14/11/2015 14:08 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Ai lên công tác vùng cao cũng phải khiếp vì các trận rượu. Ở đây, tôi không muốn nói về các cuộc chè chén, nhậu nhẹt bình thường nơi quán xá. Tôi muốn nói về các cuộc “mời cơm thân mật” của lãnh đạo địa phương đối với các khách quý đến thăm hay làm việc.
Với các huyện, thị, xã hay phải tiếp khách, thì bộ phận văn phòng không những phải giỏi việc nước, đảm việc nhà mà còn phải.../ giỏi uống rượu nữa. Thậm chí, “tổ chức” còn linh động sắp xếp để văn phòng luôn có một đội ngũ chị em trẻ trung, chưa vướng bận gia đình và biết uống rượu một cách... chuyên nghiệp để giúp địa phương bày tỏ lòng "hiếu khách".
Thực tế, trên trái đất, chẳng có thứ thuốc nào có thể “chống say” như người ta đồn thổi. Thương cho một số chị em văn phòng, liễu yếu đào tơ, dù có được “luyện rượu” hàng ngày, và có được “đổ” mấy lớp bê tông” cho cái dạ dày trước khi vào tiệc, thì vẫn không thể nào chống chịu được với những trận rượu triền miên. Vì thế họ phải có “xảo thuật rượu”.
***
Xuất thân là nhân viên văn phòng, chị T. kể cho tôi nghe về những “xảo thuật” mà chị em thường áp dụng để có thể... uống vô biên mà không say, đồng thời có thể “đánh gục” các vị khách tửu lượng cao nhất.
Trước khi vào “bữa cơm thân mật”, chị em mỗi người phải kiếm một cái túi ni lông to đeo trước ngực như cái tạp dề (tất nhiên là giấu dưới áo). Chị em lại nối hai quai túi bằng một sợi dây rồi quàng dây qua cổ để giữ cho túi được chắc chắn. Để miệng túi ni lông có thể mở rộng ra khi cần, chị em lại phải buộc một sợi dây nữa nối từ miệng túi với đầu khăn quàng cổ.
Khi uống rượu, chị em sẽ cụng ly, ngửa cổ, cạn chén 100% trước con mắt ngưỡng mộ của các vị khách. Dĩ nhiên, không có vị khách nào băn khoăn khi thấy chị em uống xong thường duyên dáng kéo một đầu khăn lên “chấm miệng” cho sạch sẽ, hoặc kín đáo lấy khen che miệng để tránh một tiếng “khà” như cánh đàn ông. Ít ai biết, chính lúc kéo đầu khăn lên, miệng túi ni lông đã mở rộng ra, để chị em nhổ thẳng ngụm rượu cay xè vào chiếc "dạ dày giả" đeo trước ngực.
Tiệc tan, chị em ra nhà vệ sinh, đổ ra cả một túi ni lông rượu xuống bồn cầu.
Trong các cuộc rượu ít “sát phạt” thì chị em tự bảo vệ mình bằng các “xảo thuật” đơn giản hơn. Chẳng hạn, khi rượu đã phê phê, chị em hào hứng mời khách, cùng ngoắc tay uống rượu để tăng thêm tình đoàn kết. Ai có thể từ chối được lời mời ngọt ngào như thế.
Và chính lúc đưa chén rượu vòng qua tay khách, lợi dụng lúc khách xốn xang ở tư thế mặt đối mặt, chị em đã nghiêng chén đổ thẳng xuống đất. Khi chiếc chén vòng đến miệng chị em thì đã rỗng không, tha hồ "trăm phần trăm".
Để màn ảo thuật này được hoàn hảo, rượu không rớt vương vãi trên tay, thì chị em luôn nắm chặt chén rượu bằng cả lòng bàn tay (chứ không cầm chén bằng hai ngón tay như thông thường).
***
Xét cho cùng, chị em văn phòng chỉ là nạn nhân chứ không phải nguyên nhân khiến cho các bữa cơm thân mật của địa phương trở thành các cuộc rượu túy lúy.
Không biết tự bao giờ đã có cái luật bất thành văn: khách không say thì chứng tỏ địa phương không hiếu khách. Cho nên thay đổi phong cách tiếp khách ở các địa phương không chỉ làm cho cuộc sống văn minh hơn mà còn góp phần giữ gìn sức khỏe cho không ít chị em làm văn phòng ở các huyện, thị, xã – họ bất đắc dĩ phải dùng đến các "xảo thuật rượu" để làm tròn nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.
Trần Kim
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất