Xuân Son nhập tịch, Công Phượng về quê

27/09/2024 05:40 GMT+7 | Bóng đá Việt

Với việc tiền đạo Nguyễn Công Phượng từ Nhật Bản trở về để khoác áo đội Bình Phước thi đấu tại giải hạng Nhất, bóng đá Việt Nam chính thức sạch bóng cầu thủ ra nước ngoài thi đấu. Đồng thời sự việc này cũng khép lại 8 năm liên tục chúng ta có cầu thủ xuất ngoại, tính từ khi Công Phượng, Tuấn Anh sang Nhật Bản hồi năm 2016 đến nay, mang theo rất nhiều hy vọng về sự vươn lên của làng cầu Việt.

1. Có tiếc nuối, có thất vọng và cả những hụt hẫng nhưng đây không phải điều bất ngờ. Trong cái Mất cũng có cái Được. Chúng ta đã nỗ lực suốt 8 năm nhưng ngoài trường hợp của Huỳnh Như (bóng đá nữ) thì các lần thử sức của cầu thủ Việt Nam đã có đủ các biến số để đưa ra một kết luận chắc chắn: Bóng đá Việt Nam vẫn chưa hội đủ các yếu tố cần thiết để xuất ngoại thành công.

Chúng ta "xuất ngoại" mọi vị trí, từ thủ môn, hậu vệ đến tiền vệ sáng tạo và tiền đạo. Những người ra đi cũng ở lứa tuổi đẹp, từ U23 như Đoàn Văn Hậu đến thời điểm đỉnh cao sự nghiệp như Nguyễn Quang Hải. Chúng ta cũng đến các nền bóng đá khác nhau, từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc đến Bỉ, Hà Lan, Pháp. Có người đi liên tục như Công Phượng, đến Nhật Bản những 2 lần. Cầu thủ chúng ta cũng không phải "mơ" quá cao, chấp nhận đá ở J-League 2, Ligue 2 để tìm cơ hội ra sân. Tóm lại, đã làm mọi thứ có thể nên dù không thành công thì cũng chẳng phải hối tiếc.

Nhưng rõ ràng, triển vọng thì mơ hồ trong khi trở ngại quá nhiều. Đó có thể là khả năng hòa nhập (ngôn ngữ, văn hóa), là việc chọn điểm đến quá tầm (các CLB ở Bỉ, Hà Lan, Pháp), là bất lợi về thể chất… Tuy nhiên, những khó khăn đó nghĩ cho cùng đều có thể dự liệu từ trước, và cũng có thể xảy đến với mọi cầu thủ trong thế giới bóng đá chuyên nghiệp.

Vậy nên, cần phải nói thật lòng với nhau rằng: có thể là do chúng ta chưa đủ chất lượng để xuất ngoại thành công trong khi bóng đá thế giới, rất khắc nghiệt.

2. Hãy nói một chút về Rafaelson, tiền đạo gốc Brazil vừa được nhập quốc tịch Việt Nam với cái tên Nguyễn Xuân Son.

Cầu thủ này xuất thân từ một nền bóng đá có truyền thống xuất khẩu cầu thủ. Mới 19 tuổi anh đã chơi bóng ở Serie A, giải đấu hàng đầu Brazil. Năm 21 tuổi đã sang Nhật Bản, 23 tuổi sang Đan Mạch trước khi đến Việt Nam thi đấu lần lượt dưới các màu áo Nam Định, Đà Nẵng, Bình Định rồi lại Nam Định.

Mùa trước, Rafaelson lập kỷ lục với 31 bàn thắng tại V-League, chiếm 55% tổng số bàn của đội Nam Định, qua đó giúp đội nhà lần đầu vô địch V-League.

Trong 5 năm chơi bóng tại Việt Nam, Rafaelson đã ghi được 52 bàn, và với năng lực đó thì tiền đạo này hoàn toàn có thể chuyển sang thi đấu ở những nền bóng đá mạnh hơn. Nhưng như đã biết, Rafaelson quyết định nhập quốc tịch Việt Nam ở tuổi 27 và có thể là chẳng đi đâu nữa.

Câu chuyện thể thao: Xuân Son nhập tịch, Công Phượng về quê - Ảnh 1.

Giả sử Rafaelson, giờ là Nguyễn Xuân Son, được gọi lên ĐT Việt Nam thì cũng chưa chắc đã phải là yếu tố bảo đảm thành công cho bóng đá Việt Nam. Ảnh: Song Ngọc

Trước Rafaelson, có Đỗ Merlo, Hoàng Vũ Samson đều là các chân sút hàng đầu lịch sử V-League nhưng đa số đều không "xuất ngoại". Họ ở lại V-League và chiếm chỗ của các cầu thủ nội, những người dường như chưa đủ năng lực để cạnh tranh với họ. Có thể các cầu thủ ngoại nhập tịch ấy cảm thấy không ở đâu sống thoải mái như Việt Nam. Hoặc cũng có thể họ biết dù xuất sắc ở V-League thì cũng khó trụ lại ở các giải đấu cao cấp hơn.

Như vậy, chỉ cần so sánh chất lượng của cầu thủ Việt Nam với những ngoại binh nhập tịch này cũng thấy đã có hơn kém khá rõ. Có thể hiểu rằng, các quyết định xuất ngoại sang châu Âu hay Nhật Bản của cầu thủ Việt Nam dù rất đáng khen về tinh thần, khát vọng hoàn thiện bản thân nhưng mức độ thành công quá thấp khi nhìn nhận ở khía cạnh chuyên môn.

Nói như vậy không có nghĩa là con đường xuất ngoại đã mịt mù với bóng đá Việt Nam, nhưng để điều đó trở nên khả thi, để những chuyến đi tạo ra các giá trị lớn cho cả nền bóng đá lẫn sự nghiệp của cầu thủ, thì cần phải đánh giá đúng năng lực và chọn lựa giải đấu phù hợp để có thể thành công trên đất khách.

Nếu không, sau mỗi chuyến đi, cầu thủ Việt Nam phải về nước ở một trạng thái thi đấu tệ hơn lúc ra đi. Như trường hợp Công Phượng, phải bắt đầu từ giải hạng Nhất dù lý do gì, cũng là một bước lùi.

3. Cũng liên quan đến câu chuyện về chất lượng cầu thủ, thì ngay sau khi Rafaelson nhập tịch, nhiều người chờ đợi tiền đạo có tên Việt Nam là Nguyễn Xuân Son này sẽ xuất hiện trong màu áo đội tuyển Việt Nam ở tương lai gần. Về lý thuyết, nếu điều đó xảy ra thì đội tuyển của HLV Kim Sang Sik sẽ sở hữu một chân sút chất lượng trong bối cảnh khan hiếm tiền đạo bấy lâu nay.

Nhưng dường như sự chờ đợi ấy chủ yếu đến từ nỗi thất vọng ở hiện tại hơn là giải pháp thực thụ cho một đội tuyển quốc gia mạnh. Vấn đề sử dụng cầu thủ nhập tịch trở nên sôi nổi hơn gần đây chủ yếu đến từ thành công của đội tuyển Indonesia.

Chính sách nhập tịch cầu thủ để tăng cường chất lượng đội tuyển của bóng đá xứ Vạn đảo đã giúp họ có được các kết quả đột phá, mang tính lịch sử. Trong loạt trận vòng loại thứ 3 World Cup 2026 vừa qua, 23 cầu thủ được được HLV Shin Tae Yong triệu tập chỉ có 9 người đang thi đấu trong nước, phần lớn là những người sinh ra và chơi bóng ở nước ngoài.

Tuy nhiên, những cầu thủ nhập tịch này đều có gốc gác Indonesia, gần giống với trường hợp Filip Nguyễn chứ không phải 100% nước ngoài như Nguyễn Xuân Son. Nhưng kể cả khi như vậy, thì việc việc sử dụng cầu thủ nhập tịch là cả một sự đánh đổi.

Lúc HLV Shin Tae Yong mới đến, Liên đoàn bóng đá Indonesia giao cho ông huấn luyện đội U20 để qua đó xây dựng một đội tuyển quốc gia mới từ nền móng của một thế hệ tài năng. Nhưng khi dùng quá nhiều cầu thủ nhập tịch, thì việc trẻ hóa đội tuyển của Indonesia cũng gần như phá sản.

Danh sách gần đây nhất của họ chỉ có 4 cầu thủ là U23. Và nếu đội bóng này tiếp tục theo đuổi chính sách nhập tịch do áp lực thành tích, thì đồng nghĩa chẳng có cơ hội cho cầu thủ nội.

Vấn đề là nguồn cầu thủ nhập tịch dù ở hình thức nào, cũng không phải là vô hạn. Trong khi đó, các cầu thủ nước ngoài nhập tịch vẫn còn những trở ngại về văn hóa, ngôn ngữ, chưa kể sự xuất hiện của những "ông Tây" trong đội tuyển không dễ chấp nhận với đa số người hâm mộ.

Hơn nữa, kể cả khi chấp nhận "đánh đổi" để giải quyết tình hình hiện tại, thì cũng đâu dễ. Dùng ngoại binh nhập tịch một lần thì không thể không dùng ở các lần kế tiếp nếu cầu thủ đủ điều kiện khoác áo đội tuyển quốc gia. Đấy là chưa nói, vẫn không ai có thể khẳng định nếu chúng ta dùng cầu thủ nhập tịch thì ngay lập tức sẽ thay đổi đẳng cấp.

Nên nói cho cùng, cái cần thiết vẫn là tạo ra những cầu thủ nội có đủ năng lực để xuất ngoại. Đó mới chính là nguồn "ngoại binh" quan trọng nhất cho bất kỳ đội tuyển quốc gia nào.


Trước khi đón Công Phượng, CLB Trường Tươi Bình Phước cũng đã chiêu mộ một loạt cầu thủ tên tuổi như: Bùi Tấn Trường, Huỳnh Tấn Sinh, Hoàng Minh Tâm, Sầm Ngọc Đức, Lê Thanh Bình hay Tuấn Tài.

Tuy nhiên, dàn cầu thủ này của Trường Tươi Bình Phước có lẽ vẫn không thể bì với những gì CLB Trẻ TP.HCM đang có. Một loạt các ngôi sao đã và đang khoác áo tuyển quốc gia như: Đặng Văn Lâm, Đinh Thanh Bình, Thanh Thịnh, Văn Thuận, Văn Thành, Đức Việt, Hữu Tuấn hay Lê Minh Bình đều có tên trong danh sách chuẩn bị cho mùa giải mới của CLB Trẻ TP.HCM.

Tương tự, PVF CAND cũng đang sở hữu một loạt ngôi sao đã gây được tiếng vang là Xuân Nam, Thanh Nhàn, Đức Phú, Bá Đạt, Minh Long, Nguyễn Huy Hùng, Lê Ngọc Bảo, Ryan Hà, Martin Lò, Trần Ngọc Sơn…

Với thực lực hiện tại, Trường Tươi Bình Phước, Trẻ TP.HCM hay PVF CAND hoàn toàn đủ khả năng chơi sòng phẳng với những đội bóng tầm trung ở V-League. Bên cạnh đó, việc các CLB hạng Nhất được đầu tư mạnh và đồng bộ như vậy là điều rất hiếm thấy trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm