Hôm nay, Zola ra mắt West Ham: Vật đổi sao dời

11/09/2008 11:27 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - 10 năm trước, khi Gianfranco Zola còn tung hoành ở Stamford Bridge, Premier League là một hình ảnh khác hẳn so với bây giờ.

Chuyện dâu bể

Vào mùa giải 1997-1998, Zola 32 tuổi, tuy không còn ở trong những năm tháng huy hoàng nhất trong màu áo xanh, nhưng tốc độ, kỹ thuật, sự thông minh và sắc sảo của anh vẫn đủ làm mê hoặc cả Stamford Bridge. Trong cái năm mà Arsenal giành ngôi vô địch Premier League đó, bóng đá Anh mới chỉ ở giai đoạn đầu tiên của thời kỳ toàn cầu hóa sẽ diễn ra vũ bão sau này.

Bóng đá xứ sương mù khi đó còn rất hồn nhiên và đầy chất thượng võ. Chelsea, với những Zola, Gustavo Poyet, Tore Andre Flo và Dan Petrescu, chơi thứ bóng đá vô tư đến mức nhiều khi bất cẩn, chứ không chặt chẽ và khó chịu như bây giờ, M.U đang ở thời kỳ đỉnh cao của bóng đá đẹp còn Arsenal, ngay trong mùa giải trọn vẹn đầu tiên của HLV Arsene Wenger, đã vô địch một cách thuyết phục với khoảng cách 11 điểm so với đội về nhì.
 
Zola (phải) sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức phía trước

Nhưng không chỉ có trên sân cỏ là khác biệt. Khái niệm về những ông chủ nước ngoài khi đó rất xa lạ với Premier League. Toàn bộ 20 đội bóng của giải Ngoại hạng đều nằm trong tay người Anh. M.U khi đó thuộc sở hữu chính của bộ đôi người Ireland John Patrick McManus và John Magnier, trong khi một người sinh ra ở Manchester, Martin Edwards. Tại Highbury, Peter Hill Wood, sinh tại chính London, thừa kế đội bóng từ người cha Denis Hill Wood làm chủ tịch Arsenal. Nhiệm kỳ của gia đình Hill Wood đã kéo dài tổng cộng 46 năm nay. Liverpool thì thuộc quyền sở hữu của David Moores, mà ông này lại có một người chú từng làm chủ tịch Everton. Tóm lại, bóng đá Anh khi đó hoàn toàn là của người Anh. Cuối cùng, Ken Bates khi đó đã gắn bó với Chelsea được 16 năm.

Còn giờ đây, mọi thứ đã đổi khác. Chỉ còn nhà Hill Wood cố gắng cầm cự ở Emirates, trước sự tấn công ghê gớm từ tỷ phú người Nga Alisher Usmanov, những chỗ khác trong phòng lãnh đạo của các đội bóng thuộc “bộ tứ” còn lại tràn ngập người nước ngoài. Những người Mỹ ở Anfield và Old Trafford, người Nga và rất nhiều người đủ các quốc tịch ở Stamford Bridge. Sau 10 năm, Zola lại trở về London, không cách nơi anh từng chơi bóng bao xa, nhưng mọi chuyện giờ đây đã thay đổi rất nhiều.

Những thử thách cho Gianfranco

Một trong những lý do khiến các ông chủ của West Ham lựa chọn cựu tiền đạo người Italia thay cho Alan Curbishley là hiểu biết của anh đối với bóng đá Anh. Tỷ phú người Iceland Bjorgolfur Gudmundsson và các cộng sự đánh giá rất cao phẩm chất này nơi Zola khi họ quyết định gạt bỏ Roberto Donadoni, một chiến lược gia kinh nghiệm hơn rất nhiều. Thế nhưng, những kiến thức 10 năm trước liệu có giúp gì cho Zola hay không khi mọi chuyện đã không còn như xưa?

Đó thực sự là bài toán hóc búa với cầu thủ từng được coi là một huyền thoại ở London. Sức ép của chiếc ghế HLV ở Premier League ngày nay ghê gớm hơn xưa rất nhiều. Một cơn bốc đồng hoặc những tính toán hậu trường đậm màu sắc chính trị, nhiều khi không quan tâm gì tới lợi ích của đội bóng và các CĐV, có thể dẫn tới quyết định sa thải bất cứ lúc nào. Không như những người Anh, các ông chủ ngoại có tính toán riêng đối với tài sản mà họ sở hữu. Họ luôn làm việc với tính toán chi ly, chứ không chỉ thuần túy vì tình yêu. Zola, còn chưa có bằng HLV của UEFA, vốn nổi tiếng bộc trực khi còn là cầu thủ, sẽ phải tìm cho mình cách thích nghi trong một điều kiện như vậy.

Lời hứa về thứ bóng đá hấp dẫn ở Upton Park, cũng là một trong những nguyên nhân giúp anh được lựa chọn, là một gánh nặng khác với Zola. West Ham có một đội hình không tệ, nhưng Premier League giờ đây khắc nghiệt hơn so với 10 năm trước rất nhiều, khi nó đã trở thành giải đấu được yêu thích nhất trên toàn thế giới và các tỷ phú đổ tiền vào đó một cách hầu như là vô tội vạ. Với lực lượng có trong tay, đội chủ sân Upton Park, dù do ai dẫn dắt, có thể chơi đẹp trước Stoke hay West Brom., nhưng còn lâu mới có thể ăn miếng trả miếng sòng phẳng trước M.U hay Chelsea. Trong khi cần những kết quả tốt để tiếp tục được làm việc, lối chơi đẹp kèm theo sẽ là hết sức mạo hiểm.

Không ai có thể phủ nhận rằng Zola là một trong những cầu thủ mang lại nhiều cảm xúc nhất ở Premier League, nhưng trên băng ghế huấn luyện, ở thời đại các đội bóng Anh đang lần lượt bị đem bán, là chuyện hoàn toàn khác.

Hải Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm