
Ở Hàn Quốc cũng thế - tuy nhiên đây là một trong những nước đang nghiêng ngả giữa truyền thống ẩm thực và làn sóng hội nhập, nếu xét riêng món thịt chó. Cho đến nay quốc gia này tiêu thụ thịt chó ở mức kỷ lục: trên 2 triệu con mỗi năm - theo điều tra của tổ chức tư nhân Hope4Angels. Tình trạng ở miền đất từ làng Bàn Môn Điếm đổ lên phía Bắc có lẽ cũng tương tự.
Mới đây có vụ một người Hàn Quốc ăn trộm con chó cảnh giống Chihuahua của hàng xóm. Do say rượu nên ác thủ bị cháy áo khi nướng con chó, nhờ vậy lính cứu hỏa đến hiện trường đã tình cờ phát hiện ra vụ phạm pháp đình đám này.
Bỏ qua hành vi trộm cắp, cũng phải nói thêm là việc ăn thịt chó ở Hàn Quốc không hẳn bị lườm nguýt. Những người có tư tưởng dân tộc còn coi đó là phong tục quý, chẳng khác gì người Nhật xơi cá voi hay người Đức ăn món phô mai phơi nắng hôi rình.
Ở thủ đô Seoul có một hiệp hội nhà hàng với 1.500 thành viên (số liệu năm 2005) luôn đấu tranh cho quyền được bán đặc sản thịt chó. “Hãy chấm dứt ngay việc phương Tây ra quy định cho chúng tôi trên bàn ăn và coi chúng tôi là mọi rợ” -người phát ngôn của hiệp hội gay gắt trả lời trực tiếp cho cựu diễn viên Brigitte Bardot sau khi nghe bà phát ngôn xúc phạm.
Đồng lòng trong bếp
Hai miền Nam Bắc, như ta biết, là nước với lửa trên bình diện chính trị, song chắc chắn có sự nhất trí cao về ăn uống. Ở thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Triều Tiên có một nhà hàng đặc sản cầy tơ, và bếp trưởng Ryu Jong Mok không chỉ là chuyên gia bên chảo, mà còn nghiên cứu đông dược.
Theo nhận định của ông, món thịt “ngọt” này làm da phụ nữ mềm mại, trị chứng khó tiêu, chứa nhiều vitamin A và B. Hàn Quốc, với lượng khách du lịch đông đảo gấp bội, thường dè dặt hơn trong quảng cáo món quốc hồn quốc túy. Song cũng ở đây không ai tranh cãi về tác dụng làm đẹp hay cường dương của thức ăn giàu đạm này.
Để đừng ai hiểu lầm: người Nam Hàn rất quý chó, và chó cảnh bình thường ở đây có giá từ một vài tháng lương trở lên. Câu lạc bộ người nuôi chó có hơn 2 triệu thành viên. Giống chó nội địa Jindo được yêu quý và coi như bảo vật quốc gia. Ở Seoul thường có các cuộc thi chó đẹp, nhiều cửa hàng chăm sóc chó và cả một tiệm cà phê chó.
Nhưng cuộc đời chó (má) ở nước này cũng có góc tối. Cứ xem các nước phương Tây có quy định khá chặt chẽ cho cả các lò mổ. Trên đường đến đó, bò lợn phải được nghỉ giữa đường và uống nước tử tế, đồ tể phải đánh mê bằng súng điện trước khi cắt tiết v.v…
Vì vậy người phương Tây phát hoảng khi nghe kể về cách người Nam Hàn làm thịt chó. Hình như chó bị buộc chân treo lên và hành hạ bằng điện để tiết ra chất nội tiết adrenalin làm cho mềm thịt. Sau đó người ta không cắt tiết, mà thui con chó đang sống.
Dù các tin đó đúng hay sai, cũng phải nói nốt nửa kia sự thật: Hàn Quốc có những trại nuôi chó chỉ để thịt, như ở nơi khác nuôi bò, gà. Có thể nhà chức trách không hẳn phấn khởi khi biết, song không có luật nào cấm. Như đã nói, chỉ khoảng 10% dân Hàn Quốc ăn thịt chó một lần trong năm. Ở 6.000 nhà hàng toàn quốc, thịt cầy thường được chế thành món Poshintang -nướng kèm rau, gừng, giấm, vừng -hoặc hầm thành canh.
Lo giữ thể diện
châu Á còn một số nước đưa chó lên thực đơn như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Phillipines. Ngoài việc làm no bụng, thịt chó được khen vì có nhiều công dụng bồi bổ sức khỏe và hạ huyết áp, tuy rất khó tìm chứng cứ khoa học. Và thịt chó thường chỉ gây phản cảm ở một số ít người.
Riêng ở Hàn Quốc, sau vụ bị vận động tẩy chay vị trí chủ nhà World Cup túc cầu, chính phủ có vẻ lo ngại trước thềm Thế vận hội mùa Đông ở Pyeongchang (Bình Xương) trong 2 tháng tới. Hiện đang có một lệnh cấm bán công khai theo kiểu đóng cửa bảo nhau, và ít nhất thì chợ thịt chó to nhất ở Seongnam phía Nam Seoul đã bị đóng sau khi có đơn của Tổng cục Du lịch gửi chính phủ (“Tầm vóc của một quốc gia được đánh giá qua cách đối xử với thú vật!“).
Xưa nay người ta có thể ra chợ Moran lựa chó sống rồi xem đồ tể xử lý tại chỗ. Năm 2016, đây là chỗ tiêu thụ hơn 80.000 con chó. Dễ hiểu là các hàng thịt chó phản đối rầm rầm, và ít nhất là họ được bồi thường một khoản. Với số tiền đó, họ đổi mặt hàng và tranh thủ tân trang cửa hiệu để đợi ngày trở lại lợi hại hơn xưa.
Hàn Quốc là nước duy nhất nuôi chó thịt quy mô lớn. Các trại nuôi chó thường lẩn khuất trên núi, thậm chí dưới lòng đất. Có vẻ như tương lai của ngành này không sáng sủa lắm. Trong các hiệu thịt chó đã thấy mời nhiều thịt cừu và dê.
Lee Jae-Hong, một người đấu tranh bảo vệ thú vật, cho rằng Hàn Quốc nên học Trung Quốc: trước Olympic Hè 2008 người ta đóng hàng loạt quán thịt chó vì sợ mất khách, và hạn chế mở lại, kết quả là Bắc Kinh hôm nay rất ít nhà hàng cầy tơ, và nếu có thì cũng nhập khẩu nguồn thịt từ Hàn Quốc.
Lê Quang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất