21/01/2018 13:59 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Sau 2 tuần đưa ra xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC) và các đồng phạm trong vụ án cố ý làm trái và tham ô tài sản xảy ra tại PVC, phiên tòa đã bước sang phần cuối cùng, Hội đồng xét xử nghị án. Nói lời nói sau cùng tại Tòa, tất cả 22 bị cáo trong vụ án này đều khẳng định đây là phiên tòa dân chủ, khách quan, Hội đồng xét xử đã công tâm lắng nghe ý kiến của các luật sư và bị cáo.
Dấu ấn cải cách tư pháp
Quá trình xét xử, có thể thấy rõ dấu ấn cải cách tư pháp trong suốt giai đoạn xét hỏi, tranh tụng công khai tại phiên tòa. Các cơ quan tố tụng đã tạo điều kiện thuận lợi theo luật định để những người tham gia tố tụng được trình bày đầy đủ, dân chủ và toàn diện những quan điểm cá nhân, cùng hướng đến mục đích cuối cùng là bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý.
Khi nói lời sau cùng tại phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt nam – PVN) đã cảm ơn Hội đồng xét xử đã điều hành phiên tòa một cách dân chủ, công khai, khách quan; khẳng định phiên tòa được tiến hành đổi mới theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013, theo tinh thần cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước.
Không chỉ riêng bị cáo Đinh La Thăng mà tất cả các bị cáo trong vụ án đều chung nhận định này. Tại phiên tòa, các bị cáo đã được Hội đồng xét xử tôn trọng quyền tự bào chữa, quyền đưa ra các chứng cứ, luận điểm nhằm gỡ tội cho mình, đồng thời được quyền trình bày một cách toàn diện những vấn đề mà mình quan tâm trong vụ án.
Trong cả hai giai đoạn xét hỏi và tranh tụng công khai tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cũng đều cho rằng Hội đồng xét xử đã công tâm điều hành phiên tòa, tạo điều kiện thuận lợi cho các luật sư được trình bày đầy đủ các luận cứ, quan điểm và chứng cứ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình.
Phần xét hỏi được Hội đồng xét xử đặt câu hỏi ngắn gọn, xúc tích, dành tới ¾ thời gian xét xử cho phần tranh tụng, đối đáp giữa đại diện Viện Kiểm sát và các luật sư. Đại diện Viện Kiểm sát đã lắng nghe và trực tiếp tranh luận, đối đáp nhiều lượt với các luận điểm của luật sư một cách thẳng thắn, không né tránh, nhằm tìm ra sự thật khách quan của vụ án.
Những điều chỉnh kịp thời, phù hợp của Viện Kiểm sát
Qua quá trình xét hỏi và tranh tụng, Viện Kiểm sát cũng đã có những thay đổi, bổ sung kịp thời cho phù hợp với lời khai của các bị cáo và diễn biến thực tế tại phiên tòa. Cân nhắc toàn diện những tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, Viện Kiểm sát đã chủ động điều chỉnh mức án đề nghị và giảm một phần trách nhiệm dân sự đối với một số bị cáo.
Cụ thể, theo đối với bị cáo Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh Văn phòng PVC), ngoài các tình tiết giảm nhẹ được nêu trong luận tội của Viện Kiểm sát, bị cáo Hiển còn có tình tiết giảm nhẹ là tích cực hợp tác với cơ quan pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án.
Bị cáo Lê Đình Mậu (nguyên Phó Trưởng Ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN) vai trò phạm tội có mức độ; bị cáo Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch) và Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC) có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đặc biệt là thái độ tích cực hợp tác với cơ quan pháp luật giải quyết sớm vụ án.
Do vậy, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị Hội đồng xét xử giảm hình phạt cho các bị cáo so với mức đề nghị trước đó của Viện Kiểm sát.
Đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC), đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc, xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Trước đó, Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án đối với các bị cáo này như sau: Bùi Mạnh Hiển và Lương Văn Hòa cùng bị đề nghị mức án từ 13-14 năm tù, Lê Đình Mậu từ 7-8 năm tù, Phạm Tiến Đạt từ 6-7 năm tù, Nguyễn Ngọc Quý từ 8-9 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, đại diện Viện Kiểm sát cũng đã đề nghị Hội đồng xét xử không buộc các bị cáo Nguyễn Ngọc Quý, Lê Đình Mậu, Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC), Phạm Tiến Đạt phải liên đới bồi thường số tiền thiệt hại 119.804.660.196 đồng.
Vai trò nổi bật của các luật sư
Ngay từ khi bước vào phần xét hỏi tại phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, nhiều luật sư đã cảm ơn Hội đồng xét xử vì đã áp dụng mô hình phòng xử theo quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, theo quy định của Thông tư 01 của Tòa án nhân dân Tối cao về phòng xử án (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018).
Theo đó, vị trí ngồi của các luật sư được sắp xếp đối diện, ngang bằng với cơ quan công tố, như một hình thức xác định sự công bằng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội.
Theo mô hình phòng xử mới này, tại phòng xử có nhiều bục, ứng với mỗi vị trí khác nhau. Bục cao nhất là vị trí ngồi của Hội đồng xét xử gồm chủ tọa phiên tòa, thẩm phán và hội thẩm. Thư ký tòa ngồi ở bục thấp hơn, ngay phía trước. Luật sư ngồi ngang hàng với đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa.
Khi khai báo tại tòa, các bị cáo đứng trước bục gỗ, mà không phải đứng trước vành móng ngựa như trước đây. Hai bên khu vực các bị cáo ngồi là những hàng ghế dành cho người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự, người làm chứng, giám định viên…
Đặc biệt, tại phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, lần đầu tiên Hội đồng xét xử đã triệu tập điều tra viên đến phiên tòa để làm rõ các nội dung về trình tự, thủ tục tố tụng trong vụ án.
Cụ thể, trong cáo trạng vụ án có nêu quá trình điều tra, bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai báo không thành khẩn, quanh co chối tội. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh còn bỏ trốn, gây khó khăn, cản trở cho quá trình điều tra nên cần xem xét là những tình tiết "để áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc."
Tại phiên làm việc ngày 10/1, cho rằng nhận định bị cáo Trịnh Xuân Thanh "không thành khẩn khai báo" của cơ quan điều tra ảnh hưởng đến quyền lợi của thân chủ, luật sư của bị cáo này đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập điều tra viên đến tòa.
Chấp thuận lời đề nghị này của luật sư, ngay sau đó, Hội đồng xét xử đã triệu tập điều tra viên tới phiên tòa. Sự có mặt của điều tra viên tại phiên tòa là căn cứ theo Điều 296 - Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2018).
Đây là một trong những điểm mới của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 mà Bộ luật Tố tụng hình sự trước đó không quy định. Theo đó, khi xét thấy cần thiết trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có thể triệu tập điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án.
Trong bối cảnh Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 vừa có hiệu lực, cùng với sự điều hành công tâm, khách quan, dân chủ của Hội đồng xét xử, phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm đã thực sự trở thành một “phiên tòa mẫu” cho tinh thần cải cách tư pháp, tôn trọng quyền con người, đảm bảo tối đa nguyên tắc “suy đoán vô tội” cho các bị cáo. /.
Kim Anh (TTXVN/VIETNAM+)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất