Tuyển Việt Nam thiếu gì để hoàn hảo?

26/11/2016 05:33 GMT+7 | Các ĐTQG

  • (Thethoavanhoa.vn) - Cùng với Thái Lan, Việt Nam là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch AFF Suzuki Cup 2016. Mặc dù đều có khởi đầu thuận lợi, nhưng nếu so với lối chơi chững chạc và khá toàn diện của Thái Lan thì hình như Việt Nam còn quá nhiều việc phải làm.

Hàng thủ vá chỗ này hổng chỗ kia

Hàng phòng ngự của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Hữu Thắng chưa bao giờ là ổn. Loay hoay gần ba tháng với rất nhiều thử nghiệm thì cuối cùng Hữu Thắng cũng chọn được bộ khung tương đối ưng ý cho mặt trận phòng ngự. Nhưng kể cả những con người được cho là ưu tú nhất ở thời điểm hiện tại thì họ vẫn luôn có những vấn đề xảy ra.

Về mặt cá nhân, các hậu vệ Việt Nam chưa khi nào có phong độ cao và thực sự ổn định. Nếu không phải là những chấn thương bất đắc dĩ thì lại là những sai sót cá nhân. Những bước chạy, những tình huống can thiệp có phần chậm chạp của Đình Luật do dấu ấn của tuổi tác. Những tình huống xử lý chưa thực sự an toàn và chính xác của Đình Đồng khi lần đầu tiên tham gia một giải đấu lớn ở cấp độ đội tuyển. Hay những vấn đề tự Quế Ngọc Hải gây áp lực cho chính mình với những pha vào bóng quyết liệt quá mức cần thiết.
Hậu vệ Quế Ngọc Hải
Về mặt tập thể, có vẻ tình hình nghiêm trọng hơn khi xuất nhiều lỗi hệ thống. Trước khi vào giải thì khả năng phòng ngự từ xa hay nói đúng hơn là khả năng sẵn sàng phòng ngự khi đang tấn công của đội tuyển Việt Nam là rất yếu kém. Chẳng hạn trận giao hữu lượt về với Indonesia trên sân Mỹ Đình đã có ít nhất ba lần hệ thống phòng ngự từ xa của HLV Hữu Thắng sụp đổ dẫn tới việc học trò của A. Rield dù không quá xuất sắc và tốc độ cũng có thể làm chao đảo khung thành Nguyên Mạnh để ghi 2 bàn thắng khá dễ dàng. Ở trận đấu đó, người ta nhắc nhiều đến năng lực phòng ngự của cặp tiền vệ trung tâm, đặc biệt là Xuân Trường.

Nhưng những trận gần đây, khi Hoàng Thịnh trở lại, khả năng phòng ngự từ xa đã được cải thiện, đội hình tấn công và phòng ngự đã có được sự cân bằng hơnthì lại xuất hiện vấn đề khác: khả năng tổ chức phòng ngự một cách chủ động và chịu đựng sức ép là rất kém. Chẳng hạn trong trận Myanmar, một trận đấu không quá khó khi đối thủ chỉ có sức trẻ, thể lực là đáng kể thì hàng phòng ngự của chúng ta cũng đã gặp quá nhiều khó khăn. Myanmar phối hợp khá đơn giản, chủ yếu là dựa vào những cầu thủ có tốc độ, sức mạnh để càn lướt.
 
HLV Đặng Phương Nam

Họ cũng không có những mẫu tiền vệ sáng tạo kiểu Xuân Trường nhưng cũng đã tạo vô số những cơ hội nguy hiểm về phía khung thành Nguyên Mạnh. Ít nhất 4 lần các cầu thủ tiền đạo Myanmar có khoảng trống để tung ra những cú sút trực diện nguy hiểm. Và ở những phút cuối của trận đấu, nếu cú sửa lòng của đối phương sắc sảo hơn thì chưa chắc Việt Nam đã có chiến thắng.

Nguyên nhân là do sự phối hợp không tốt giữa các trung vệ và tiền vệ trung tâm, có cảm giác các học trò của HLV Hữu Thắng đang bối rối giữa các khái niệm phòng thủ khu vực và kèm người. Phần lớn những tình huống đó cặp Đình Luật- Ngọc Hải đều lùi xuống, đảm bảo khu vực thay vì đẩy lên áp sát và ngăn chặn các cầu thủ tiền đạo sút bóng.

Điển hình là bàn thua trước Myanmar, nếu Đình Luật áp sát số 9 Aung Thu thì cầu thủ này chưa chắc đã có cơ hội xoay người đối mặt với cầu môn chứ đừng nói là dứt điểm. Điều đáng nói là khi còn là cầu thủ thì chính những kỹ năng phòng ngự này lại là sở trường của HLV Hữu Thắng, anh ít khi nào cho phép các tiền đạo có khoảng trống, thời gian, không gian để tung ra các pha dứt điểm như vậy. Đáng tiếc là hình như các học trò vẫn chưa kịp thuộc bài của thầy.

Hàng công quá phụ thuộc vào Xuân Trường

Sau những trận đấu đã qua của ĐTQG Việt Nam, một điều ai cũng có thể nhận thấy là hầu hết những đường tấn công có nét đều xuất phát từ Xuân Trường. Với cái cổ chân ngoan, khả năng chuyền bóng trung bình và dài cực tốt cùng với nhãn quan chiến thuật rất thông minh thì tiền vệ của Incheon United đang là niềm cảm hứng cho lối chơi tấn công của thầy trò HLV Hữu Thắng.

ĐTVN đang trông đợi Xuân Trường tỏa sáng

Những pha mở bóng sang cánh phải hay xẻ vào nách của Xuân Trường cho Văn Toàn không còn quá mới nhưng vẫn đạt được hiệu quả tối đa do sự ăn ý đến mức khó tin của hai cầu thủ trẻ từ ngày còn ở Học viện HAGL. Luôn luôn là Văn Toàn chạy trước khi Xuân Trường nhận bóng, sau đó số 21 sẽ nhận được bóng một cách thuận lợi ở khoảng trống trước mặt và với khả năng xử lý bóng sống ở tốc độ cao tương đối tốt, Toàn luôn biết cách tạo nên sự đột biến.

Hay những tình huống phối hợp ngắn, nhỏ, bật nhả của Xuân Trường với Văn Quyết ở trung lộ và nách cũng đang là miếng đánh mới. Nó khá giống với cách mà Trường chơi cùng Phượng trước kia, nhưng tiền đạo của HN T&T còn đang thể hiện tốt hơn nhờ những pha xử lý khá đơn giản nhưng tinh quái và đậm chất kỹ thuật. Chẳng hạn như bàn thắng mở tỷ số của Văn Quyết, đó là đỉnh cao của sự đơn giản và hiệu quả. Quyết chọn vị trí thuận lợi, Trường chuyền chính xác tuyệt đối, chạm đầu tiên quá tốt để đối mặt với thủ môn và sau đó là pha dứt điểm tinh tế. Nếu kể thêm nỗ lực tranh bóng của Công Vinh, pha nối bóng nhanh và chuẩn xác của Thanh Trung thì đây đúng là bàn thắng hoàn hảo kể cả yếu tố kỹ thuật cá nhân lẫn yếu tố chiến thuật khi các cầu thủ pressing tấn công tốt và chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công quá nhanh khiến đối thủ không kịp phản ứng.

Nhưng muốn chinh phục Cúp Vàng AFF thì rõ ràng chỉ dựa vào Xuân Trường là không đủ. Đúng là Trường đang chơi tốt, đang tiến bộ và trưởng thành từng ngày. Nhưng chúng ta ai cũng biết thể lực và thể chất của em không thực sự tốt, chấn thương gối trái chưa hoàn toàn bình phục. Trong những trận đấu đã qua, Trường đã biết cách vượt những khó khăn, những sự chăm sóc đặc biệt của các đối thủ để chơi tốt. Nhưng không ai dám chắc khi đối đầu với những đối thủ mưu mẹo và già dặn, tinh quái hơn như Thái Lan, Indo, Phi... liệu em có thể chơi tốt. Chưa kể là người đang đá phía sau và hỗ trợ Xuân Trường khá nhiều là Hoàng Thịnh của chưa hoàn toàn bình phục. Nếu vắng Hoàng Thịnh, cũng có thể Xuân Trường lại phải chơi thấp và chịu nhiều áp lực phòng ngự như trong trận đấu với Indonesia. Chắc chắn lúc đó khả năng vận hành lối chơi tấn công của ĐTVN sẽ lại trục trặc.

"Tinh thần thi đấu" sẽ là điểm mạnh hay điểm yếu?

Sau chiến thắng trước Myanmar, HLV Hữu Thắng tuyên bố đó là nhờ tinh thần thi đấu tuyệt vời của các cầu thủ. Điều này không thể phủ nhận bởi nó vốn dĩ cũng là một sức mạnh đáng kể của ĐTVN qua các thời kỳ. Rõ ràng nhất là tinh thần, bản lĩnh của lứa 2008 dưới sự dẫn dẵn của thầy phù thủy Calisto. Nhưng cũng không ít lần đội tuyển của chúng ta gục ngã trước ngưỡng của thiên đường cũng vì yếu tố tâm lý. Trận Chung kết Tiger Cup 1998 trên sân Hàng Đẫy là một ví dụ điển hình. Hay là trận thua mất mặt trước Malaysia 2-4 ngay trên sân nhà dù đã chiến thắng đối thủ 2-1 ngay trên sân khách cũng tại AFF Suzuki Cup 2014. Đó đều là những bài học đau đớn khi chúng ta không thể kiểm soát tâm lý và cảm xúc, dẫn tới tinh thần thi đấu bạc nhược, hoảng loạn và thua một cách đau đớn.

Tuyển Việt Nam tập kín chờ đấu Campuchia

Tuyển Việt Nam tập kín chờ đấu Campuchia

HLV Nguyễn Hữu Thắng giữ nguyên quy định tập kín trước mỗi trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2016, bằng chứng là buổi tập chiều 25/11 tại sân Wunna Theikdi (Nay Pyi Taw, Myanmar), các phóng viên chỉ được tác nghiệp ở 15 phút đầu.

Chính vì vậy, nói tinh thần thi đấu là điểm mạnh và mang lại thắng lợi cho ĐTVN cũng chưa hẳn đúng. Nhưng chúng ta cũng có thể mong thầy trò HLV Hữu Thắng sẽ vững vàng và trưởng thành hơn qua từng trận đấu. Đó không chỉ là việc khắc phục các điểm yếu ở hàng phòng ngự hay cải thiện sự đa dạng, tính linh hoạt trong tấn công mà còn là việc rèn luyện bản lĩnh trước mọi đối thủ.

Đúng là ở thời điểm hiện tại, chúng ta chưa xứng đáng để nhắc đến ngôi vị vô địch. Nhưng nếu tiếp tục tiến bộ và hoàn thiện mình, tiếp tục đoàn kết và cùng nhau chiến đấu, rất có thể chúng ta sẽ làm nên điều kỳ diệu. Mong là như thế!

Đặng Phương Nam (cựu tuyển thủ, HLV)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

 

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm