05/02/2018 23:59 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Ngày 23 Tháng Chạp hàng năm, theo phong tục của người Việt Nam là ngày cúng ông Công, ông Táo hay còn gọi là Tết Táo quân.
Tìm về truyền thuyết Táo Quân
Theo Truyền thuyết Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép cụ thể, chi tiết hơn như sau:
Có người tên Trọng Cao có vợ là Thị Nhi sống với nhau đã lâu nhưng không có con, nên sinh ra buồn phiền và hay cãi cọ. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ, Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại thấy mình cũng có lỗi, bèn đi tìm vợ, nhưng tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên đành phải đi ăn xin.
Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi mời Trọng Cao vào nhà, hai người kể mọi chuyện cho nhau nghe và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.
Khi Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao nấp trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.
Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết cùng vợ.
Linh hồn của ba người được đưa lên Thượng đế. Thượng đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là Định phúc Táo Quân, nhưng mỗi người giữ một công việc:
- Phạm Lang làm thổ công, trông coi việc bếp. Danh hiệu là: Đông trù tư mệnh táo phủ thần quân.
- Trọng Cao làm thổ địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu là: Thổ địa long mạnh tôn thần.
- Thị Nhi làm thổ kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu là: Ngũ phương ngũ thổ phúc đức thánh thần.
Trong bếp ngày xưa, thường có ba ông đầu rau-tức là ba hòn đất nặn dùng để kê nồi xanh đun bếp, trong đó hai hòn nhỏ hơn hòn kia. Nhân dân có tục lệ thờ 2 ông 1 bà và ngày 23 tháng chạp hàng năm làm lễ Táo Quân, tế ông Công, ông Táo lên chầu trời... Đây được coi là ảnh hưởng của phong tục thờ thần lửa, một phong tục có từ lâu đời.
Cúng ông Công, ông Táo
Ngày cúng ông Công, ông Táo là ngày vua bếp lên chầu trời để tâu việc việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm đó.
Trong văn hoá truyền thống của dân tộc ta, vị trí của bếp rất quan trọng. Bếp là biểu tượng của một gia đình, thể hiện sự quây quần ấm cúng. Người ta thường có câu "bếp luôn đỏ lửa" để nói về sự đầm ấm, hạnh phúc của một gia đình. Việc cúng Táo quân cũng nhằm bày tỏ sự tri ân với vị thần đã quanh năm lo toan cai quản duy trì nếp sinh hoạt của gia đình, đồng thời nhắc nhở mỗi người có trách nhiệm hơn với gia đình mình.
Lễ vật cúng Táo công gồm có: mũ ông Công ba chiếc: hai mũ ông và một mũ bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn và 3 con cá làm "ngựa" để Táo quân lên chầu trời.
Các mũ này được trang sức với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những dây kim tuyến màu sắc sặc sỡ. Để giản tiện, cũng có khi người dân chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia, tất cả đều bằng giấy bìa. Màu sắc của mũ, áo hay hia thay đổi hàng năm theo ngũ hành: năm hành kim thì dùng màu vàng, năm hành mộc thì dùng màu trắng, năm hành thủy thì dùng màu xanh, năm hành hỏa thì dùng màu đỏ và năm hành thổ thì dùng màu đen.
Hiểu đúng bản chất của tục cúng ông Công, ông Táo để có cách ứng xử với truyền thống văn hoá phù hợp, vừa thể hiện ý nghĩa tâm linh, vừa giáo dục việc gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống và hướng con người chăm lo, vun đắp cho hạnh phúc gia đình, là hết sức cần thiết.
Tục cúng ông Công, ông Táo, cũng như các phong tục tốt đẹp khác của dân tộc luôn luôn hướng con người tới những điều thiện, điều tốt lành. Trong suốt một năm, mọi người đều cố gắng làm những việc tốt, làm ăn lương thiện, sống hoà thuận, đầm ấm...
Trong những lời cầu khấn với thần linh gói trọn những điều mong ước tốt đẹp cho gia đình, cộng đồng và đất nước trong mùa xuân mới. Đây là động lực thúc đẩy mọi người ngày càng phấn đấu, nỗ lực để dân giàu, nước mạnh.
Theo phong tục của người Việt, ngày 23 Tháng Chạp được tính là thời điểm bắt đầu của Tết Nguyên đán.
Sau khi tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời, người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón tết.
Cá chép về trời
Sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp, những đồ vàng mã như: mũ, áo, hia và một số vàng thoi bằng giấy, sẽ được đốt cùng với bài vị cũ, hoặc nếu là cá chép còn sống được thả xuống ao, sông, cá sẽ hóa rồng để ông Táo cưỡi lên chầu trời. Bài vị ở bàn thờ thổ công thường ghi: Đông trù tư mệnh, Táo phủ thần quân, thổ địa long mạch tôn thần, ngũ phương ngũ thổ phúc đức chính thần.
Với những gia đình có trẻ em, người dân còn cúng Táo Quân một con gà luộc. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo Quân xin với Ngọc Hoàng thượng đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy.
Để Táo Quân có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc người dân cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý cá hóa long nghĩa là cá sẽ biến thành rồng đưa ông Táo về trời. Tại miền Trung, người dân cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam giản dị hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.
Tùy theo mỗi gia đình, ngoài các lễ vật chính, có thể làm lễ mặn (xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng...) hay lễ chay (trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc...) để tiễn ông Táo.
Thờ cúng Táo Quân là nét văn hóa có từ lâu đời và đã trở nên gần gũi với cuộc sống của người dân Việt Nam, với quan niệm gia đình nào được Táo Quân phù hộ nhiều thì hạnh phúc, yên ổn, thành đạt và bình yên.
Thảo Nhi (Tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất