15/03/2022 14:20 GMT+7 | Thể thao
(giaidauscholar.com) - Thất bại 2-6, 6-4, 6-7 (2) trước Tommy Paul ở vòng hai BNP Paribas Open 2022 là nỗi thất vọng mới nhất của Alexander Zverev, sau những gì đã xảy ra ở Acapulco, Mexico, hồi tháng trước.
Sự cố đó diễn ra ở nội dung đôi nam Acapulco Open hồi tháng trước, khi Zverev đánh cặp với tay vợt Brazil Marcelo Melo. Sau thất bại 2-6, 6-4, 6-10 trước cặp Lloyd Glasspool/Harri Heliovaara, Zverev như nổi điên khi liên tiếp đập vợt vào ghế trọng tài, thậm chí suýt vụt vào chân trọng tài Alessandro Germani.
Trả giá vì phi thể thao
Vì hành vi phi thể thao ấy, Zverev bị truất quyền thi đấu, phạt 40.000 USD, cắt tiền thưởng 31.000 USD và điểm thưởng ở hai nội dung đơn và đôi ở Acapulco. Thậm chí, nếu tái phạm, tay vợt người Đức sẽ bị cấm thi đấu 8 tuần và bị phạt thêm 25.000 USD. "Hành vi của Zverev là ví dụ nghiêm trọng nhất về việc đe dọa trọng tài mà tôi từng chứng kiến trong nhiều thập kỷ làm việc với quần vợt chuyên nghiệp nam", ông Richard Ings, cựu phó chủ tịch điều hành về các quy tắc và giải đấu của ATP Tour, nhận định.
Có thể nhiều môn thể thao khác sẽ không đưa ra án phạt nghiêm khắc như vậy khi một VĐV đe dọa trọng tài, nhưng quần vợt thì khác. Quần vợt không chỉ áp dụng án phạt cho các tay vợt ở việc cá độ hay dùng doping mà còn những lỗi hành vi đối đầu và đe dọa trọng tài nữa. Trước Zverev, Daniil Medvedev và Denis Shapovalov cũng từng tỏ thái độ bực bội ở Australian Open, dù mức độ phản ứng không gay gắt và nóng nảy như Zverev ở Acapulco. Ở thời đại mà công nghệ đã can thiệp rất nhiều vào các quyết định, căng thẳng giữa trọng tài và các tay vợt lẽ ra phải hạ nhiệt, nhưng trường hợp của Zverev thì ngược lại.
"Án treo giò là một công cụ tốt, nhất là với một tay vợt có lịch sử tốt về ứng xử. Trong trường hợp này, hành vi đó là sai trái, và đã vượt khỏi ranh giới. Là tôi, tôi sẽ treo vợt ngay 4 tuần", Ings quả quyết. Trong khi đó, phó chủ tịch về quy tắc và giải đấu của ATP hiện tại là Miro Bratoev thì không đưa ra lời giải thích cụ thể nào. Ông mới nhận chức năm 2022 và còn có xu hướng khoan hồng trong các quyết định của mình.
Đừng như Nick Kyrgios
Zverev đã từng đập gãy rất nhiều cây vợt, nhưng thực tế thì trước sự cố Acapulco, anh vẫn chưa mắc một lỗi lầm đáng kể nào. Còn nghi án Zverev bạo hành với bạn gái cũ Olga Sharypova thì vẫn đang được điều tra, và thật ra, không có vai trò gì trong án phạt vừa được đưa ra.
Lời xin lỗi của Zverev sau sự cố Acapulco cũng rất sâu sắc. “Thật khó để diễn tả bằng lời rằng tôi hối hận về hành vi của mình như thế nào trong và sau trận đấu đôi ngày hôm qua”, tay vợt người Đức viết trên mạng xã hội. "Tôi đã gửi lời xin lỗi riêng đến trọng tài chính vì hành động bộc phát của tôi đối với ông ấy là sai trái và không thể chấp nhận được". Nhưng điều người ta quan tâm bây giờ là Zverev sẽ sửa sai như thế nào, và anh sẽ phải tập trung hơn vào sự nghiệp, thay vì sa đà vào những rắc rối ngoài sân quần.
Zverev đã trải qua một năm 2021 thành công với 6 danh hiệu, trong đó có chức vô địch ATP Finals và tấm huy vàng Olympic Tokyo – giải đấu mà anh đã chấm dứt giấc mơ Golden Slam của Djokovic bằng chiến thắng ở bán kết. Lẽ ra, những thành công ấy phải là nền tảng để Zverev vươn lên một tầm cao mới bằng chức vô địch Grand Slam, như Medvedev đã làm được. Nhưng đáng tiếc, sự nghiệp của tay vợt từng được gọi là “hoàng tử ATP” đã bị ngắt quãng bởi những rắc rối đời tư, và thành tích tốt nhất ở Grand Slam của anh vẫn chỉ là về nhì tại US Open 2020 (thua Dominic Thiem).
Trong 5 Grand Slam kể từ ngày đó, Zverev chỉ cùng lắm là vào đến bán kết (Roland Garros và US Open 2021). Tại Australian Open vừa qua, anh bị Denis Shapovalov loại từ vòng 4. Từ đầu năm, Zverev đã dự 4 giải đấu, nhưng chưa giành được danh hiệu nào. Tất nhiên, còn quá sớm để khẳng định Zverev sẽ đi vào vết xe đổ của Nick Kyrgios, song những gì diễn ra thời gian qua như một lời cảnh báo cần thiết, để Zverev nhìn lại chính mình.
Hồ sơ: Các tay vợt bị phạt thế nào? Trong quá khứ, người tiền nhiệm của Bratoev là Gayle David cũng chỉ phạt án treo với Nick Kyrgios hồi năm 2019 khi tay vợt người Úc chửi mắng trọng tài Fergus Murphy và còn nhổ nước bọt về phía ông. Đáng chú ý, Kyrgios từng bị phạt cấm thi đấu 8 tuần (sau đó giảm xuống còn 3 tuần khi Kyrgios đồng ý gặp bác sĩ tâm lý thể thao) vì thi đấu thiếu nỗ lực ở Thượng Hải Masters 2016. Một số tay vợt hàng đầu khác cũng từng phản ứng với trọng tài, nhưng không bị treo vợt. Karolina Pliskova từng đập vợt vào ghế trọng tài sau khi thua Maria Sakkari ở Roma năm 2018, nhưng chỉ bị phạt vài nghìn USD. Medvedev, tay vợt số một thế giới hiện tại, từng hai lần đập vợt vào ghế trọng tài ở ATP Cup 2020, nhưng chỉ bị bị phạt và trừ 1 điểm, chứ không bị treo vợt. Đúng là cả Pliskova và Medvedev đều đáng bị phạt nặng hơn, song thật ra, cả hai đều không thể hiện mức độ giận dữ như sắp đánh trọng tài mà Zverev đã thể hiện. |
Phương Chi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất