26/09/2015 13:03 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - “Theo quan điểm của tôi, chắc chắn Hà Nội là thủ đô đẹp nhất châu Á, và luôn giữ một vị trí quan trọng trong trái tim tôi. Tôi chân thành hy vọng rằng dự án sách này có thể góp một chút công sức vào quá trình bảo tồn vẻ đẹp của thành phố tuyệt vời này” - nhà địa lý người Đức, Michael Waibel nói về mảnh đất mà ông đã gắn bó trong suốt hơn 20 năm qua với 70 lần đến và đi. Đặc biệt, tình cảm đó đã được Michael Waibel gửi gắm qua cuốn sách ảnh Hà Nội: CAPITAL City.
Tác phẩm được xuất bản với khổ lớn cùng ba thứ tiếng (Đức, Việt và Anh) với trên 600 bức ảnh minh họa phản ánh đời sống muôn mặt của Hà Nội đang phát triển nằm trong dự án Nghiên cứu vì sự phát triển bền vững của các đại đô thị trong tương lai (thuộc Bộ Giáo dục và Nghiên cứu của CHLB Đức (BMBF)) được đề cử hạng mục Tác phẩm của giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2015 do Quỹ Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa tổ chức.
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần có cuộc trò chuyện với tác giả, chủ biên cuốn sách.
* Được biết, Hà Nội: CAPITAL City chỉ là một trong chuỗi dự án của ông về sự phát triển đô thị tại Việt Nam (trước đó là TP.Hồ Chí Minh: MEGA City và sắp tới đây sẽ là Đà Nẵng: Green City). Vậy hấp dẫn nhất khi ông thực hiện Hà Nội: CAPITAL City là gì?
- Tất nhiên, điều tôi thích nhất chính là kết quả cuối cùng của dự án: 300 trang giấy nặng gần 3kg với hơn 600 bức ảnh, 8 bài viết và những đóng góp quý giá của rất nhiều người dành tình cảm cho thành phố. Đó là một tài liệu dễ hiểu và tiếp nhận về sự phát triển thành thị đương đại của Hà Nội.
* Với dự án này, ông thấy Hà Nội được gì và mất gì khi trở thành một đại đô thị?
- Một bức ảnh giá trị hơn cả ngàn lời nói và tôi thực sự tin rằng cuốn sách có thể giúp tăng nhận thức về việc bảo tồn vẻ đẹp của Hà Nội. Tuy nhiên, cuốn sách cũng nêu ra một thực trạng rằng những nỗ lực thực chất là rất cần thiết trong việc bảo tồn vẻ đẹp đó. Những nỗ lực đó không chỉ cần đến từ chính quyền mà còn phải từ bản thân những cư dân thành phố nữa.
Một trong những mục đích của tôi là giúp nâng cao nhận thức về các tòa nhà di sản. Ví dụ, ở Hà Nội có hàng chục biệt thự đẹp, do thế hệ kiến trúc sư người Việt đầu tiên xây dựng theo phong cách Art Deco những năm 1920 và 1930. Nhưng tiếc là ngày càng nhiều những biệt thự như vậy đang bị phá hủy và được thay thế bằng các tòa nhà mang mục đích thương mại. Ngoài ra, các di sản kiến trúc không chỉ phải hứng chịu sự tàn phá mà cũng không được chủ nhân của chúng để ý nhiều.
Có một sự thiếu hiểu biết tương đối về việc làm thế nào để bảo trì và cải tạo một cách đúng mực những di sản này. Kết quả là rất nhiều tòa nhà rơi vào tình trạng đổ nát tới mức phá hủy chúng trở thành giải pháp khả thi duy nhất. Các nhà hoạch định chính sách dường như không nhận thức được rằng gìn giữ các tòa nhà dân sự cũng là một phần của việc bảo tồn kiến trúc, bên cạnh các lăng tẩm tôn giáo và biểu tượng văn hóa như nhà hát thành phố. Chúng ta không chỉ cần những quy định bắt buộc mọi người phải bảo vệ các tòa nhà đó mà còn cần tạo ra những động lực kinh tế để thuyết phục họ làm điều này.
Khi tôi tới Hà Nội lần đầu vào năm 1996 về cơ bản đây là một thành phố nghèo nàn. Hiện tại hầu hết cư dân của thành phố đã có cuộc sống tốt hơn, với những điều kiện sống tốt hơn nhiều. Theo tôi đây có thể xem là thành tựu lớn nhất trong những năm qua. Tuy nhiên, đi kèm với đó là sự gia tăng ô nhiễm môi trường, như ô nhiễm không khí và ùn tắc giao thông.
- Đúng vậy! Với một bề dày truyền thống văn hóa và di sản kiến trúc, Hà Nội là cái nôi của văn minh đô thị ở Việt Nam. Nơi đây cũng có nét đặc trưng riêng, một bản sắc riêng mà tôi không thấy ở các thành phố khác trong khu vực. Theo tôi, trái tim của Hà Nội là hồ Hoàn Kiếm với tháp Rùa và cảnh quan xung quanh. Quảng trường Ba Đình với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tòa nhà Quốc hội và Phủ Chủ tịch là trái tim của cả dân tộc Việt Nam nhưng trái tim của Hà Nội là hồ Hoàn Kiếm.
Khi tôi ở Hà Nội vào tháng 10/2010, dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, có một cảm giác rất xúc động khi thấy cả khu vực quanh hồ tràn ngập người dân từ khắp Việt Nam đổ về ăn mừng sự kiện này. Đó cũng chính là lý do khiến tôi chọn hình ảnh hồ Hoàn Kiếm đặt trên trang bìa cuốn sách.
* Với những trải nghiệm trong nghiên cứu của mình về Hà Nội, theo ông, làm thế nào để Hà Nội vừa là một thành phố hiện đại, vừa lưu giữ được những nét đẹp cổ xưa?
- Theo tôi, Hà Nội không nên phát triển theo hướng như các thành phố hiện đại khác ở châu Á, với những tòa nhà chọc trời hay kết cấu của thành thị hiện đại… Hà Nội không nên trở thành một Singapore hay một Seoul thứ hai.
Hà Nội nên bảo tồn những giá trị đặc sắc của mình, nền văn hóa với những di sản, xây dựng thành phố dựa trên những tài sản đó, những thứ được coi là sự pha trộn độc đáo giữa nhiều phong cách kiến trúc mà phản ánh một lịch sử đặc biệt, một sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại, những cấu trúc nhà nhỏ trong lòng thành phố, những con đường với nhiều cột đèn và rất nhiều hồ. Thành phố có tiềm năng để trở thành một trung tâm giáo dục và nghệ thuật lớn trong khu vực.
Ví dụ những khoảng không gian sáng tạo xuất hiện trên những khu vực từng là nhà máy có thể được quảng bá theo hướng tích cực và được phát triển trở thành một tổ hợp của các phòng tranh, phòng thu nghệ thuật, các cửa hàng thủ công mỹ nghệ, các phòng thiết kế cũng như các quán bar, nhà hàng, quán cà phê. Những khoảng không gian sáng tạo như vậy có thể truyền cảm hứng cho những người xung quanh, cả người dân bản địa lẫn khách du lịch. Những nơi đó cũng có thể giúp tạo ra một biểu tượng cho thành phố… Theo hướng đó, những khoảng không gian sáng tạo nên được hiểu là một phần quan trọng trong sự phát triển văn hóa của Hà Nội.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!.
Minh Anh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất