Khi Milan thành “sân sau” của Genoa

14/08/2010 19:10 GMT+7 | Italy

(TTV&VH Cuối tuần) - Không chỉ chắt chiu trên thị trường chuyển nhượng và chưa thể có một tân binh đáng giá nào để xoa dịu mối hoài nghi nơi các tifosi, Milan còn cho thấy một thực trạng đáng xấu hổ: Họ tự biến mình thành “sân sau” của Genoa trong thời gian gần đây.


MIlan già nua đang có nhiều vấn đề trước mùa giải mới - Ảnh: AP
Milan đang liên tiếp thua lỗ và rơi vào tình trạng nợ chồng nợ, điều đó là không thể phủ nhận. Những năm không danh hiệu và thậm chí thi đấu như một đội bóng trung bình, đã đẩy Milan vào tình thế hết sức khó khăn, nhất là vấn đề tài chính. Việc buộc phải bán Kaka cách đây một năm (chiêu bài cao tay của Berlusconi, thu về số tiền lớn với một cầu thủ chấn thương triền miên) cho Real cũng không thể cứu vãn tình hình. Đội bóng 17 lần VĐ Serie A không có tiền để tăng cường tân binh, trong khi đội ngũ kế cận thiếu chất lượng.

Nhưng phải đến mùa Hè năm nay những khó khăn về tài chính của Milan mới bộc lộ rõ nét nhất, thông qua việc đội bóng này tham dự vào thị trường chuyển nhượng. Kể từ đầu Hè, Milan mới chỉ bán (nhưng thực tế thu về không nhiều) mà chưa phải bỏ tiền ra cho bất kỳ một tân binh nào. Điều đáng nói hơn cả là Milan, giờ đây hệt như một đội bóng nhà nghèo, không thể tự chủ trong việc mua bán. Trong kế hoạch tăng cường lực lượng, bộ đôi Berlusconi - Galliani, những người nắm quyền lực cao nhất ở San Siro, đang phải phụ thuộc vào Genoa.

Điều này có vẻ nghịch lý, vì người ta chỉ có thể nghĩ Genoa là “sân sau” của Milan và đón nhận “hàng thải” từ Rossoneri, chứ không thể có điều ngược lại. Thế nhưng, đây là thực tế không thể chối bỏ. Trong số 3 tân binh mà Milan mang về trước thềm mùa giải mới, ngoại trừ hợp đồng với Yepes được thực hiện từ khi mùa giải trước chưa kết thúc, thủ môn Amelia và Sokratis đều đến từ Genoa, theo dạng cho mượn hoặc trao đổi cầu thủ trẻ.

Đây đều là hai cầu thủ nằm trong diện thanh lý của đội bóng thành phố cảng Genova, nhằm lấy chỗ cho những người được đánh giá cao hơn, gồm thủ môn Eduardo (Bồ Đào Nha) và hậu vệ Rafinha (Brazil). Vì vậy, các tifosi Milan không thực sự hào hứng với những tân binh của mình. Dù Amelia đã chơi khá tốt ở trận giao hữu với Panathinaikos (Milan thắng 5-3 từ loạt sút luân lưu), nhưng cựu thủ môn Livorno này khó xóa được tiếng là “hàng thải”. Trong khi đó, ấn tượng của Sokratis gần như là không có.
Tuy nhiên, mọi chuyện không dừng lại ở Amelia và Sokratis. Hiện tại, Milan còn hai mục tiêu khác cần đến sự trợ giúp của Genoa. Thứ nhất, HLV Allegri rất muốn có hậu vệ trẻ Bocchetti (đá trái lẫn trung vệ), nên đang đề xuất kế hoạch trao đổi. Nếu Milan có Bocchetti, Genoa sẽ được bù đắp bằng lão tướng Jankulovski. Thứ hai, Milan đang thèm khát một tiền vệ để tăng thêm sức mạnh cho khu trung tuyến, và chỉ Genoa là đội có thể giúp họ. Cụ thể, Milan muốn nhờ Genoa mua Kevin-Prince Boateng với giá 5,7 triệu euro (cộng thêm Vanden Borre), trước khi mang tiền vệ người Ghana về San Siro.

Rõ ràng, đây không phải hình ảnh của một Milan từng làm mưa làm gió trên thị trường chuyển nhượng, và không hề e ngại các đối thủ nào một khi đã nhắm đến những mục tiêu cụ thể. Thật khó có thể hình dung ngay đến một tiền vệ mới nổi và có giá trị không cao như Boateng mà Milan cũng không thể tự mình giải quyết, để rồi phải cậy nhờ đến Genoa. Vấn đề giờ đây không còn là chuyện tiền bạc, mà là niềm tin nơi các tifosi đang sứt mẻ trước cách làm của CLB.

Phải chăng Milan đã túng đến độ tự biến mình thành “sân sau” của Genoa để có thể “sống” trong mùa giải mới, hay bộ đôi Berlusconi - Galliani đang tập trung toàn bộ thời gian lẫn tiền bạc để thực hiện một phi vụ bất ngờ? Có lẽ khả năng thứ 2 khó xảy ra.

Ngọc Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm