07/04/2016 07:56 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Khu Di tích lịch sử Đền Hùng có tổng diện tích 1.030ha (trong đó có 538 ha rừng) với hàng chục điểm thờ cúng Hùng Vương. Hằng năm, vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đông đảo nhân dân về dự lễ dâng hương, tri ân các bậc tiền nhân, cầu cho quốc thái dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn.
Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân Việt Nam từ bao đời nay, Vua Hùng là vị Tổ đã có công dựng nên nước Văn Lang - Nhà nước sơ khai đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm của các thế hệ người dân Việt Nam, vừa thiêng liêng, vừa cụ thể, vừa là điểm tựa tinh thần, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cùng nhau dựng nước và giữ nước.
Nhân dân nô nức đến đề Hùng trong ngày giỗ tổ
Giỗ Tổ và tục thờ cúng tổ tiên
Xuất phát từ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tục thờ cúng tổ tiên của gia đình, dòng họ... của người Việt Nam được xem là một phong tục hệ trọng, dẫn đến việc tôn thờ tổ tiên của cả nước. Giỗ Tổ Hùng Vương, một nét độc đáo của đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc Việt Nam, biểu hiện đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn'', tìm về cội nguồn để biết ơn các vị thuỷ tổ đã có công khai sáng, mở nước cho đời đời con cháu mai sau.
Với những giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng được vun đắp qua nhiều thế hệ, lễ hội Ðền Hùng từ bao đời đã vượt ra khỏi một lễ hội thông thường, trở thành điểm tựa tinh thần, sức mạnh tâm linh, điểm hội tụ của tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ý nghĩa tâm linh đó đã vượt ra ngoài biên giới, là lời hiệu triệu muôn triệu trái tim con dân đất Việt hướng về quê hương với hai tiếng "đồng bào" thiêng liêng và sâu sắc. Nhiều kiều bào ta ở nước ngoài tìm về Ðền Hùng dâng hương, xin chân nhang và đất Tổ đem theo mang về thờ ở nước bạn…
Theo thống kê, tỉnh Phú Thọ có 326 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Có thể nói Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được phủ rộng với mật độ dày đặc ở tất cả các làng xã, trong đó Đền Hùng là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam. Di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ riêng ở tỉnh Phú Thọ mà trải khắp đất nước Việt Nam với 1.417 di tích thờ cúng trong cả nước
Niềm tự hào của muôn dân đất Việt
Ngày 6/12/2012, tại Paris, Tổ chức Văn hóa Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Phú Thọ, mà còn là niềm vui chung của cả dân tộc Việt Nam.
Sau 3 năm được vinh danh, Phú Thọ đã và đang triển khai nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của nhân loại. Tỉnh Phú Thọ cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xây dựng chương trình hành động quốc gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; công bố kế hoạch cụ thể để thực hiện chương trình hành động quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc làm này không chỉ để bảo tồn, phát huy giá trị Di sản mà còn là thực hiện cam kết với UNESCO về bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể theo nội dung Công ước 2003.
Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: Thời gian tới, tỉnh Phú Thọ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình quốc gia về "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương". Tỉnh vừa huy động sự tham gia tối đa của cộng đồng trong việc giữ gìn, sáng tạo và chuyển giao di sản, vừa nâng cao năng lực quản lý của chính quyền các cấp trong việc bảo vệ di sản để việc bảo tồn Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành hình mẫu trong công tác quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống ở nước ta. Phú Thọ cũng xây dựng các tour, tuyến du lịch, gắn di sản với du lịch trải nghiệm văn hóa tâm linh vùng Đất Tổ Hùng Vương và các di tích lịch sử thờ Vua Hùng cùng các nhân vật thời Hùng trong cả nước.
Ông Lưu Quang Huy, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Những năm qua, Ban quản lý khu di tích đã triển khai rất nhiều giải pháp trong công tác quản lý lễ hội, quản lý các hoạt động văn hoá ngày càng quy củ, chặt chẽ, nền nếp. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được đánh giá là một trong những lễ hội mẫu mực, quy mô, bài bản, trang nghiêm, thành kính ở phần lễ và phong phú, hấp dẫn ở phần hội.
Xây dựng Đền Hùng xứng tầm Di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia
Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư tôn tạo làm cho Đền Hùng (Phú Thọ) ngày càng tôn nghiêm, hoành tráng hơn. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức vào ngày 10/3 âm lịch hằng năm và là ngày “Giỗ Quốc Tổ''. Giỗ Tổ Hùng Vương từ ngàn xưa đã đi vào ca dao dân gian Việt Nam: “ Dù ai đi ngược, về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba".
Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2015. Năm 2009, Khu di tích được Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Đền Hùng là: "Phải trồng thêm nhiều hoa, cây cối để xây dựng Đền Hùng trở thành một công viên lịch sử cho các cháu sau này đến thăm viếng", Đền Hùng đã được quan tâm đầu tư xứng tầm là Khu di tích quốc gia đặc biệt.
Theo quy hoạch, khu một gồm đền, chùa, tháp, Lăng Vua Hùng và rừng nguyên sinh với diện tích 32 ha sẽ được bổ sung tôn tạo. Khu vực hai là vùng bảo vệ cảnh quan khu di tích sẽ được bố trí các công trình phục vụ lễ hội. Khu trung tâm lễ hội có các công trình: trục hành lễ, quảng trường trung tâm, khu tiếp đón..., khu làng du lịch văn hoá thời Hùng Vương; tháp Hùng Vương và làng du lịch sinh thái đặc trưng các vùng, miền đất nước; các khu rừng phía bắc, rừng phía nam, khu trồng cây lưu niệm và khu nhà văn hoá thanh, thiếu niên Hùng Vương.
Trong 6 năm trở lại đây, với trên 700 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, kinh phí công đức của các tổ chức, cá nhân để tôn tạo, tu bổ xây dựng các nhóm dự án như: Nhóm dự án bảo tồn, tôn tạo di tích (Đền Thượng, Đền Trung, Đền Giếng, Đền Hạ, Chùa Thiên Quang "; cảnh quan sân vườn; cải tạo hệ thống đường bậc trên núi Nghĩa Lĩnh; xây dựng mới đền thờ Tổ Mẫu Âu cơ và đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân); nhóm dự án Khu trung tâm lễ hội; nhóm dự án phát triển rừng quốc gia Đền Hùng đã cơ bản hoàn thành. Các nhóm dự án đang được triển khai đầu tư như: Nhóm dự án các công trình du lịch dịch vụ; nhóm dự án hạ tầng kỹ thuật; nhóm dự án phát triển kinh tế các xã vùng ven đang được triển khai đầu tư.
Để xây dựng Đền Hùng ngày một quy mô, đáp ứng mong mỏi của hàng triệu người dân khi về Giỗ Tổ Đền Hùng, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý chủ trương đầu tư Dự án hoàn thiện tu bổ, tôn tạo hạ tầng, cảnh quan Trung tâm lễ hội - Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Theo đó, cơ quan chức năng sẽ đầu tư cải tạo Bảo tàng Hùng Vương nhằm bảo đảm điều kiện lưu giữ, nghiên cứu các hiện vật, cải tạo không gian trưng bày, tạo môi trường tham quan khang trang, thuận lợi phục vụ khách du lịch; xây dựng, tôn tạo cảnh quan đồi Công Quán thành khu cảnh quan sinh thái đáp ứng yêu cầu phục vụ lễ hội và thăm quan du lịch; tiếp tục đầu tư khu Trung tâm lễ hội (giai đoạn 3) nhằm xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ cảnh quan không gian Khu di tích lịch sử Đền Hùng theo quy hoạch, kết nối hài hòa với không gian cảnh quan chung nhằm tạo dựng một Trung tâm lễ hội hoàn chỉnh...
Thời gian tới, các công trình như: nhà tiếp đón khách; tháp Hùng Vương và đặc trưng các vùng miền đất nước; tượng Hùng Vương; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan và phát triển rừng quốc gia Đền Hùng sẽ tiếp tục được đầu tư.
Tạ Văn Toàn (TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất