18/07/2020 21:44 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Ngày 18/7, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Phấn đấu đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu chương trình 135” giai đoạn 2016-2020.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen cho 101 tập thể và 103 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình 135, Đề án 196, Đề án 2085 và phong trào thi đua “Phấn đấu đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135” giai đoạn 2016 - 2020.
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Bảy, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135 thuộc Ủy ban Dân tộc, đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Quảng Ninh đạt được trong phong trào thi đua “Phấn đấu đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu chương trình 135”. Ông Võ Văn Bảy nhấn mạnh, tỉnh Quảng Ninh cần chủ động trong cân đối, huy động và bố trí nguồn lực, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, phù hợp với đặc thù, thực tiễn của tỉnh. Trong quá trình thực hiện cần lồng ghép các chương trình, đề án, chính sách có cùng mục tiêu để thực hiện và hoàn thành tốt từng chương trình, đề án, chính sách. Tỉnh cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của xã hội và của chính cộng đồng thôn -bản, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với vai trò là chủ thể, tích cực tham gia thực hiện các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết, Chương trình 135, Đề án 196 và Phong trào thi đua “Phấn đấu đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135” của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 - 2020 đã đi vào cuộc sống, tạo sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt về diện mạo nông thôn, miền núi, biên giới, địa bàn đặc biệt khó khăn, nhất là về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đồng thời, việc thực hiện các chương trình, đề án, phong trào nói trên đã cải thiện và nâng cao một cách thực chất điều kiện sống của hộ nghèo, cận nghèo và người dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở địa bàn đặc biệt khó khăn, miền núi, biên giới của tỉnh. Các chương trình, đề án đã từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc trên địa bàn tỉnh; tạo được sự đồng thuận cao của cộng đồng, xã hội và người dân.
Qua hơn 4 năm triển khai, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng, xã hội, với quyết tâm và nỗ lực của người dân tại địa bàn đặc biệt khó khăn, biên giới, đến hết năm 2019 tất cả các xã, thôn thuộc Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được công nhận đạt tiêu chí hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, ra khỏi diện đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Quảng Ninh cũng hoàn thành mục tiêu Đề án 196 trước một năm với việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả 8 nhóm mục tiêu cụ thể về thu nhập, giảm nghèo, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển sản xuất và tăng điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân. Tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình 135, Đề án 196 giai đoạn 2016 - 2020 là hơn 1.776 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là hơn 1.506 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa huy động từ các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân là gần 270 tỷ đồng.
Giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình 135, Đề án 196 đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 696 công trình hạ tầng thiết yếu vùng đặc biệt khó khăn, biên giới của tỉnh. Đến nay, 100% xã đặc biệt khó khăn có đường ô tô được cứng hoá đến trung tâm xã; đường giao thông đến các thôn đặc biệt khó khăn cơ bản đã được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% số hộ dân ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng điện lưới quốc gia; gần 98% số hộ dân tại xã, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Bên cạnh đó, Đề án 196 đã hỗ trợ cho hơn 9 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, với 283 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn xuống còn 13,38% vào cuối năm 2019. Điển hình là có 475 hộ nghèo tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ gần 13 triệu đồng/người vào cuối năm 2015 đến gần 33 triệu đồng/người vào năm 2019.
Đức Hiếu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất