12/05/2020 20:56 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Ngày 12/5, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ 2 phiên tòa xét xử 15 bị cáo trong vụ gian lận điểm tại Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình với các tội danh: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; tội “Nhận hối lộ” và “Đưa hối lộ” làm sai lệch kết quả kỳ thi.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình đã tiến hành thẩm vấn, xét hỏi các bị cáo về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Đặc biệt, trong phiên tòa hôm nay, nhiều lời khai của giáo viên chấm thi thuộc các tổ chấm thi đều khẳng định, chỉ được ký hoàn thiện bài thi chứ không được chấm thi theo đúng chức năng, quy chế quy định.
Bị cáo Khương Ngọc Chất, nguyên Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an tỉnh Hòa Bình là Ủy viên Ban chỉ đạo kỳ thi vẫn tiếp tục phủ nhận cáo buộc trong cáo trạng cũng như lời khai liên quan của các bị cáo Nguyễn Quang Vinh, nguyên Trưởng phòng Khảo thí, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Hòa Bình và bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn, nguyên Phó hiệu trưởng Trường nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Lạc Thủy; đồng thời phủ nhận về việc tạo điều kiện bố trí nhân sự tới khu vực chấm thi trắc nghiệm để đưa danh sách thí sinh cho Đỗ Mạnh Tuấn thực hiện việc nâng điểm.
Bị cáo Chất chỉ thừa nhận có gọi điện cho Nguyễn Quang Vinh nhờ xem điểm cho một số con em của cán bộ Công an tỉnh Hòa Bình, nhưng bị Vinh từ chối. Sau đó Chất gọi điện nhờ Đỗ Mạnh Tuấn xem hộ.
Bị cáo Khương Ngọc Chất cũng phủ nhận lời khai của bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn về việc ngày 20/6/2018, Chất đã liên hệ đưa 500 triệu cho Tuấn để nhờ nâng điểm cho 2 thí sinh và việc tối 29/7/2018, sau khi làm việc với cơ quan điều tra, Tuấn đã tới nhà để tìm gặp Chất trao đổi về cuộc làm việc. Đối chất tại tòa, Đỗ Mạnh Tuấn vẫn bảo lưu lời khai trước đó. Theo bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn, Khương Ngọc Chất tới phòng 504 khu vực chấm thi trắc nghiệm vào chiều 29/4/2018, đưa danh sách 10 thí sinh và nói rõ 8 người đã nhờ Nguyễn Quang Vinh, còn 2 người thì Chất nhờ riêng Tuấn.
Về tình tiết tối 28/7/2018, sau khi lên cơ quan Công an đầu thú, Tuấn đã tìm đến nhà gặp Chất và được Chất dặn “nếu có hỏi gì tới anh thì nói anh em chỉ gọi điện trao đổi về hoa lan”. Trước lời đối chất của Đỗ Mạnh Tuấn, Khương Ngọc Chất vẫn cho rằng lời khai của Tuấn là vu khống cho mình vì “Lý do có thể là thù ghét cá nhân, do bị cáo là người đưa Tuấn đi tự thú”.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cũng đã thẩm vấn, xét hỏi các bị cáo Nguyễn Quang Vinh, Đỗ Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Tuấn, Quách Thanh Phúc, Diệp Thị Hồng Liên, Nguyễn Thị Hồng Chung và bà Đinh Thị Hường - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án này. Đáng nói, trong phần thẩm vấn, xét hỏi bị cáo Nguyễn Thị Hồng Chung đã thừa nhận hành vi phạm tội và xin lỗi nhân dân.
Phiên tòa đã triệu tập xét hỏi, thẩm vấn số giáo viên chấm thi thuộc Tổ số 1, số 2, số 3 của kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 và tất cả đều khai nhận trước Hội đồng xét xử, bản thân đã thiếu trách nhiệm trong quá trình được phân công chấm thi, nguyên nhân do khách quan quá tin tưởng vào đồng nghiệp, mặt khác bị áp lực từ cấp trên tác động xuống (trực tiếp là các Tổ trưởng tổ chấm thi và bị cáo Diệp Thị Hồng Liên – Phó Trưởng ban chấm thi) và chỉ khi các cô giáo làm việc với cơ quan điều tra mới biết mình đã ký khống chênh lệch điểm thi cho các trường hợp.
Theo lời khai tại phiên tòa của bị cáo Nguyễn Thị Hồng Chung - Tổ trưởng tổ 2 chấm bài thi tự luận môn Ngữ văn và bị cáo Bùi Thanh Trà - Tổ trưởng tổ 3 chấm bài thi tự luận môn Ngữ văn thì đều bị tác động từ bị cáo Diệp Thị Hồng Liên về chuyển thông tin thực hiện nâng điểm cho các thí sinh với câu chỉ đạo chung chung là “Trường hợp người nhà Lãnh đạo, người thân Lãnh đạo...” .
Ngày mai (13/5), phiên tòa vẫn tiếp tục phần xét hỏi đối với các bị cáo.
Vũ Hà - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất