26/05/2018 11:31 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng trao đổi xung quanh việc Bộ Giáo dục - Đào tạo phải thu hồi đề án đổi mới thi cử với kinh phí dự kiến hơn 749 tỷ đồng.
* Liên quan đến đề án “Đổi mới thi THPT Quốc gia và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018 - 2020” mà Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa phải thu hồi, ông có ý kiến gì?
- Tôi hoan nghênh thái độ cầu thị và cách xử lý khẩn trương của Bộ Giáo dục - Đào tạo khi đề án mới được thông tin ra xã hội mà báo chí, dư luận xã hội và các chuyên gia đã có phản ứng trái chiều. Bộ đã kịp thời thu lại đề án với lý do như đề án được chuẩn bị chưa kĩ lưỡng, chưa logic, có nội dung trong đề án trùng lặp dẫn đến trùng lặp cả về công việc và kinh phí. Đó là lí do hợp lí. Quan trọng nhất là kịp thời thu hồi đề án, đó là việc làm đáng ghi nhận.
* Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực đổi mới của ngành giáo dục những năm qua?
- Về nguyên tắc, trong quá trình phát triển, đổi mới là tất yếu nhưng đổi mới như thế nào thì lại là câu chuyện khác. Đổi mới của những ngành, lĩnh vực tác động đến số đông trong xã hội thì càng phải thận trọng, có sự chuẩn bị kĩ lưỡng.
Kỳ vọng về đổi mới lớn, yêu cầu nhiều nhưng nguồn lực có hạn nên đổi mới như thế nào, thời điểm nào cũng phải cân nhắc, tính toán.
Từ 2 câu chuyện đó, với ngành giáo dục - một ngành bắt buộc phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu của khoa học, tri thức, một mặt cũng phải đảm bảo sự ổn định vì nó tác động đến hàng chục triệu học sinh, hàng chục triệu gia đình, các quyết sách của ngành càng phải thận trọng.
Thời gian qua, ngành đã nỗ lực đổi mới để khắc phục bất cập song trong quá trình đó, có nhiều đề án chuẩn bị chưa kĩ lưỡng nên chưa có tính khả thi, không tạo sự đồng thuận trong xã hội mà đề án về đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh Đại học vừa thu hồi là 1 ví dụ.
Giáo dục có 2 chủ thể rất rõ là người dạy và người học. Cầu nối giữa người dạy và người học chính là chương trình, sách giáo khoa. Ngành giáo dục đã quan tâm đến các yếu tố, chủ thể trong quá trình đổi mới. Chẳng hạn đang triển khai Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa. Yêu cầu của chương trình này là từ năm 2021 ta mới tiến hành thi cử theo chương trình sách giáo khoa mới.
Đề án của Bộ Giáo dục vừa thu hồi lại liên quan đến đổi mới kì thi chỉ áp dụng trong 3 năm 2018 - 2020. Dư luận và các chuyên gia rất băn khoăn về tính khả thi và hiệu quả của nó. Một đề án mà cả chuẩn bị và thực hiện chỉ trong 3 năm, sau đó lại chuyển sang phương thức thi khác thì tính kế thừa thế nào? Liệu có cần bỏ nhiều công sức và nguồn lực làm một việc mà hiệu quả không lâu hay không? Đó chính là lí do khiến dư luận băn khoăn.
* Vậy theo ông, bản chất đổi mới giáo dục cần đi từ vấn đề gì?
- Ngành giáo dục đứng trước sức ép rất lớn. Làm sao vừa tích cực đổi mới để đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao, một mặt lại cần sự chuẩn bị kĩ lưỡng. Không chỉ trong quá trình lập đề án mà quá trình thực hiện đề án cũng phải có sự chuẩn bị kĩ lưỡng về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Tất cả các chủ thể của hoạt động giáo dục đều cần quan tâm cả. Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, cần xác định quan tâm yếu tố nào trước, khâu nào là cơ bản nhất, tập trung vào nhóm đối tượng, địa bàn nào trước. Cần có lộ trình rõ ràng.
* Xin cám ơn ông!
Đề án “Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018 - 2020” có khoản kinh phí hơn 749 tỷ đồng. Được biết, giai đoạn 2018 - 2020 sẽ ổn định thi THPT quốc gia như năm 2017. Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Như vậy liệu có cần thiết phải đầu tư lớn để đổi mới thi THPT quốc gia trong 3 năm (2018 - 2020) - đó là điều dư luận băn khoăn. |
Theo Hoàng Dương/ Báo Tin Tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất