Chuyện những ngôi nhà được xây nhờ… nét cọ

04/09/2013 08:15 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Triển lãm Cao nguyên đá của họa sĩ Đỗ Đức do báo TT&VH tổ chức tại phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) từ 31/8-2/9 không chỉ mang lại cho đồng bào sự ngạc nhiên thú vị mà còn là món quà hữu hình, thiết thân.

Đó là việc dành toàn bộ số tiền 80 triệu đồng do đấu giá hai bức tranh tại triển lãm (Gặp nhau trên nươngMẹ trong đá) để xây hai ngôi nhà mới cho hai hộ nghèo của thị trấn Đồng Văn.

Từ thiện văn hóa

Nhiều người lo ngại, quyết định đưa tranh sơn dầu lên Cao nguyên đá tổ chức triển lãm của họa sĩ Đỗ Đức sẽ rơi vào thảm cảnh vắng như… chùa bà đanh. Nhưng với địa điểm ngôi chợ cổ “4 mặt tiền”; thời gian diễn ra triển lãm đúng dịp Lễ hội khèn Mông và Tết Độc lập, triển lãm đã hút được người xem và được đồng bào đón nhận thích thú.

Họa sĩ (HS) Đỗ Đức chia sẻ: “Trên thực tế, những triển lãm hội họa ở Hà Nội giờ rất vắng khách, kể cả nhà triển lãm ở trung tâm thành phố cũng chỉ đông khách ngày khai mạc (mà đa phần khách tham gia là người thân và phóng viên báo chí). Nhưng thật vui và bất ngờ, triển lãm ở vùng cao, mà trong 3 ngày bày tranh, lượt khách ghé thăm đông và đều” - HS Đỗ Đức cho biết.

Ngoài số lượng khách ngoài kỳ vọng, cảm nhận của người xem cũng khiến những người tổ chức triển lãm mãn nguyện. Cụ thể, khi xem mỗi bức tranh trong triển lãm, việc đầu tiên khán giả vùng cao làm là…sờ mặt tranh. Những nét màu sơn dầu gồ ghề phác họa đá núi với những nét chấm phá từ những trang phục Mông thân quen trong tranh Đỗ Đức khiến đồng bào rất thích thú.

 “Sỏi đá cũng cần có nhau”

Hoạt động “từ thiện văn hóa”, thông qua nghệ thuật làm từ thiện, đã làm thay đổi cách nhìn của các nhà quản lý địa phương. Là người được BTC tin tưởng giao việc giám sát dựng hai ngôi nhà nói trên, bà Lý Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, cho hay: Khi loay hoay với bộn bề những công việc dân sinh bức thiết như: xóa nhà tạm, tăng năng suất, cải thiện bữa ăn cho các cháu học sinh nội trú… thì nghĩ tới phát triển nghệ thuật địa phương là điều có phần xa xỉ.

Song khi thấy họa sĩ Đỗ Đức cùng báo TT&VH chỉ vẽ Cao nguyên đá mà có thể xây hai ngôi nhà, sang trang cuộc đời mới cho cả chục nhân khẩu, chúng tôi đã thấy sức mạnh của nghệ thuật. Và chúng tôi hiểu, xóa đói giảm nghèo không chỉ là tìm cách “diệt” nghèo đói về vật chất, việc triệt tiêu nghèo đói về tinh thần cũng vô cùng quan trọng.  

Để có được những kết quả tốt đẹp này, không thể thiếu những người liên tài và có tấm lòng nhân ái. Đó là Á hậu - ca sĩ Trà Ngọc Hằng và doanh nhân Trần Thị Ngọc Lan - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP ROYAL Việt Nam, chủ chuỗi nhà hàng tiệc cưới Hoàng Gia.

Trao đổi với TT&VH, bà Trần Thị Ngọc Lan, chủ nhân mới của bức tranh “Mẹ trong đá” chia sẻ: “Khi biết việc mua bức tranh mình thích lại có thể giúp những người dân nghèo chính nơi tạo mạch nguồn cảm xúc cho bức tranh là một niềm hạnh phúc vô biên với tôi. Hơn thế, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, việc góp phần mang đến cơ hội đổi đời cho một hộ nghèo của huyện Đồng Văn (Hà Giang) là trách nhiệm xã hội của doanh nhân”- bà Trần Thị Ngọc Lan nói.

Còn ca sĩ Trà Ngọc Hằng chia sẻ: “Tôi cũng sinh ra ở một vùng quê gian khó nên khi nhìn bức tranh “Gặp nhau trên nương”, tôi có phần xót xa, đồng cảm. Bởi vậy, tôi muốn mua bức tranh để ủng hộ những con người đang kiên gan chống lại những thử thách khắc nghiệt của tạo hóa và nhắn tới họ thông điệp, những “mảnh đời đá” không cô đơn. Hay nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”- Trà Ngọc Hằng nói.

Cũng theo Trà Ngọc Hằng, cô cũng đã âm thầm tham gia nhiều chương trình nghệ thuật từ thiện, ủng hộ người nghèo song đây là lần đầu tiên cô trực tiếp ủng hộ, xây một ngôi nhà mới một hộ gia đình. Và điều này càng củng cố thêm niềm tin vào tính hiệu quả của việc làm từ thiện bằng các sản phẩm văn hóa trong cô.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm