100 năm ngày sinh Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh: Nhớ 'Những việc cần làm ngay' của đồng chí N.V.L

24/06/2015 07:26 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Hướng tới dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 - 1/7/2015), báo Thể thao & Văn hóa Cuối tuần đã ngược dòng lịch sử cùng nhà báo Hữu Thọ để cùng hồi tưởng lại những năm tháng đổi mới đầy khí thế, đặt nền móng cho nhiều thành tựu ngày nay.

Đảm nhiệm cương vị Tổng bí thư vào thời điểm bước ngoặt của đất nước, năm 1986 khởi đầu thời kỳ đổi mới, khi tuổi đã ngoài 70, đồng chí Nguyễn Văn Linh để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử đất nước. Trong đó có dấu ấn đặc biệt với đời sống báo chí và văn nghệ nước nhà.

Trao đổi với Thể thao & Văn hóa Cuối tuần, nhà báo Hữu Thọ, đặc phái viên báo Nhân dân bên cạnh Tổng bí thư khẳng định: Vai trò của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh chính là triển khai đường lối đổi mới trong 5 năm đầu sau Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI. Bối cảnh đất nước khi ấy thực sự vô vàn khó khăn.

Nhà báo Hữu Thọ nhấn mạnh, trước khi nói đến văn hóa văn nghệ, chúng ta cần nhớ rằng khi đó chúng ta thay đổi mô hình tăng trưởng, giải ngũ quân đội… Bối cảnh đất nước tác động đến mọi mặt đời sống, phải là người quyết đáp mới có thể làm việc này.

Dư luận vẫn nhắc về loạt bài Những việc cần làm ngay của Tổng bí thư ra đời trong bối cảnh đó. Nhà báo Hữu Thọ kể lại: “Tối 24/5/1987 là phiên tôi trực Ban biên tập. Đồng chí thường trực cơ quan đưa vào một phong thư, nói là của một người đứng tuổi, đi ô-tô Lada màu sữa.

Phong thư của Văn phòng Trung ương Đảng có thư và một bài báo viết tay. Bức thư ký tên Nguyễn Văn Linh, nói rõ “gửi một bài báo, nếu Ban biên tập thấy được thì đăng”. Bài báo có đầu đề Những việc cần làm ngay, ký tên N.V.L.

Khởi đầu công cuộc đổi mới trong muôn vàn “Những việc cần làm ngay”, dư luận còn nhắc tới sự đổi mới liên quan đến đời sống văn hóa đất nước.

***

Phóng viên Thể thao & Văn hóa Cuối tuần đã tìm lại trang nhất và trang 2 báo Văn nghệ, số 42 (17/10/1987) tường thuật cuộc gặp gỡ của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với gần 100 văn nghệ sĩ trong hai ngày 6 và 7/10/1987 với dòng title: Hai ngày đáng ghi nhớ mãi. Trang 3 đăng tải nguyên văn bài nói chuyện của Tổng bí thư với các văn nghệ sĩ.

Tham dự cuộc gặp là những tên tuổi gắn liền với những công trình sáng tạo văn hóa nghệ thuật, gắn liền với những vấn đề lớn, nóng bỏng của đất nước, của thời đại.

Hai ngày làm việc, tổng cộng khoảng gần 15 tiếng đồng hồ, thì sau vài lời giới thiệu, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh chỉ nói mấy lời mở đầu trong chừng 5 phút và phát biểu đúng 50 phút trước khi kết thúc cuộc họp. Thời gian còn lại, Tổng bí thư chăm chú lắng nghe ý kiến của anh chị em.

Sự chờ đợi của mọi người tập trung vào những lời phát biểu kết thúc của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Ông nói: “Trong kháng chiến, chống lại bọn địch, bọn “sọc dưa” hèn nhát thì chả ai cấm, chả ai bắt tội. Khen ai, ca ngợi ai lúc đó cũng rõ ràng: Chiến sĩ anh hùng, nhân dân anh hùng.

Ngày nay khen chê như thế là rất khó. Cái xấu cái tiêu cực lại nằm ngay trong nội bộ nhân dân, trong những kẻ có chức có quyền, trong bộ máy của Đảng, của Nhà nước… Ranh giới giữa cái đúng và cái không đúng nhiều khi không rõ ràng.

Tổng bí thư nói: “Tôi không phải là nhà văn nghệ, nhà báo nhưng “ngứa ngáy” quá nên vừa rồi mới viết “Những việc cần làm ngay”… Tôi nghĩ, cần phải đẩy lùi bóng tối như làm ruộng phải nhổ cỏ cho lúa có sức mọc lên”.

Tổng bí thư nhấn mạnh, phải làm theo câu thơ của Bác Hồ: Ở trong thơ cần có thép. Phải dũng cảm. Đồng chí nói: “Đừng chùn bước. Lịch sử sẽ chứng minh cho mình. Phải nắm vững trường phái tả chân xã hội chủ nghĩa. Văn nghệ phải nói lên sự thật, dù là sự thật phũ phàng, nhưng mà có thật. Nếu như còn bị trói thì thà đừng viết, chưa viết. Hãy đi vào trong thực tế quần chúng đã. Cởi trói được rồi hãy viết, chứ đừng uốn cong ngòi bút của mình, đừng uốn cong tư duy, tình cảm của mình. Đừng viết cho “hợp thời”. Làm thế tức là vứt bỏ hết chất cách mạng của mình rồi…

Tổng bí thư kết lại: Cuộc chiến đấu còn phức tạp, lâu dài và quyết liệt. Chính vì vậy mà lời chúc của đồng chí với anh chị em là: “Tôi chúc các đồng chí mạnh khỏe, kiên trì và dũng cảm”. Báo Văn nghệ nhận định: “Lời chúc, mà cũng là một lời kêu gọi lớn”.

***

Theo nhà báo Hữu Thọ: “Trong chiến tranh do bí mật và do yêu cầu tất cả để chiến thắng nên nhiều đề tài bị hạn chế, những tiêu cực ít được nhắc đến. Ngay chúng tôi đi làm phóng sự biết rõ những tiêu cực cũng không dám nói vì không để phân tâm ở hậu phương lớn.

Ngày nay, chúng ta phát huy tự do sáng tạo cho văn nghệ sĩ nhưng lại phải nhớ rằng sáng tạo nghệ sĩ phải gắn liền với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Từ câu chuyện về Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, tôi xin chia sẻ một điều nhỏ thôi, giải trí là một nhu cầu không thể thiếu được, nhưng tất cả hoạt động văn nghệ mà chủ yếu phục vụ cho ngành giải trí thì rất nguy hiểm. Để nâng cao tâm hồn của chúng ta thì không thể chỉ có giải trí”.

“Chia sẻ nhỏ” này của nhà báo lão thành cũng đáng để các văn nghệ sĩ hiện nay suy ngẫm. Cái sự thiên về giải trí ấy liệu có khiến “thành tựu văn học nghệ thuật của chúng ta nghèo hơn trước”?


Gia Nguyễn
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm