04/02/2016 16:07 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Mấy ngày nay, dư luận ồn ào về chuyện xử phạt người đi bộ. Không ai phản đối việc phải "đánh mạnh" vào ý thức của những người "đi xe căng hải" (hai cẳng). Nhưng đến khi người đi bộ lên tiếng, thì người ta mới hiểu rằng, họ cũng là nạn nhân của tình trạng trật tự đô thị bát nháo hiện nay.
Họ bị giành mất vỉa hè, lề đường vốn là phần diện tích đi lại của mình. Còn trong quá trình lưu thông, nhất là lúc sang đường, họ cũng thường xuyên bị xe cộ chèn ép.
Người đi bộ chính là bộ phận dễ bị tổn thương nhất trong bức tranh giao thông hỗn loạn hiện nay.
Câu hỏi đặt ra là đô thị của chúng ta đã tôn trọng người đi bộ chưa?
Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn mời các bạn đi tham quan một biểu tượng cũ kỹ trên trăm tuổi, vốn rất quen thuộc của Hà Nội – đó là cầu Long Biên. Nhưng không phải ai cũng hiểu hết những câu chuyện trên đó.
Ai cũng biết có một chuyện tréo ngoe trên cây cầu này. Đó là giao thông ngược: xe cộ lên xuống cầu Long Biên lại theo hướng bên trái, thay vì theo hướng bên phải như thông lệ. Cụ thể, từ đầu cầu phía Hà Nội sang Gia Lâm, xe cộ sẽ từ Hàng Đậu đi lên, còn từ đầu cầu phía Gia Lâm sang Hà Nội, sẽ theo hướng bên trái xuống dốc sát phố Hàng Khoai...
Ai cũng biết rằng, người Pháp, cha đẻ của cầu Long Biên không thuộc những quốc gia "tay lái nghịch" hay có luật "lái xe bên trái đường" như Anh, Úc, Malaysia... Bởi thế sự tréo ngoe trên cầu Long Biên cho đến nay vẫn khiến người ta bối rối với nhiều cách giải thích khác nhau.
Xin trích lại một cách giải thích đậm thuyết âm mưu: "Đã có rất nhiều lý giải cho chuyện này như cầu Long Biên làm để phục vụ cho người Pháp chở vũ khí đi từ trung tâm Hà nội qua Gia Lâm và các tỉnh Đông bắc Việt Nam, xe chở vũ khí thì nặng và khi về lại trung tâm Hà Nội thì chỉ còn xe không nên trọng lượng nhẹ hơn rất nhiều, điều này làm cho cầy cầu sau một thời gian vận hành bị nghiêng và giải pháp đổi chiều đi của cầu được tính tới để cân bằng lại cầu.
Có 1 giả thuyết nữa là thiết kế đi như vậy để cân bằng trọng lực với chiều chảy của dòng nước…"
Lại có cách giải thích đơn giản rằng, cầu Long Biên đi làn trái để thuận tiện cho việc tổ chức giao thông ở hai đầu cầu. Bởi chúng ta biết rằng, theo thiết kế ban đầu, cầu Long Biên chỉ dành cho đường sắt. Mãi đến năm 1920 mới "cơi nới" thêm 2 làn đường bộ hai bên, cho nên việc tổ chức lên xuống cầu chắc chắn có phần lúng túng, nên đành chấp nhận giải pháp đi làn trái để dễ dàng kết nối với hệ thống giao thông bên dưới.
Nhưng có một cách giải thích khác, hoa học hơn, do chính ông Giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Hà Hải chia sẻ với tôi sau nhiều năm quản lý, duy tu cây cầu già này. Theo ông, cầu Long Biên đi làn trái chính là để... bảo vệ người đi bộ.
Chúng ta biết rằng, trên cầu Long Biên có thiết kế một cái vỉa hè chỉ rộng chừng 50cm ở bên phải dành cho người đi bộ. Mặc dù xe cộ đi làn trái, nhưng người đi bộ vẫn đi về bên phải như thông thường.
Cái vỉa hè ấy nhỏ đến mức người đi bộ chỉ có thể đi hàng một. Nếu phải bê vác, gồng gánh thì cực kỳ khó khăn, nhất là những lúc xoay đòn gánh đổi vai. Trong khi đó, nhu cầu đi lại của người dân hai bên bờ sông Hồng là cực lớn. Đội quân buôn thúng bán mẹt nửa đầu thế kỷ XX có lẽ đông đúc chẳng kém bây giờ, mà còn lếch thếch hơn. Chưa hết, bãi giữa sông Hồng còn là bãi canh tác lớn của Hà Nội, cho đến bây giờ vẫn trải mênh mông mấy cây số từ đoạn dưới cầu Chương Dương qua cầu Long Biên.
Người Pháp không bỏ quên bãi giữa khi thiết kế cầu: họ làm hẳn đường lên xuống bãi giữa cho nông dân đi lại và vận chuyển nông sản.
Với một lối đi bộ hẹp như vậy trong khi lưu lượng người đi bộ lại lớn như thế, mang vác gồng ghánh cồng kềnh như thế (cứ tưởng tượng vào vụ mùa mà xem), đương nhiên cầu Long Biên phải tổ chức giao thông để tránh xảy ra va chạm giữa người đi bộ với dòng xe.
Để giúp tôi hình dung, ông Giám đốc Công ty quản lý đường sắt Hà Hải hôm ấy đã phải làm động tác "xoay đòn gánh" của một bà nông dân khi đi trên cầu bị mỏi vai. Nếu xe cộ đi làn cầu bên phải như thông thường, cùng chiều với người đi bộ, và đi sát vỉa hè dành cho người đi bộ, thì cái quang gánh ấy "toạng" vào đầu xe là cái chắc.
Trái lại, nếu xe cộ đi làn trái, còn người đi bộ đi bên phải thì hai bên luôn "mặt đối mặt" để quan sát được nhau. Bà nông dân gánh gồng mấy cây số từ đầu cầu bên này sang đầu cầu bên kia, có quyền đổi vai chứ. Nhưng khi xoay đòn gánh đổi vai, bà vẫn nhìn thấy xe cộ đi hướng ngược lại để chọn thời điểm thích hợp. Mà người đi xe cũng quan sát được bà.
Có thể bạn còn có những cách giải thích khác cho việc cầu Long Biên đi làn trái. Có thể còn những cách khác có lý hơn, nhưng rõ ràng, với việc đi làn trái như thế, mâu thuẫn giữa người đi bộ và xe cộ đã được giải quyết thỏa đáng.
Tôi tin rằng chính hiệu quả đó đã giúp cho việc đi làn trái trên cầu Long Biên vẫn tồn tại đến ngày nay. Còn nếu ai muốn đổi lại, thì có lẽ cũng thử gánh sọt su hào độ dăm chục cân đi lên cầu xem đi lại như thế nào thuận tiện hơn.
Cuối cùng, câu chuyện trên cầu Long Biên cho thấy, xã hội cần được xây dựng trên quan điểm nhân văn, trong đó những người yếu thế, những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương cần được tôn trọng và bảo vệ tốt nhất.
Tất nhiên, trong một đô thị hiện đại, văn minh và sinh thái thì người đi bộ không chỉ là gồm những người không có điều kiện đi xe như người già, sinh viên, học sinh, người bán hàng rong mà gồm cả những quan chức, đại gia từ chối phương tiện xa xỉ, muốn đi bộ cho khỏe người nữa.
Khuyến khích người ta đi bộ thì hãy bảo vệ họ tốt hơn nữa, bằng cách trả lại cho họ đầy đủ vỉa hè, lề đường, tạo cảnh quan mát mẻ, sạch sẽ; xây dựng nề nếp giao thông, lấy nhường đường cho người đi bộ là khẩu hiệu hàng đầu.
Đương nhiên, bên cạnh đó vẫn là phạt thật nghiêm những người đi bộ tùy tiện.
Đông Kinh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất