10 điều gây bực tức trong bóng đá hiện đại

30/03/2025 18:59 GMT+7 | Bóng đá Quốc tế

Bóng đá là một thế giới rộng lớn, nơi mọi ý kiến đều có chỗ đứng. Theo nhật báo Anh The Telegraph, dưới đây là 10 điều gây bực mình nhất trong bóng đá.

1. VAR: Không gì phá hỏng bóng đá hơn VAR. Khoảnh khắc cảm xúc bùng nổ nhất của môn thể thao này - bàn thắng - giờ đây luôn bị đặt vào chế độ chờ. Mỗi khi có đội bóng ghi bàn, cầu thủ không dám ăn mừng ngay, vì biết đâu VAR sẽ tước bàn thắng một cách vô lý. Những màn vỡ òa cảm xúc đã bị phá hủy bởi những pha quay chậm và những trọng tài ngồi trong phòng điều khiển.

2. Giả vờ chấn thương

Những pha ăn vạ đã xuất hiện từ lâu, nhưng giờ đây, cầu thủ còn "kịch tính hóa" chấn thương để câu giờ. Chỉ cần một pha va chạm nhẹ, cầu thủ ngã lăn ra như thể gãy chân, buộc trọng tài phải dừng trận đấu. Nhưng sau khi đồng đội đến hỏi thăm, phép màu xảy ra, anh ta lại đứng dậy mà không cần bác sĩ vào sân.

3. Văn hóa cổ động viên độc hại

Ngày nay, cổ động viên bóng đá xem trận đấu chủ yếu qua Tivi và mạng xã hội, nơi mọi thứ đều trở nên cực đoan. Trên mạng xã hội luôn xuất hiện những cuộc công kích không hồi kết, đầy mệt mỏi. Tất cả đều trở nên quá mức nghiêm trọng.

4. Âm nhạc trên sân vận động

Không có gì phá vỡ sự kết nối giữa cổ động viên và CLB hơn là tiếng nhạc inh ỏi trước và sau trận đấu. Khoảnh khắc đội bóng giành danh hiệu là một trải nghiệm cả đời, không phải lúc để nghe Sweet Caroline. Khi Leicester vô địch Premier League năm 2016, toàn sân vang lên tiếng hò reo của người hâm mộ, như vậy mới đúng.

Câu chuyện thể thao: 10 điều gây bực tức trong bóng đá hiện đại - Ảnh 1.

VAR khiến các cầu thủ không thể ăn mừng bàn thắng đầy cảm xúc nữa

5. Bình luận viên nhạt nhẽo

Bóng đá đang ở thời kỳ hoàng kim về phân tích chiến thuật, nhưng điều đó chỉ càng làm lộ rõ sự kém cỏi của một số bình luận viên cũ kỹ. Những câu nói rập khuôn như "Anh ấy sẽ thất vọng với tình huống này", "Không thể để thủng lưới ở góc gần", "Bàn thắng thay đổi cục diện trận đấu"… nghe thật nhàm chán. Nếu là một cựu cầu thủ, ít nhất cũng nên có những phân tích sâu sắc hơn, thay vì lặp lại những câu sáo rỗng.

6. Trọng tài quá tỉ mỉ

Bóng đá thu hút người xem vì sự trôi chảy, đơn giản và dễ hiểu. Nhưng bây giờ, nhiều trọng tài thổi còi liên tục như một DJ tại lễ hội EDM. Có thời điểm, Premier League từng khuyến khích trọng tài "chỉ thổi phạt khi có lỗi nghiêm trọng". Nhưng giờ đây, những pha bóng đầy hứa hẹn lại bị cắt vụn bởi những trọng tài thích thể hiện.

7. Giờ thi đấu lộn xộn

Lịch thi đấu cứ rối tung cả lên! Bạn nghĩ mình đã quen với khung giờ quen thuộc: 12h30 thứ Bảy, 3h chiều, 5h30, rồi Chủ nhật 2h chiều, 4h30 chiều (giờ Anh)... Nhưng không. Tự nhiên có những trận đấu vào lúc 8h15 tối giữa tuần, hoặc một số trận Europa League lại đá vào giờ ăn tối.

8. Quy tắc lợi nhuận và tính bền vững

Nếu cổ động viên ủng hộ một câu lạc bộ muốn chi tiêu mạnh mẽ nhưng bị giới hạn bởi những quy định tài chính, thì đây đúng là ác mộng. Nó buộc người hâm mộ phải tìm hiểu những khái niệm như "tỷ lệ chi phí đội hình", "neo từ trên xuống", và "khấu hao hợp đồng", những thứ vốn dĩ chỉ nên dành cho các kế toán viên.

9. Ghế dự bị quá tải

Ngày xưa, một đội chỉ có 3 cầu thủ dự bị đã là xa xỉ. Nhưng theo thời gian, bóng đá ngày càng đòi hỏi "nhiều hơn".

Năm 1996, Premier League cho phép mỗi đội đăng ký 5 cầu thủ dự bị. Giờ đây, con số đã tăng lên 9, với 5 lần thay người được phép trong trận. Điều này không chỉ làm trận đấu gián đoạn mà còn tạo lợi thế lớn cho các CLB giàu có sở hữu đội hình dày dặn hơn.

10. Những đôi tất kỳ quặc

Khách quan mà nói, đây không phải vấn đề quan trọng, nhưng vẫn vô cùng khó chịu. Ngày nay, hầu hết các cầu thủ bóng đá đều mang những đôi tất bị cắt xén, phần chân bị cắt bỏ để giúp họ bám chặt vào giày hơn – ít nhất là theo lý thuyết.

Nhiều người còn cắt (hoặc nhờ trợ lý cắt) những lỗ trên mặt sau của tất để "giải phóng" đôi bắp chân to lớn và quý giá của họ. Điều này gây bức xúc. Hầu hết cầu thủ chỉ làm vậy vì vài người nổi tiếng đã khởi xướng trào lưu này.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm