Derby Milan: Trái tim Milan

02/04/2011 06:09 GMT+7 | Italy

(TT&VH Cuối tuần) - Những câu chuyện derby của Milan, thành phố phồn hoa nhất Italia, bao giờ cũng hấp dẫn và tạo nên những cảm xúc choáng ngợp về quy mô cũng như lịch sử lâu đời của nó. Các nhà nghiên cứu Calcio, trong khi coi đây là một trong những trận derby hay nhất thế giới, cũng mô tả, derby là một phần cuộc sống Milan.

Milan-Inter, một trong những trận derby hay nhất thế giới-Ảnh Getty

Những chiếc xe điện cũ kỹ, những con phố nhỏ, bầu trời xám xịt mùa Đông... Thật khó có thể tưởng tượng được những trận derby đầu tiên ấy đã diễn ra thế nào. Nhưng những trang hồi ức còn lại viết rằng, ngày đó, các cầu thủ vẫn để những bộ ria rậm và đến sân đấu bằng xe điện với bánh mì trong tay, những bà mẹ còn cho con bú nhưng tò mò muốn xem “bóng đá” là gì, không khí chiến tranh còn lẩn khuất đâu đó. Có một trận derby diễn ra trên “sân ở phố Bronzetti”, nay là một con phố ở trung tâm Milan, đông đúc đến mức không thể dắt nổi một con chó đi qua. Sân đấu ở nhiều trận khác không còn tồn tại nữa.

Những con tàu điện là mối liên hệ ít ỏi còn sót lại giữa quá khứ và hiện tại, nối những năm tháng thành phố vẫn còn những khu vườn giữa phố, những dinh thự to đùng của các gia đình giàu có, những nhà máy và bảo tàng. Hãy tưởng tượng rằng, trên sóng của Sky Italia, với giọng bình luận của Fabio Caressa, một trận derby trên cái sân cũ kỹ Arena có Meazza thi đấu (người ta bảo rằng, ông chơi còn hay hơn cả Rivera lẫn Mazzola cộng lại). Quá khứ đã lùi quá xa, và vì không có những hình ảnh của ngày ấy, không có truyền hình hay quay chậm, không ai biết Meazza đã chơi hay thế nào. Đối với những người Milan hiện tại, derby là những gì đang sống và trận derby của họ bắt đầu từ mẫu giáo, khi một cậu bạn hoặc một cô bạn hét to vào tai rằng “cậu ủng hộ Inter hay Milan?”, và câu trả lời đánh dấu một sự gắn bó sẽ đi theo suốt cả cuộc đời. So với Roma - Lazio, Milan - Inter có sức nặng hơn nhiều về hình ảnh, tính lịch sử và bề dày truyền thống. Bởi một lẽ đơn giản, so với Roma, Milan hiện đại hơn, năng động hơn và “tiền bạc” hơn.

Những lá cờ của Milan và Inter vào những ngày derby tràn ngập trên các con phố, trên những cửa sổ ngôi nhà, những tàu điện và xe bus hướng đến San Siro. Nhiều người đã trải mỗi năm hai trận derby thành phố bảo rằng, cuộc đời của họ được đếm bằng số lượt derby trong năm, và mỗi lần vác trên vai lá cờ của một trong hai đội bóng là sẽ tự hào thấy mình là một người Milan chính gốc. San Siro có ba tầng, và những tifosi có vé rẻ nhất bao giờ cũng lên khán đài bằng những con đường dốc xoáy ốc ở 4 góc. Không ai chóng mặt khi đi lên cũng như đi xuống từ những con đường đó, bởi trong lòng họ đã lâng lâng một cảm giác khó tả đến tức ngực vì khói pháo, vì những tiếng hò hét và không khí derby. Thế nào là tifosi cho derby? Lịch sử derby nói rằng, “Interismo” (chủ nghĩa Inter) lan tỏa chủ yếu ở những khu nhà giàu trung tâm, “Milanismo” (chủ nghĩa Milan) xuất hiện từ các khu bình dân. Tiếng lóng dành cho interisti là “bauscia”, chỉ đội bóng thuộc cánh hữu, “casciavit” cho milanista, để chỉ lớp bình dân cánh tả. Qua tháng năm, sự phân biệt ấy cũng đã nhạt nhòa.

Sự xuất hiện của Berlusconi 1/4 thế kỷ trước đã làm thay đổi đáng kể hình ảnh của Calcio và bản chất các trận derby. “Milanismo” dường như đang trở thành một xu hướng chủ đạo khi tìm cách chế ngự tất cả không chỉ bằng những danh hiệu Milan đã đạt được, mà còn ở cách sử dụng tuyên truyền để khuếch trương hình ảnh. “Interismo” nhanh chóng mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong giới nghệ sĩ, trí thức và những người dân theo xu hướng tân cổ điển (radical chic), những người mới ngoi lên trong xã hội và dùng sự đối lập về bóng đá để thể hiện những trào lưu chính trị mới mẻ. Bản thân 2 vị chủ tịch tỷ phú của 2 đội là hình ảnh phản chiếu phong cách sống, tư duy chính trị và cách tiếp cận bóng đá đối nghịch.

Moratti bận rộn trong những cuộc đấu tranh xã hội theo đúng truyền thống của gia đình. Vợ ông là một nhà môi trường, người khuyến khích tất cả bỏ ô tô để đi xe đạp và tàu điện trong phố, người tiến hành nhiều chiến dịch từ thiện và nhân đạo cho thế giới thứ ba (cái tên “Internazionale” nghĩa là quốc tế của Inter, chẳng lẽ không gợi lên điều gì?). Berlusconi, người đại diện cho tầng lớp bảo thủ, coi đồng tiền và quyền lực là trên hết, luôn chỉ muốn làm số 1 và coi hình ảnh sáng chói của mình làm tấm gương cho tất cả những ai muốn vươn lên trong xã hội. Với Moratti, Milan là Marseille của cánh thợ thuyền. Với Berlusconi, Milan là New York có phố Wall.

May mắn thay, những xu hướng chính trị không làm hỏng hắn ý nghĩa của việc cổ vũ cho Milan hay Inter. Vì bóng đá có thể xóa mờ mọi ranh giới chính trị, một khi nó đang làm vẩn đục ý nghĩa chân thật nhất của Calcio nguyên thủy, khi chính giới đã và đang lợi dụng bóng đá như một công cụ kiếm tìm cử tri. Sự chỉ lối đưa đường của các ông chủ trong cuộc chiến giữa các trào lưu chính trị không tác động hoàn toàn lên cả giới tifosi. Giống như ở Roma, nhiều người cánh tả cổ vũ cho Lazio bị coi là đội bóng phát xít, có nhiều “bosin” (giới nhà nghèo) ủng hộ Inter, “boghesini” (nhà giàu) đứng về phía Milan, những người Cộng sản yêu mến Gullit và Van Basten, những người ủng hộ Berlusconi thích Milito. Sự thật là niềm vui của những “milanista” cánh tả cũng chính là niềm sung sướng của nhà lãnh tụ cánh hữu Berlusconi, là một chủ nghĩa Inter bình dân rất khó có thể cảm thấy nhưng vẫn ẩn hiện đâu đó ở Milan đang lan tỏa trong giới nghệ sĩ, khi với họ, chống lại Berlusconi không đồng nghĩa với việc ghét bỏ Milan. Trong trái tim của thành phố, sự căm hận trong các “interista” và “milanista” truyền thống không tồn tại, dù họ luôn mỉa mai và trêu chọc đối thủ mỗi khi có cơ hội. Ngay cả sự ra đời của các nhóm ultra trong giới tifosi, tiêu biểu cho sự thoái hóa trong xã hội Italia, cũng không biến các trận derby thành một biển lửa căm hận, và trừ những quả pháo đã ném trúng Dida trong trận derby Champions League thất bại năm 2005, Inter - Moratti luôn là biểu tượng của tinh thần “fair play” với Milan - Berlusconi.

Bây giờ, những cuộc tranh cãi nảy lửa về derby trong các bar và siêu thị vẫn diễn ra hệt như ngày xưa các tifosi đã từng, khi bóng đá chưa thành một nền công nghiệp như hiện tại. Milan của thế kỷ 21 không còn nhiều điều để tự hào như trước, nhưng trận derby là “của Milan”, là trận đấu của 2 nửa thành phố, tranh đấu nhưng không thù địch. Không còn cảnh vô tình ta ngồi ở San Siro và phát hiện ra người ngồi cạnh là “interista” hay “milanista” khi người đó ăn mừng hoặc ngồi im thin thít và mặt thừ ra nữa. Các khán đài đã phân chia tất cả các nhóm tifosi vì e ngại bạo lực. Nhưng may mắn thay, Milan vẫn cảm thấy sự tồn tại mạnh mẽ của 2 đội bóng, 2 văn hóa cổ vũ, 2 trào lưu chính trị. Vì một niềm đam mê bất tận.


Thư Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm