18/07/2011 14:14 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Khi còn làm Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, từng hai lần ở vị trí Chủ tịch Hội đồng xét tặng danh hiệu nghệ sĩ, từng nhận được nhiều ý kiến trái chiều xung quanh danh hiệu và giải thưởng, nhưng chưa khi nào NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN - chứng kiến “những diễn biến căng thẳng” như vừa qua.
NSND Lê Tiến Thọ có cuộc trò chuyện thẳng thắn với TT&VH.
* Thưa ông, là một nghệ sĩ, một nhà quản lý, ông đánh giá thế nào về những khiếu kiện xung quanh giải thưởng và danh hiệu đăng tải trên các báo thời gian vừa qua?
- Với tất cả các cuộc bình chọn, xét giải, việc có đánh giá trái chiều thường xảy ra. Các đợt xét tặng trước cũng đều phức tạp. Khi còn làm thứ trưởng, tôi đã hai lần ở vị trí Chủ tịch hội đồng xét tặng danh hiệu nghệ sĩ của Bộ, cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nhưng sau đó đều đi tới đồng thuận. Chưa khi nào tôi chứng kiến những “căng thẳng” như đã được phản ánh vừa qua trên báo chí.
Những lần trước, Luật Thi đua - Khen thưởng chưa ra đời nên phải có quy định tạm thời để thực hiện. Nay, đã có Luật Thi đua - Khen thưởng thì dựa vào căn cứ pháp lý ấy, làm sao kỹ càng, chính xác hơn để nghệ sĩ được nhân dân mến mộ, bạn bè trong nghề tôn vinh, đúng theo tiêu chí đã đặt ra, có nhiều cống hiến, thành tích, trung thành với đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng được nhận danh hiệu, giải thưởng xứng đáng. Vừa qua, có nhiều ý kiến, cũng có thể do Hội đồng cơ sở làm chưa kỹ, hoặc thông tin chưa đến được với nghệ sĩ.
* Theo ông, nên giải quyết những kiến nghị, phản hồi ra sao?
- Ý kiến đó phải được tôn trọng. Hội đồng cơ sở cần trao đổi để đi đến đồng thuận. Tiêu chí xét tặng cũng cần rõ ràng hơn. Tại sao ủng hộ trường hợp này, tại sao không ủng hộ trường hợp kia?... Không bao giờ có thể đi đến thống nhất 100%. Một cuộc thi, concours có một tác phẩm bắt buộc thế mà người thẩm âm cũng có người thích, có người không thích... Trong khi, về tính chủ quan nghệ sĩ, các cụ nhà ta đã nói : “Văn mình, vợ người” đấy thôi... Điều chủ quan ấy là tất yếu. Nhưng, theo tôi, cũng không nên quá căng thẳng để xã hội nhìn nhận hoạt động văn hóa mà thiếu văn hóa!
* Vừa qua, nhiều nghệ sĩ có ý kiến cho rằng, nhiều người ngồi ghế “hội đồng” mà chưa đủ uy tín, năng lực?
- Thành phần này do đơn vị tổ chức xem xét. Mỗi hội đồng dựa vào tiêu chí riêng. Thực tế, tôi thấy có hội đồng có thành viên rất ít hoạt động trong lĩnh vực ấy nhưng ngồi đấy cho đủ loại hình, không tạo ra hiệu quả. Tôi không nói về trình độ, nhưng tin rằng nhiều người không đủ thời gian để đọc. Với tác phẩm biểu diễn, đi xem có khi cũng không. Hội đồng ấy trao cho họ cái quyền bỏ phiếu, như thế bỏ phiếu rất khó, lại cảm tính thì... Hội đồng “cầm cân nảy mực” phải có trách nhiệm, có uy tín, có hiểu biết và phải thực sự khách quan. Đưa vào những người chả đọc bao giờ hoặc lĩnh vực ấy có đọc cũng không hiểu thì thật đáng lo. Kỳ thi mà thầy giáo không biết chấm thì học sinh chết. Vì thế, đơn vị tổ chức phải chọn người có đủ bản lĩnh, khả năng.
Điều đó chỉ có Bộ ra quyết định, không thể chủ quan được. Nên dựa vào các hội chuyên ngành, nơi có các chuyên gia có quá trình đánh giá, không hết được nhưng nếu có những khuôn mặt ấy, người ta sẽ yên tâm...
* Được biết, Hội đồng Bộ VH,TT&DL đang xem xét gần 900 hồ sơ xét tặng giải thưởng và danh hiệu. Ông nghĩ sao về con số “khổng lồ” này?
- Tôi chưa biết con số cụ thể, nhưng việc đó là tất yếu vì đã lâu không xét. Trong tiêu chí đặt ra với danh hiệu NSND - NSƯT là 2 HCV, những người đủ tiêu chí thì Hội đồng cơ sở đưa lên. Nhưng Hội đồng cấp trên phải nhìn cả quá trình cống hiến, cả mặt bằng và cả giá trị của danh hiệu để mà lựa chọn. Những cuộc thi, hội diễn trước kia, tôi đề nghị trao huy chương không quá 30%. Có người phản đối, nhưng tôi cho rằng, giá trị của huy chương cũng phải có giới hạn. Tâm lý chung ở cơ sở bao giờ cũng ủng hộ nhau, tại sao lại phải khắt khe, có khi làm thế anh em họ ghét...
* Có cả sự “cả nể” trong đó, thưa ông?
- Chúng ta là con người, cũng có tính đó thôi. Thế nên đã nhận trách nhiệm ngồi vào hội đồng, tức là phải chịu trách nhiệm trước đánh giá của mình.
* Nhiều năm rồi, không ít nghệ sĩ phản đối với việc làm đơn xin xét tặng và cho rằng việc xét giải thưởng và danh hiệu hiện nay có khi còn mang nặng cơ chế “xin - cho”?
- Thực ra, “xin - cho” không phải đơn giản đã “xin” là “cho” được đâu. Nhiều người còn nói, chỉ cần xét quá trình cống hiến của nghệ sĩ rồi phong tặng danh hiệu. Đặt lại vấn đề, nếu người được phong không thích thì sao? Có cơ sở gì mà phong? Rồi tiêu chí về vấn đề cá nhân, quan hệ xã hội? Hay chúng ta cứ phong cho một “ông” mà ngay cả tên thật cũng không biết, vì họ chỉ có nghệ danh? Thế thì việc này hóa thành trò đùa mất ! Đây là hoạt động văn hóa, cần ứng xử có văn hóa.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Hà Chi (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất