29/12/2019 15:36 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) đã khép lại sau hai tuần xét xử.
Nhiều ý kiến nhận định đây là vụ án đơn giản khi mà các bị cáo và các luật sư bào chữa đều thừa nhận hành vi vi phạm của các bị cáo, các luận cứ gỡ tội đưa ra chỉ nhằm mục đích xin được giảm nhẹ hình phạt. Thực tế, ngay từ đầu vụ án này được đánh giá là rất phức tạp, hầu hết các bị cáo trong vụ án đều từng đảm nhiệm chức vụ, thậm chí còn đảm nhiệm những chức vụ cao trong các cơ quan Nhà nước. Số tiền gây thiệt hại cho Nhà nước trong vụ án cũng đặc biệt lớn, lên tới gần 6.600 tỷ đồng. Nhìn lại từ giai đoạn điều tra, truy tố đến khi xét xử, để chuyển biến từ một vụ án phức tạp thành đơn giản, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã đi cả hành trình dài với những cân nhắc, quyết định, triển khai thực hiện một cách thận trọng, khéo léo và khách quan.
*Sự thận trọng của các cơ quan tố tụng
Sau khi khởi tố vụ án, cơ quan tố tụng xác định giá trị hợp đồng mua bán cổ phần giữa MobiFone với AVG là gần 9.000 tỷ đồng, cao hơn giá trị thật của AVG rất nhiều lần, gây thiệt hại trực tiếp làm mất vốn Nhà nước tại MobiFone với số tiền gần 6.600 tỷ đồng. Xuất phát từ việc phân tích với một số tiền thất thoát nhiều như vậy, sẽ không thể chỉ dừng lại ở hành vi "Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" mà còn có thể có những hành vi khuất tất đằng sau bản hợp đồng mua bán cổ phần này… các cơ quan tố tụng đã định hướng điều tra, mở rộng vụ án. Từ định hướng đó, cùng với những nỗ lực đấu tranh tội phạm, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã phối hợp phát hiện và làm rõ hành vi tham nhũng trong vụ án này với số tiền đưa và nhận hối lộ đặc biệt lớn. Đây chính là khó khăn, phức tạp lớn nhất mà cơ quan tố tụng đã từng bước tháo gỡ, biến vụ án từ phức tạp trở thành đơn giản.
Quá trình điều tra các bị cáo về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", ngày 13/10/2018, Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone) đã đầu thú, tự khai ra việc nhận 2,5 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) và tự nguyện nộp lại đầy đủ số tiền này. Ngày 13/10/2018, Lê Nam Trà có bản cung tự khai đầu tiên về hành vi nhận hối lộ, nhưng tới ngày 12/4/2019, Cơ quan điều tra mới quyết định khởi tố về hành vi đưa và nhận hối lộ, điều đó thể hiện sự thận trọng của các cơ quan tố tụng trong việc đánh giá chứng cứ.
Sau Lê Nam Trà, lần lượt các bị cáo khác cũng tự giác khai nhận và tự nguyện khắc phục hậu quả. Điều này chứng tỏ các bị cáo đều đã nhận thức được sai phạm của mình và có ý thức khắc phục để giảm thiểu hậu quả, giảm trách nhiệm hình sự mà mình phải đối mặt. Việc hợp tác này là rất đặc biệt, nhất là đối với hành vi đưa và nhận hối lộ. Hợp tác đến mức chưa bị khởi tố về hành vi đó, họ đã nhận tội và khắc phục hậu quả. Sự hợp tác đó của các bị cáo là kết quả của việc định hướng đấu tranh tội phạm đúng đắn mà các cơ quan tố tụng đã vạch ra. Khởi tố đúng hành vi, truy tố đúng tội danh, sẽ dẫn tới việc chuyển hóa sự phức tạp thành đơn giản khi đưa vụ án ra xét xử tại Tòa án.
*Phân hóa vai trò của bị cáo trong từng giai đoạn tố tụng
Để làm rõ mức độ, vai trò hành vi phạm tội của từng bị cáo, qua đó xác định trách nhiệm hình sự của mỗi bị cáo, ngay từ bản cáo trạng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phân hóa vai trò của từng bị cáo trong vụ án này. Việc phân hóa này sẽ giúp đánh giá hành vi, vai trò của ai cao, ai thấp, trách nhiệm của ai nặng, ai nhẹ...
Đặc biệt, qua phần xét hỏi công khai tại phiên tòa, Viện kiểm sát đã cụ thể hơn trong việc phân hóa vai trò của các bị cáo, đảm bảo tính khách quan của cơ quan công tố. Tại giai đoạn ra cáo trạng, Viện kiểm sát phân hóa vai trò của các bị cáo thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cao hơn vai trò của các bị cáo thuộc MobiFone. Sau khi tiến hành thẩm vấn, Viện kiểm sát đã phân hóa vai trò bị cáo theo 2 nhóm: Nhóm tại Bộ Thông tin và Truyền thông thì người đứng đầu (bị cáo Nguyễn Bắc Son – cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyên thông) chịu trách nhiệm cao nhất; nhóm tại MobiFone thì người đứng đầu (bị cáo Lê Nam Trà) chịu trách nhiệm chính. Đó chính là lý do mà Viện kiểm sát đã đề nghị mức án của bị cáo Lê Nam Trà thậm chí còn cao hơn bị cáo Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyên thông).
Tại sao lại có sự phân hóa theo nhóm như vậy? Qua thẩm vấn công khai tại phiên tòa, đã nổi lên hai nhóm hành vi phạm tội khác nhau, gồm: nhóm chịu trách nhiệm về lĩnh vực quản lý Nhà nước (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) và nhóm chịu trách nhiệm về việc gây thiệt hại cho doanh nghiệp trực thuộc (MobiFone).
Ở nhóm ba bị cáo thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, bị cáo Nguyễn Bắc Son đóng vai trò chính, chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt. Bị cáo Trương Minh Tuấn và Phạm Đình Trọng (nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông) là cấp dưới, làm theo sự chỉ đạo của bị cáo Son. Tại nhóm các bị cáo thuộc MobiFone, bị cáo Lê Nam Trà (người đứng đầu của MobiFone) phải chịu trách nhiệm chính do bị cáo Trà là người ký văn bản trình Bộ Thông tin và Truyền thông xin phê duyệt chủ trương cho MobiFone đầu tư dịch vụ truyền hình. Bị cáo Trà cũng chính là người đại diện MobiFone ký Thỏa thuận và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần AVG vào ngày 25/12/2015 – là một trong hai thủ tục cần thiết nhất để hoàn tất thương vụ mua AVG. Các bị cáo còn lại trong MobiFone có vai trò thực hiện thấp hơn. Điều đó được thể hiện trong suốt quá trình xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa. Thậm chí, khi trình bày lời nói sau cùng tại phiên tòa, bị cáo Phạm Thị Phương Anh (Phó Tổng Giám đốc MobiFone) đã cay đắng nhận lỗi và xin chịu trách nhiệm về những việc “đã phải làm”.
Từ việc phân hóa đó, bản chất vụ án, vai trò thực hiện hành vi của các bị cáo được chứng minh công khai tại phiên tòa. Các bị cáo, các luật sư bào chữa đều thừa nhận hành vi phạm tội của các bị cáo, thừa nhận cáo trạng, thừa nhận luận tội của Viện kiểm sát là đúng. Họ không tranh luận về hành vi phạm tội, mà chỉ tranh luận một số nội dung về vai trò phạm tội, về hướng xử lý hành vi… nhằm làm giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Việc phân hóa rõ vai trò các bị cáo cũng chính là một bước nhằm chuyển biến vụ án từ phức tạp trở nên đơn giản hơn.
*Chuyển biến nhận thức và cách ứng xử
Đây có lẽ là một trong số ít các vụ án mà hầu hết bị cáo lẫn luật sư bào chữa đều thừa nhận cáo trạng và bản luận tội, thậm chí cả mức án mà Viện kiểm sát đề nghị cũng đều là đúng, là đã giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Để đạt được điều này, rõ ràng cáo trạng và bản luận tội của Viện kiểm sát phải có sức thuyết phục được các bị cáo, các luật sư. Nhưng nếu chỉ có như thế thôi thì chưa đủ, mà bản thân các bị cáo cũng phải nhận thức được đúng về hành vi của họ. Một người khi đối diện với một lời buộc tội mà người đó phải thừa nhận lời buộc tội đó là đúng thì đó chính là sự chuyển biến về mặt nhận thức của cá nhân người đó. Câu chuyện ở đây là khi bị cáo đã nhận tội rồi, đã ý thức được sai phạm rồi thì ứng xử của pháp luật đối với những bị cáo này như thế nào, để không chỉ xử phạt mà còn mang tính giáo dục, làm thế nào để khuyến khích sự chuyển biến nhận thức trong các bị can, bị cáo?
Trở lại vụ MobiFone mua AVG, hành vi đưa và nhận hối lộ là hành vi khó bị phát giác nhất, chỉ có người đưa và người nhận tiền biết, nhưng các bị cáo trong vụ án này đã đầu thú, tự giác khai nhận và tự nguyện khắc phục, hoàn trả lại số tiền đã nhận. Trong khi họ hoàn toàn có thể không khai hoặc thông đồng phản cung, chối tội… nhưng họ đã không làm như vậy. Làm được điều này, chắn chắn các bị cáo không chỉ nhận thức được sai phạm của mình mà còn đặt niềm tin rất lớn vào việc nếu mình khai ra, mình sẽ được hưởng khoan hồng của pháp luật. Vì vậy, đòi hỏi các cơ quan tố tụng phải nhìn nhận, phải có đánh giá để có một chính sách phù hợp, trả lời cho dư luận và các trường hợp khác. Với một con người cụ thể, người ta tin mình, thì mình phải động viên và có cách ứng xử phù hợp với người ta. Tránh trường hợp động viên xong, bị cáo khai ra, bị cáo hợp tác, mà không có một chính sách pháp luật cho bị cáo. Nếu không đề xuất chính sách pháp luật phù hợp cho họ, sẽ không khuyến khích được những trường hợp tương tự.
Điển hình là trường hợp của bị cáo Lê Nam Trà đã thành khẩn nhận tội, chủ động, tích cực tham gia vào việc hủy bỏ Thỏa thuận và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần AVG; tự thú và tự nguyện nộp lại số tiền nhận hối lộ ngay khi chưa bị phát hiện… Vì vậy, bị cáo Trà được Hội đồng xét xử cho hưởng mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với cả 2 tội danh “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”. Trong khi cùng bị truy tố về 2 tội danh này, nhưng bị cáo Nguyễn Bắc Son lại bị tuyên mức án trong khung hình phạt do không có những tình tiết giảm nhẹ như bị cáo Trà.
Tương tự đối với bị cáo Phạm Nhật Vũ, không chỉ có ý thức trách nhiệm trong việc giữ nguyên lời khai từ giai đoạn điều tra đến khi xét xử, bị cáo Vũ còn có ý thức khắc phục hậu quả vụ án. Cụ thể, bị cáo Vũ đã khắc phục toàn bộ thiệt hại của vụ án (hơn 8.445 tỷ đồng); đồng thời còn tự nguyện trả thêm cho MobiFone hơn 329 tỷ đồng (gồm tiền lãi suất, chi phí thuê tư vấn và các chi phí phát sinh khác mà MobiFone đã chi phí cho việc mua bán cổ phần) và chủ động thanh toán 120 tỷ đồng (mua lại thiết bị, vật tư tồn kho mà MobiFone đã đầu tư mua sắm sau khi nhận chuyển nhượng), nâng tổng số tiền bị cáo Vũ tự nguyện thanh toán thêm lên gần 450 tỷ đồng… Nhờ những tình tiết giảm nhẹ này, Hội đồng xét xử đã quyết định cân nhắc giảm đáng kể hình phạt cho bị cáo Vũ dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2020 của ngành Kiểm sát tổ chức sáng 27/12 tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã nêu ra 6 điểm nhấn tại vụ MobiFone mua AVG. Trong đó, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ: Vụ án là điển hình về khắc phục hậu quả, từ giai đoạn thanh tra, kiểm tra đã thu hồi hơn 8.000 tỷ đồng, số tiền đưa hối lộ và hối lộ đã được thu hồi. "Có thể nói là một vụ án điển hình về điều tra, thu thập chứng cứ, kết luận điều tra; xét xử công minh, dân chủ, khách quan; đối đáp giữa luật sư, Viện kiểm sát rất rõ ràng. Điều tra, xét xử một vụ tham nhũng, đưa hối lộ không dễ, vì toàn là chứng cứ gián tiếp. Nên đây là cố gắng rất lớn của đơn vị điều tra, kiểm sát viên. Bây giờ, các bị cáo đứng trước tòa đều công nhận, cảm ơn cơ quan điều tra, tòa án, xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân... " - Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Theo Thường trực Ban Bí thư, vụ án đã thực hiện tố tụng đảm bảo yêu cầu cải cách tư pháp, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, có phân hóa đối tượng, đại diện Viện kiểm sát trong phiên tòa đã rất cân nhắc... “Nếu ai khắc phục đúng tinh thần của Đảng, khắc phục được hết, chúng ta khoan hồng" - Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nói. Việc xử lý vụ án đã thể hiện quyết tâm cao của Đảng - trong công tác phòng, chống tham nhũng không có "vùng cấm" và làm triệt để.
Kim Anh - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất