25/09/2016 09:27 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Cuộc dạo chơi của vợ chồng Helmut und Erika Simon trên núi Alps cách đây đúng một phần tư thế kỷ đã làm họ nổi tiếng thế giới vì tìm thấy xác ướp Oetzi (Otzi). Rồi đột nhiên Helmut Simon biến mất trên núi.
… Đôi khi Erika và Helmut Simon tỉnh dậy giữa đêm và ngơ ngác hỏi nhau. Và luôn kết thúc bằng câu: “Đúng là mình tìm thấy Oetzi chứ”?
Đúng vậy. Cho đến lúc đó, chả ma nào quen đôi vợ chồng người Nuremberg (Đức) đã về hưu, ham trèo núi như cả vạn người khác. Một lần họ phá kỷ luật, đi ra ngoài vạch biên và tình cờ tìm thấy trên độ cao 3.210m xác ướp nhiều tuổi nhất trong lịch sử loài người: Oetzi, gọi theo thung lũng Oetzatal gần nơi phát hiện.
Oetzi, 5.300 tuổi, dường như bị hạ sát từ sau lưng, được một ngày thu nắng vàng lôi ra khỏi lớp băng vĩnh cửu.
Hai vợ chồng nghĩ bụng, có lẽ đó là một người trèo núi tử nạn. Erika Simon còn cho là xác phụ nữ, “trông nhỏ quá”. Họ gọi điện báo cho nhà chức trách rồi xuống núi. Hôm đó là thứ Năm, ngày 19-9-1991, khởi đầu con đường đau khổ của Oetzi.
Thoạt tiên người ta thử dùng búa nén hơi để phá băng và đánh hỏng phần hông của xác ướp từ thời đồ đá mới. Trời đổ mưa tuyết, đến thứ Hai mới lấy được xác Oetzi xuống. Nhân viên dịch vụ cố ấn xác vào quan tài và bẻ gãy xương tay trái, trước khi một nhà nghiên cứu tiền sử kịp đánh chuông báo động.
Lúc đó vợ chồng Dimon đã quay về Nuremberg. Ngày thứ Ba Helmut Simon gọi điện cho vợ ở chỗ làm: “Về nhà ngay, khủng khiếp quá!” Quanh nhà ông bà dày đặc những phóng viên, một xe truyền hình của kênh “Sat.1”đỗ trước cửa, vài nhà báo không thèm bấm chuông mà xộc thẳng vào tận phòng khách.
“Chúng tôi đột nhiên thành người nổi tiếng và phải trả lời hàng trăm cuộc phỏng vấn” - bà Simon nhớ lại - “Thử nghĩ xem, 5.300 năm, Oetzi nằm cô đơn chừng ấy năm trên núi. Vì sao chính chúng tôi lại là người phát hiện”? Ông chồng chạy ngay ra phố in danh thiếp, kèm một dòng hoành tráng: “Người tìm ra Oetzi!”
Chiến binh cao 1,59 mét
… không chỉ làm đảo lộn cuộc sống của vợ chồng Simon.
Bang Tirol (Áo) và tỉnh tự trị Sudtirolo (Ý) xung đột dữ dội vì ai cũng muốn giành lấy Oetzi. Người ta buộc phải đo lại biên giới qua vệ tinh thám không, rốt cuộc Oetzi nằm 92,56 mét về phía Tirolo (Ý). Ít nhất là từ nay đã rõ về phần “quốc tịch”.
Mấy năm sau đó, người ta hâm nóng sự kiện với một loạt bảo tàng Oetzi, công viên khảo cổ Oetzi, thi bắn cung Oetzi, tour trèo núi Oetzi, làng Oetzi với cư dân khoác da thú chạy đi chạy lại v.v. và v.v.
Có lẽ Oetzi là đối tượng kích hoạt được nhiều ấn bản phẩm nhất, hơn cả các xác ướp Ai Cập. Không chi tiết nào về chiến binh cao tuổi ấy được giữ bí mật. Nào là ruột ông có sán, chân ông bị nấm da, máu ông có hàm lượng mỡ cao, ông ăn thịt và mận khô trước khi chết bởi một mũi tên xuyên vào bả vai trái... Năm 2017 tới đây, người đồ đá mới ấy còn được lên màn ảnh, tài tử Juergen Vogel vô danh được chọn thủ vai chính vì, may hơn khôn, ông ngẫu nhiên… sún một răng đúng chỗ như Oetzi.
Angelika Fleckinger: “Thiếu Oetzi thì đời tôi sẽ khác hẳn. Buồn tẻ hơn nhiều”. Cô sinh viên người Áo ngày ấy 21 tuổi và đang theo học giáo sư tiền sử học Konrad Spindler. Spindler được tham gia khám nghiệm xác ướp và viết thông cáo báo chí. “Giảng đường của chúng tôi biến thành trung tâm báo chí. Quả là một hiện vật tuyệt đối khác thường. Xác ướp đem theo vũ khí và đồ ăn, chưa bao giờ có ở châu Âu, đúng là một cửa sổ nhìn về quá khứ".
Oetzi còn theo đuổi Fleckinger. Vừa tốt nghiệp, cô được nhận vào dự án xây Bảo tàng khảo cổ Bozen làm “bản doanh” cho Oetzi. Cô nhớ như in ngày 16-1-1998: “Bảo tàng mở cửa, xác ướp được đưa vào, tim tôi đập thình thịch vào phút trọng đại ấy. Tôi tự hỏi, cuộc đời ông ta như thế nào?”, câu hỏi đó cũng là của hàng triệu khách đến bảo tàng, trong số khách mời có cả vợ chồng Simon.
“Oetzi gắn liền với cuộc đời chúng tôi, như một đứa con được chúng tôi cứu khỏi băng tuyết”, bà Simon nói, nhưng gương mặt bà tiết lộ rằng cuộc đời ông bà cũng vì thế mà thêm phiền muộn.
Mà điều phiền muộn nhất
… là chuyện tiền bạc. Ngay trong lễ khai trương Bảo tàng Bozen, mấy luật sư hỏi họ vì sao không được thưởng. Và họ chợt nghĩ: Ừ nhỉ, tại sao không?
Từ đó bắt đầu một cuộc tranh cãi dai dẳng và dị thường trước toà.
Tỉnh Sudtirolo đầu tư 8 triệu Euro vào Bảo tàng và hy vọng gỡ gạc từ khách đến thăm, nhưng tỉnh trưởng Luis Durnwalder thẳng thừng tuyên bố “không đưa nhà Simon 1 cent!” Nhà chức trách Ý còn nghi ngờ hai vợ chồng Simon chủ ý đi tìm xác ướp, và theo luật Ý thì chỉ ai tình cờ phát hiện ra “hiện vật có giá trị khảo cổ và lịch sử” mới được thưởng.
Rồi thì ông bà cũng không rào chắn vị trí đó đúng chuyên môn và không báo ngay cho Phòng khảo cổ Bozen. Họ quên mất rằng chính nhà chức trách ban đầu chưa biết Oetzi nằm ở địa phận quốc gia nào.
“Họ định trắng trợn cướp tiền của chúng tôi”, bà Simon căm phẫn kể lại. Tờ lá cải Bild giật tít “Nhà Simon sắp thành triệu phú!” để rồi mấy tháng sau lại gọi họ là những nạn nhân đáng thương. Và lần này thì không chỉ là tin đồn thổi.
Ngày 15-10-2004, Helmut Simon một mình lên núi ở Bad Hofgastein, cách chỗ phát hiện Oetzi 150 km. Ông không bao giờ quay về. “Đường ở đó dễ đi, trời rất đẹp”, vợ ông nhớ lại. Tối đến có mưa tuyết, như hôm tìm được Oetzi. 9 ngày sau thì tìm ra xác ông Simon. Ông rơi xuống vực sâu 150 mét.
Đột nhiên người ta nhớ ra một loạt sự cố liên quan đến chiến binh thời đồ đá. Bác sĩ pháp y Rainer Henn từng khám nghiệm xác Oetzi. Một năm sau ông qua đời vì tai nạn ô tô. Hai năm sau, một hướng đạo viên tham gia chở xác Oetzi cũng tử nạn trên núi. Phóng viên kênh truyền hình ORF quay phim Oetzi chết vì ung thư.
Nghe mấy tin đó, Spindler, giáo sư nghiên cứu Oetzi còn đùa: “Chắc sắp đến lượt tôi?” Dĩ nhiên ông định trêu những ai tung tin nhảm về lời nguyền Oetzi, vì không có người thứ hai nào tiếp cận xác ướp nhiều như ông. Nửa năm sau Spindler qua đời vì chứng xơ cứng teo cơ.
Thậm chí, tạp chí khoa học Science danh tiếng cũng không đừng được, khi nói đến “sự trớ trêu tàn bạo” của số phận. Erika Simon không tin, bà cho rằng chồng bà bị một tai nạn bi thảm, thế thôi. Ít nhất thì Oetzi cũng không oán bà: năm 2009 toà xử cho bà được thưởng 175.000 Euro. Các luật sư của bà đòi 55.000. Chỗ còn lại bà chia đều cho con cháu, và bà vui nhất khi nghe một đứa cháu kể: “Bà ơi, hôm nay cháu học ở trường về Oetzi đấy”!
Lúc đó Erika Simon biết rằng vợ chồng bà không mắc lỗi khi bước qua vạch cấm trên núi Alps cách đây 25 năm.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất