13/08/2013 09:45 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Hôm 11/8, Juventus đã đá trận giao hữu cuối cùng ở kỳ tập huấn tiền mùa giải mà không có tên Fernando Llorente trong đội hình. Đó là dấu hiệu cho thấy anh chắc chắn sẽ ngồi ngoài trận tranh Siêu Cúp Italia gặp Lazio cuối tuần này.
Nói là giao hữu nhưng thực chất chỉ là một trận đá tập nội bộ khi Juventus (gọi là đội A) gặp đội Juventus trẻ (đội B). Tính chất chuyên môn hiển nhiên là không đáng kể bởi sự chênh lệch trình độ rất lớn, HLV Antonio Conte xem ra chỉ sử dụng trận này để kiểm tra thái độ thi đấu của các học trò, những người ít nhiều có biểu hiện tự mãn và thiếu nghiêm túc trong tập huấn. Llorente thậm chí không được đăng ký thi đấu trong khi Conte vẫn sử dụng Matri, chân sút được cho là đã đặt một chân đến Napoli. Quá dễ nhận thấy quan điểm của nhà cầm quân 44 tuổi. Trong mắt Conte, Llorente tạm thời không tồn tại.
Vì “dớp” người Tây Ban Nha?
Juventus đã “nhảy cẫng lên” khi nhận được cái gật đầu của Llorente hồi tháng 11/2012 về một cuộc chuyển nhượng tự do vào tháng 7/2013. Trước đó họ từng chấp nhận trả 16 triệu euro để mua anh nhưng bị từ chối. Nhưng bây giờ thì họ có thể đã bắt đầu ân hận. Llorente không thể hiện được bất cứ điều gì trong chiến dịch tập huấn của Juventus, lạc lõng như một kẻ ngoài cuộc trên hàng công “hổ giấy”. Càng chơi, Llorente càng khiến Conte ngán ngẩm, đến mức ông phải dành nửa tiếng đồng hồ để nói chuyện với “ngôi sao” xứ Basque trên sân tập trước trận giao hữu với Juve B và thiết lập một giáo trình riêng cho anh.Sự kiên nhẫn và niềm tin của Conte với Llorente đã cạn. Khi Vucinic đá cặp với Tevez rất ấn tượng ở trận hòa Inter 1-1 (hôm 6/8), Conte càng có lý do để gạt Llorente qua một bên. Một mặt, ông cần xây dựng hàng công tối ưu cho trận đại chiến Lazio, mặt khác việc Conte ưu ái Vucinic sẽ buộc Llorente phải nỗ lực hơn nữa nếu muốn trở lại đội hình chính.
Vẫn còn là quá sớm để nói rằng Llorente có thể sẽ trở thành một thất bại lớn nữa trong chuyển nhượng của Juventus, nhưng các cầu thủ Tây Ban Nha luôn gặp khó khăn trên đất Italia trong suốt hơn 4 thập kỷ qua. Thành công tương đối của Borja Valero (Fiorentina) và Pedro Obiang (Sampdoria) mùa trước đem đến ít nhiều khích lệ, nhưng cả hai không phải là những cầu thủ chơi tấn công. Llorente đang khiến người ta nhớ lại Javi Moreno tại Milan năm 2001. Tiền đạo chủ lực của Alaves (á quân Cúp UEFA 2001) được kỳ vọng lớn khi chuyển đến Milan, nhưng nhanh chóng phải trở về xứ đấu bò. Các ngôi sao tấn công TBN khác như Jose Mari (Milan), Mendieta và De La Pena (Lazio), Portillo (Fiorentina), Tristan (Livorno), Krkic (Roma, Milan) đều thất bại. Dường như người TBN không thích hợp với Serie A.
Đừng tự “giết” mình
Nhưng Llorente không giống những Moreno, Tristan, Portillo, Mendieta hay Bojan. Xui xẻo cho Moreno là cũng năm đó Milan mua Pippo Inzaghi, bên cạnh một Shevchenko xuất chúng. Tristan hay Portillo chỉ ở các đội bóng nhỏ chẳng mấy khi tạo được cơ hội ghi bàn. Mendieta chịu sức ép kinh khủng của giá chuyển nhượng kỷ lục. Bojan chỉ được coi là cầu thủ dự bị. Còn Llorente sớm được xem là trụ cột của Juventus, đội có hàng tiền vệ mạnh bậc nhất châu Âu hiện nay và cũng không phải chịu áp lực từ phí chuyển nhượng. Nếu như anh không thể tỏa sáng, thì đó là do anh.
“Vua sư tử” có thể biện minh rằng anh gần như chỉ chơi bóng nghiệp dư trong một năm qua (bị Bilbao “đày đọa” vì từ chối gia hạn hợp đồng) nên chưa tìm được cảm giác tốt nhất, nhưng Juve không đợi anh lâu nữa. Nếu không thể hiện tinh thần tích cực hơn và chiến đấu cật lực cho cơ hội của mình, anh sẽ “chết” trước khi nhận đủ lương mùa này.
Vĩnh Nguyên
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất