Thi sĩ “Tây Tiến” Quang Dũng: “Cô phong” trong trường thơ…

12/06/2012 13:40 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Năm nay, kỷ niệm 65 năm ngày thành lập, các cựu chiến binh Tây Tiến và thân nhân của chiến sĩ Tây Tiến tổ chức một chuyến hành hương trở lại chiến trường Sầm Nưa năm xưa (vào dịp trung tuần tháng 6) dâng hương tưởng niệm những chiến sĩ Tây Tiến đã hy sinh nhân 67 năm chiến thắng Mường Lát.

Nhắc đến Tây Tiến, không thể không nhắc đến Quang Dũng, người đã góp phần đưa đoàn quân Tây Tiến đi vào bất tử nhờ bài thơ mang tên đoàn quân này. Vừa qua tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace đã diễn ra tọa đàm và ra mắt tinh tuyển thơ văn Mắt người Sơn Tây của nhà thơ Quang Dũng. Buổi tọa đàm với sự tham gia của các diễn giả, nhà thơ Vân Long, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và khá nhiều các bạn trẻ, những người yêu thơ đến dự.

Con người hồn hậu, ngòi bút tài hoa

Quang Dũng xuất thân từ một gia đình khá giả, nhưng cốt cách bình dân, một con người đẹp, dễ gần, hiền lành, sống vất vả nhưng không bao giờ bận tâm về sự vất vả đó. Bộ ba Quang Dũng, Trần Lê Văn và Ngô Quân Miện được xem là thế hệ Quang Dũng là những người cuối cùng trước cách mạng thu hút được tinh túy của văn hóa phương Tây và theo nhà thơ Vân Long, điều quan trọng nhất gắn kết ba người chặt chẽ đến vậy là do họ đồng cấp về tinh thần và tâm hồn. Trần Lê Văn ví ông bạn Quang Dũng của mình như “một đám mây xương thịt hư ảo”, người sống nội tâm, nhẹ nhõm, vừa ảo vừa thực như chính những câu thơ phiêu diêu của ông: “Cơn gió bóng mây qua đỉnh Việt/ Mà như lau sậy có linh hồn”.

PGS-TS Vũ Nho cho biết một chi tiết thú vị đó là nhà thơ Quang Dũng luôn mang theo cuốn Tarax Bumba của nhà văn Gogol trong ba lô của mình, tác phẩm viết về những chiến binh Cô-dắc yêu tự do, yêu cái đẹp và sống ngang tàng.

Quang Dũng được ví như một cô phong, một cô đảo trong trường thơ kháng chiến, ông ít quan tâm đến cách tân, hình thức, không chủ trương sa vào sự cầu kỳ, mà ngôn từ trong thơ lại đầy sức trẻ, tươi mới, tạo dựng được sự quyến rũ lạ thường và làm nên tên tuổi của ông. Những áng thơ như Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây, Đôi bờ…, đã mang lại hương vị thơ đặc hiệu, một tạng cảm xúc độc đáo Quang Dũng, là những thi phẩm được coi là tuyệt tác trong thi đàn Việt Nam.

Trong văn xuôi của ông, sự tài hoa cũng bộc lộ rõ, thể hiện một cá tính, một phong cách nghệ sĩ độc đáo. Đó là một ký ức về mùa màng làng quê đậm đà theo một cách khác, những con chữ như được chắt ra từ đồng ruộng, thôn xóm yên bình “Người nào xa quê hương mà không nhớ cái nồi niêu úp trên cái cọc một cây rơm mùa gặt!” (bút ký Mùa gặt đến). Hoặc hồi tưởng con phố thưở người ta còn hát cô đầu một cách thanh lịch “Đi qua đường nghe bài hát Xích Bích, nghe tiếng trống, có thể biết là cụ cử Long đang cầm roi chầu” (bút ký Cống Trắng Khâm Thiên).

Một cô gái xinh đẹp không được nhân bản

Nhắc đến Quang Dũng là nhớ đến mối duyên ràng buộc Tây Tiến. Trong tập thơ do Nhà xuất bản Vệ quốc quân Liên khu III ấn hành vào năm 1948, bài thơ có nhan đề là Nhớ Tây Tiến. Sau này, khi đưa vào tập thơ in chung với Trần Lê Văn năm 1968, Quang Dũng bỏ chữ “nhớ” trong nhan đề, giữ lại hai chữ “Tây Tiến”. Tây Tiến đó là đơn vị có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới, địa bàn hoạt động khá rộng, từ châu Mai, châu Mộc sang Sầm Nưa rồi vòng sang phía Tây Thanh Hóa. Điều đặc biệt lính Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, không chỉ thi họa lãng mạn mà lại rất tài hoa đánh trận. Nhà thơ Trần Lê Văn trong bài viết về Quang Dũng có nhắc đến câu chuyện lính Tây Tiến sẵn sàng cởi áo tặng ngay cho đồng đội, “rồi vào đồn Tây đánh nó lấy áo mặc, ngại gì!”.

Bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng đã vượt qua những ranh giới cảm xúc kiểu Thơ Mới, được coi là bài thơ có thẩm mỹ kỳ lạ nhất trong thơ thời kháng chiến chín năm. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận định, nếu phải chọn 10 bài thơ hay nhất của nền thơ ca cách mạng, chắc chắn phải có Tây Tiến và nếu rút xuống 5 bài, vẫn không thể thiếu Tây Tiến. Với Tây Tiến, Quang Dũng đã sáng tạo nên rất nhiều điểm mới, độc đáo mà cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Nhờ Quang Dũng mà trung đoàn Tây Tiến đã nổi tiếng khắp nơi với hình ảnh đọng lại đầy vẻ đẹp hùng tráng và thơ mộng của các chàng trai Hà Nội chinh chiến.

Trong buổi tọa đàm, nhà thơ Vũ Quần Phương khẳng định Tây Tiến như “một cô gái xinh đẹp không được nhân bản”. Kể cả sau này, không chỉ Quang Dũng, mà nhiều người khác trong bể thơ kháng chiến cũng không có được, không làm được bài thơ nào tương tự cùng “kích cỡ” như Tây Tiến chứ chưa nói vượt qua. Phải chăng Quang Dũng là điển hình của một tác phong nghệ sĩ, chống những thành tựu được biểu dương và mê đắm với cái mình thích. Bởi vì, cái mình thích thì quyết định được, nhưng cái thành tựu lại phải do người khác quyết định. Và thản nhiên lựa chọn cách chối bỏ “không phải của tôi” đối với những bài thơ được khen, một thái độ ứng xử để không phải bận tâm trước chỉ trích, soi xét của những người không hiểu thơ mình.

Về sau chặng thơ những năm đầu thập niên 1960 của Quang Dũng lại nghiêng về thấm thía, trong hoài niệm lặng lẽ chất cũ, nét xưa và gợi hồn dân tộc. Nói như thi sĩ Bùi Giáng “Thơ Quang Dũng hiện ra tại chỗ chênh vênh bát ngát… nó chỉ đạm nhiên và thống thiết khơi rộng khoảng trống vắng ra để cho mọi vấn đề được nhận định và tìm lời giải đáp”.


Đông Phương Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm