07/11/2021 21:30 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Tối 7/11, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ 18 giờ ngày 6/11 đến 18 giờ ngày 7/11, Hà Tĩnh có thêm 18 ca mắc Covid-19, trong đó có 14 ca mắc trong cộng đồng.
Theo đó, 14 ca mắc cộng đồng bao gồm: Thị xã Kỳ Anh 1 trường hợp, huyện Kỳ Anh 13 trường hợp; 4 trường hợp đã cách ly: Thành phố Hà Tĩnh 1, huyện Can Lộc 1, huyện Cẩm Xuyên 1, huyện Hương Khê 1. Trong đó có chùm 5 ca bệnh là học sinh lớp 10G, Trường Trung học phổ thông Lâm Hợp; có địa chỉ thường trú tại xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh.
Ngay sau khi phát hiện các ca bệnh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với lực lượng chức năng địa phương tiến hành điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh, đồng thời triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và làm các thủ tục cần thiết để đưa các bệnh nhân đi cách ly, điều trị.
Hơn 7.600 ca mắc mới, có 3.332 ca trong cộng đồng
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 16 giờ ngày 6/11 đến 16 giờ ngày 7/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 7.646 ca mắc mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 7.631 ca ghi nhận trong nước (tăng 151 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố (có 3.332 ca trong cộng đồng).
Cụ thể, các tỉnh, thành phố ghi nhận số ca bệnh như sau: Thành phố Hồ Chí Minh (1.009), Đồng Nai (997), Bình Dương (826), An Giang (427), Kiên Giang (398), Tây Ninh (393), Bạc Liêu (298), Đồng Tháp (289), Bình Thuận (279), Sóc Trăng (238), Tiền Giang (233), Cần Thơ (210), Cà Mau (184), Đắk Lắk (151), Bà Rịa - Vũng Tàu (150), Vĩnh Long (128), Long An (119), Hà Giang (116), Bình Phước (114), Trà Vinh (75), Hà Nội (72), Bắc Giang (70), Bến Tre (64), Khánh Hòa (60), Hậu Giang (56), Phú Thọ (51), Bắc Ninh (51), Nghệ An (50), Ninh Thuận (48), Bình Định (46), Nam Định (46), Thanh Hóa (45), Đắk Nông (44), Quảng Ngãi (41), Gia Lai và Thừa Thiên - Huế (mỗi nơi 29), Hà Tĩnh và Quảng Ninh (mỗi nơi 21), Lâm Đồng (20), Đà Nẵng (18), Điện Biên (14), Quảng Bình, Hà Nam, Hải Dương, Kon Tum và Phú Yên (mỗi nơi13), Hưng Yên (11), Quảng Nam (8 ), Quảng Trị (5), Vĩnh Phúc và Thái Nguyên ( mỗi nơi 3), Hòa Bình (2), Hải Phòng, Thái Bình, Sơn La và Cao Bằng (mỗi nơi 1).
Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó là Tây Ninh (tăng 126), Bình Phước (tăng 114) và Đồng Tháp (tăng 91). Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 6.651 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 968.684 ca mắc, đứng thứ 38/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.833 ca mắc).
Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay): Số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 963.757 ca, trong đó có 837.585 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 6 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là Ninh Bình, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng.
Các địa phương ghi nhận số mắc tích lũy cao trong đợt dịch này: Thành phố Hồ Chí Minh (438.624), Bình Dương (238.905), Đồng Nai (72.173), Long An (35.761), Tiền Giang (18.104).
Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế (cdc. kcb. vn) cho thấy trong ngày 7/11 có 1.301 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; tổng số ca được điều trị khỏi cho đến nay là 840.402 người.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.280 ca, trong đó thở ô xy qua mặt nạ là 2.322; thở ô xy dòng cao HFNC là 521; thở máy không xâm lấn là 116; thở máy xâm lấn là 308 và có 13 trường hợp thực hiện ECMO.
Tính từ 17 giờ 30 phút ngày 6/11 đến 17 giờ 30 phút ngày 7/11, nước ta ghi nhận 61 ca tử vong tại Thành phố Hồ Chí Minh (31), Bạc Liêu (7), Bình Dương (5), An Giang (5), Tiền Giang (4), Đồng Nai (2), Kiên Giang (2), Đắk Nông (1), Bình Thuận (1), Cần Thơ (1), Quảng Ngãi (1) và Sóc Trăng (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 64 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.531 ca, chiếm 2,4% so với tổng số ca mắc.
So với thế giới, tổng số ca tử vong ở Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong của Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 24 giờ qua, nước ta đã thực hiện 100.461 xét nghiệm cho 314.755 lượt người. Số lượng xét nghiệm thực hiện từ này 27/4 đến nay là 22.960.218 mẫu cho 62.212.978 lượt người.
Trong ngày 6/11 có 1.214.737 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm cho người dân. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 89.620.701 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 60.845.405 liều, tiêm mũi 2 là 28.775.296 liều.
Ngày 7/11, lô vaccine Pfizer với hơn 1,2 triệu liều đã về đến Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, ngày 6/11, lô vaccine Pfizer với 1,3 triệu liều đã về đến Hà Nội. Với 2 lô vaccine này đã nâng tổng số vaccine mà Mỹ tặng Việt Nam đến nay lên hơn 14,6 triệu liều.
Bộ Y tế đề nghị ngành y tế địa phương tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những người về từ các địa bàn dịch cấp độ 3, 4; các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh; tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ. Đồng thời các đơn vị chức năng tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu về chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới; không mặc cảm, kỳ thị những người mắc hoặc nghi mắc COVID-19. Người dân về từ các địa bàn có nguy cơ chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định.
Hà Nam: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, có 2 đơn vị cấp xã ở vùng nguy cơ cao
Ngày 7/11, Sở Y tế tỉnh Hà Nam đã có Thông báo số 2993/TB-SYT về việc đánh giá cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Theo Thông báo này, cấp tỉnh và cấp huyện không đánh giá cấp độ dịch COVID-19; chỉ đánh giá cấp độ dịch COVID-19 ở đơn vị cấp xã (cập nhật đến 12 giờ, ngày 7/11).
Đối với cấp độ dịch COVID-19 ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Nam: phường Lương Khánh Thiện và xã Phù Vân (thành phố Phủ Lý) ở cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao); 7 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình) gồm: các phường Hai Bà Trưng, Thanh Châu, Minh Khai, Thanh Tuyền và xã Liêm Tiết (thành phố Phủ Lý), thị trấn Kiện Khê (huyện Thanh Liêm) và xã Trung Lương (huyện Bình Lục); 100 xã, phường, thị trấn còn lại ở cấp độ 1 (màu xanh, bình thường mới).
Trước đó, ngày 31/10, Sở Y tế tỉnh Hà Nam đã có Thông báo về việc đánh giá cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Theo đó, tỉnh có 101 xã, phường, thị trấn xã ở cấp 1 (màu xanh, bình thường mới); 8 xã, phường, thị trấn ở cấp 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình); không có đơn vị cấp xã ở cấp độ 3. Như vậy, sau 7 ngày, Hà Nam có 2 địa phương nâng cấp độ dịch lên mức 3 (màu cam, nguy cơ cao).
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hà Nam vẫn đang diễn biến phức tạp, khi phát hiện nhiều ca mắc tại cộng đồng và lấy mẫu sàng lọc tại cơ sở y tế. Ngày 7/11, toàn tỉnh ghi nhận thêm 13 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 1 trường hợp được phát hiện thông qua sàng lọc y tế ngẫu nhiên nhóm nguy cơ cao, 3 trường hợp có biểu hiện ho, sốt lấy mẫu sàng lọc tại cơ sở y tế.
Như vậy, kể từ ca bệnh BN687.470 ở thôn Lê Lợi, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV- 2 vào chiều 19/9 đến 17 giờ ngày 7/11, tỉnh Hà Nam đã ghi nhận 1.076 ca bệnh được Bộ Y tế cấp mã; trong đó 839 người đã khỏi bệnh và ra viện, không ghi nhận trường hợp nào tử vong do COVID-19.
Liên quan đến các ca bệnh, toàn tỉnh có hơn 1.500 trường hợp tiếp xúc gần F1 đang thực hiện cách ly phòng, chống dịch, trong đó gần 400 người cách ly tập trung, hơn 1.100 người cách ly tại nhà.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành Ytế tỉnh Hà Nam đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương tiến hành truy vết, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan tại các ổ dịch mới xuất hiện trên địa bàn; mở rộng điều tra dịch tễ, truy vết thần tốc, lập danh sách những người tiếp xúc gần và có liên quan tới bệnh nhân COVID-19 để thực hiện cách ly kịp thời.
Bên cạnh đó, lực lượng y tế phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tốc độ bao phủ vaccine để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn; theo dõi sức khỏe của các đối tượng được tiêm tại các điểm tiêm vaccine COVID-19 nhằm bảo đảm an toàn cao nhất. Tính đến sáng 7/11, Hà Nam có hơn 967.500 lượt người đã tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó hơn 405.600 người tiêm mũi 2.
Bắc Ninh không còn địa phương ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao)
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh không còn địa phương ở cấp độ 4, tương đương với màu đỏ (nguy cơ rất cao).
Cụ thể, tỉnh Bắc Ninh hiện có 82/126 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 1, tương đương với màu xanh (nguy cơ thấp - bình thường mới); 35 xã, phường ở cấp độ 2 tương đương với màu vàng (nguy cơ trung bình); 9 xã, phường, ở cấp độ 3, tương đương màu cam (nguy cơ cao) gồm: phường Vân Dương, Vạn An, Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh); xã Bằng An, Mộ Đạo, Phương Liễu, Yên Giả (huyện Quế Võ) và các xã Giang Sơn, Lãng Ngâm (huyện Gia Bình).
Hiện, Sở Y tế tỉnh đang phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát người đến, về từ vùng dịch, thực hiện khai báo y tế, cách ly và làm xét nghiệm theo quy định, đặc biệt là người đi, về từ chợ vải Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội và Công ty Luxshare ICT – Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang.
Tính đến ngày 7/11, tỉnh Bắc Ninh đã tiêm được trên 1,6 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho người dân trên 18 tuổi, công nhân trong và ngoài khu công nghiệp. Đến nay, tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine là 95,3%.
UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã ban hành kế hoạch về việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 3 đến 17 tuổi có chỉ định sử dụng vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Dự kiến, toàn tỉnh sẽ có 341.489 trẻ từ 3 đến 17 tuổi được tiêm phòng; trong đó có hơn 47.000 trẻ thuộc nhóm từ 16 đến 17 tuổi, 80.941 trẻ thuộc nhóm từ 12 đến 15 tuổi, 213.327 trẻ thuộc nhóm từ 3 đến 11 tuổi. Các đợt tiêm chủng dự kiến từ cuối năm 2021 đến hết quý II/2022, tiêm lần lượt từ nhóm tuổi cao đến thấp. Việc triển khai tiêm chủng tùy thuộc tiến độ cung ứng vaccine tiêm cho trẻ em và tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn.
Trong hai ngày 6-7/11, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 92 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 56 ca trong cộng đồng.
Yêu cầu khẩn trương phân bổ, tiêm phủ hết mũi 1 cho người trên 18 tuổi tại Nam Bộ và Tây Nguyên trong 5 ngày
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện phân bổ, chỉ đạo tổ chức tiêm vaccine ở các địa phương khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên, bảo đảm phủ hết mũi 1 trong vòng 5 ngày cho người trên 18 tuổi; trả mũi 2 kịp, đủ; tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi.
Đó là nội dung trong Văn bản 304/TB-VPCP ngày 7/11/2021 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Văn bản nêu rõ, chiều 5/11/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19, công tác tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch COVID-19. Tham dự cuộc họp, tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có đại diện Lãnh đạo các Bộ: Y tế, Công an và Văn phòng Chính phủ; đại diện các Bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải; các Thành viên
Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 dự họp tại điểm cầu số 7 Lê Duẩn, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID 19 của 8 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Tiền Giang, Đắk Lắk, Gia Lai dự họp tại điểm cầu của địa phương.
Sau khi nghe báo cáo của các địa phương, ý kiến phát biểu của lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Công an, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng tổ chức lực lượng hỗ trợ tiêm nhanh nhất. Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể, bảo đảm nguồn thuốc để điều trị sớm ngay từ đầu các trường hợp F0 để giảm thấp nhất chuyển nặng, tử vong.
Thành phố Lai Châu tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu để phòng chống dịch
Ngày 7/11, UBND thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu đã ra công văn tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Thời gian áp dụng từ 0 giờ 00 phút ngày 7/11 đến 10/11.
Theo đó, dừng hoạt động các quán bar, bi-a, karaoke, rạp chiếu phim, điểm cung cấp trò chơi dịch vụ điện tử công cộng, điểm truy cập internet công cộng, các cơ sở thẩm mỹ (bao gồm làm móng, cắt tóc, gội đầu, làm móng), mát xa, khu vui chơi trẻ em và các cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao (yoga, gym, erobic, khiêu vũ). Các quán ăn, quán bia, nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống, chợ phiên và chợ đêm Sang Thàng.
Các chợ, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, kinh doanh vỉa hè bán cho khách mang về và các dịch vụ ngoài danh mục trên được phép hoạt động nhưng phải bảo đảm tuân thủ nghiêm thông điệp 5K trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố Lai Châu tạm thời cho học sinh nghỉ học tập trung từ thứ 2 (ngày 8/11 đến hết chủ nhật ngày 14/11 và chuyển sang hình thức dạy học online (trực tuyến).
Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang có chiều hướng phức tạp khi ghi nhận 13 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng vào ngày 5 và 6/11; trong đó, có những trường hợp không rõ nguồn lây tại xã Bản Giang, huyện Tam Đường. Nhiều người dân tại thành phố Lai Châu làm việc tại xã Bản Giang và có tiếp xúc với những trường hợp F0 trên.
Hiện, các lực lượng chức năng đang khẩn trương khoanh vùng, dập ổ dịch COVID-19 ở xã Bản Giang.
PV - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất