Màu da cam có thắm trở lại?

19/06/2010 07:03 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH Cuối tuần) - Hà Lan và Nhật Bản là 2 tín đồ cuồng nhiệt của bóng đá tấn công, đặc biệt là thứ bóng đá tấn công “đánh” mạnh vào thị giác. Thế nhưng trong dòng chảy đậm chất thực dụng ở World Cup lần này, họ cũng phải thích ứng để tìm chiến thắng trong loạt trận ra quân.

Rất nhiều người đã thất vọng với cách Hà Lan tỏ ra bất lực trước hệ thống phòng ngự chặt chẽ của Đan Mạch, và chỉ có thể khai thông thế bế tắc sau 1 bàn thắng may mắn, trong khi Nhật Bản đã từ bỏ lối chơi kiểm soát bóng và đan bật nhỏ để tạo ra một tuyến phòng ngự vững vàng hơn trước Cameroon: Trong 90 phút, họ chỉ sút đúng 3 quả về phía khung thành của “Sư tử bất khuất”, và một trong số đó đã chuyển hóa thành bàn thắng, do công của Keisuke Honda.
Sự bế tắc của hàng công đã chơi cực hay trong các trận giao hữu khởi động của Hà Lan cho thấy họ “nhớ” Robben đến nhường nào: Van der Vaart và Sneijder cung cấp được chất sáng tạo, nhưng không đủ tốc độ và sự lắt léo để đột phá tạo khoảng trống khi cần thiết. Sự khác biệt thể hiện rất rõ khi Elia, một cầu thủ có khả năng đi bóng khá tốt, vào sân: Anh nhiều lần vượt qua được các hậu vệ xoay xở chậm chạp của Đan Mạch, và chính từ một tình huống có khoảng trống, Elia đã tận dụng tốc độ băng xuống dứt điểm đập cột dội ra cho Dirk Kuyt đá bồi ghi bàn thứ 2.

Chính sự thận trọng của Hà Lan, với bộ đôi hậu vệ biên không thường xuyên dâng cao cũng khiến thế công của họ kém đi tốc độ, và hình ảnh một cơn lốc hủy diệt trong loạt trận giao hữu đã không xuất hiện. Trong khi đó, Nhật Bản cũng không thể hiện một “đặc sản” trong lối chơi của họ trong trận gặp Cameroon: Khả năng kiểm soát bóng, mà nhường thế trận cho đối phương và triển khai một lối chơi giàu tính kỷ luật và khá thực dụng, điều không thường thấy ở họ.

Thế nên một điều rất đáng băn khoăn ở đây là cả 2 sẽ chơi như thế nào khi chạm trán nhau. Trên lý thuyết, đây có thể là một trận đấu giàu cảm xúc giữa 2 đội bóng có truyền thống tấn công. Thế nhưng ở một giải đấu mà đến Brazil cũng chuyển sang chơi thực dụng, các CĐV cũng chẳng nên kỳ vọng quá nhiều, sau khi đã từng thất vọng trước màn trình diễn của Bồ Đào Nha - Bờ Biển Ngà, hay sự thụt lùi thảm hại về số lượng bàn thắng trung bình nói chung của giải đấu năm nay.

Nói cách khác, bản sắc của những đội bóng chơi tấn công đã có phần nhạt nhòa trong xu thế phòng ngự chung của giải đấu. Nếu người ta có thể “thông cảm” cho Nhật Bản vì tiềm lực hạn chế của họ, thì diện mạo thận trọng của Hà Lan không phải là những gì các CĐV chờ đợi ở quê hương của bóng đá tổng lực, nơi sở hữu quá nhiều cá nhân tấn công xuất sắc.

Thế nhưng dù sở hữu trong tay nhiều cầu thủ kiệt xuất, người Hà Lan chưa bao giờ lên ngôi ở Cúp thế giới, trong khi Nhật Bản dù chơi đẹp, nhưng cũng tự gắn mình với hình ảnh một đội bóng khá mong manh. Và những nghịch lý ấy là lý do chính đáng để cả 2 tự làm nhạt đi một phần bản sắc của mình, khi chiến thắng là mục tiêu tối thượng?

Ban Cầm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm