Bao giờ có một Lưu Quang Vũ thứ 2?

21/09/2013 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Dù cảm tính và mơ hồ, câu hỏi ấy vẫn phải đặt ra, theo  như cách mà nó tồn tại trong suốt nhiều chục năm nay.

Đến giờ, tới mỗi kỳ hội diễn, những người làm sân khấu vẫn đồng thanh điệp khúc Nhớ Lưu Quang Vũ. Thế nhưng, đi xa hơn câu chuyện về tài năng của một tác giả, cái tên Lưu Quang Vũ (LQV) cũng gắn liền với một hiện tượng sân khấu đặc biệt: vừa tạo sự cộng hưởng cực lớn lên người xem, vừa in đậm dấu ấn của mình lên một giai đoạn đặc biệt là thời kì Đổi Mới.

Theo cách nhìn ấy, bao giờ sân khấu VN sẽ xuất hiện một LQV thứ 2? Và nếu có, tác giả ấy sẽ cần những điều kiện gì để phát huy hết tài năng của mình? Đó là câu hỏi TT&VH Cuối tuần đặt ra với tác giả Xuân Đức, đạo diễn NSND Phạm Thị Thành, và nhà phê bình sân khấu Nguyễn Văn Thành.

Tác giả Xuân Đức: Thời nay éo le hơn thời của Vũ!

“Trong 53 kịch bản của LQV có khoảng gần chục kịch bản xuất sắc. Phần còn lại cũng tương đối thỏa mãn được nhu cầu của khán giả khi đó, trong giai đoạn mà người ta hay nhắc tới các cụm từ "nói sự thật", "nhìn thẳng vào sự thật", "cởi trói cho các nhà văn". Nghĩa là, LQV là một tác giả tuyên  truyền cho tư duy Đổi Mới bằng những kịch bản của mình. Điều đó khiến Vũ in dấu ấn đậm nét lên một giai đoạn văn hóa - xã hội như thế.


Khoảng 50 năm nay, sân khấu VN có 2 bước phát triển chính. Bước đầu tiên diễn ra trong những năm chống Mỹ, với những vở diễn về đề tài chiến tranh, ca ngợi chính nghĩa, khai thác cảm hứng anh hùng ca, phân biệt trận tuyến địch - ta rất rõ ràng. Bước thứ hai, gắn với thời Đổi Mới, chuyển đề tài từ cái chung sang cái riêng, từ "chúng ta" sang "tôi", từ sự hi sinh của tập thể sang quyền sống chính đáng của mỗi cá nhân - mà LQV là tác giả điển hình. Nhưng sau 25 năm, diễn biến của đời sống không còn dừng lại ở chuyện về quyền của mỗi con người nữa. Tức là thực tế bắt đầu đòi hỏi tới một bước phát triển thứ 3 cho sân khấu.

Chúng ta đều hiểu, xã hội hiện có những sự phức tạp, nghiệt ngã và éo le hơn thời của Vũ rất nhiều. Bây giờ, đang diễn ra cuộc  vật lộn giữa sự tăm tối và trung thực, giữa những tha hóa khủng khiếp và lẽ phải, giữa những cung bậc cao cả nhất và thấp hèn nhất trong suy nghĩ của con người. Nghĩa là, mọi mâu thuẫn được đẩy lên rất cao và rất khác, trong đó có nhiều chuyện mà lúc sinh thời Vũ không kịp hình dung. Cũng giống như thời của Vũ, sự phức tạp ấy là mảnh đất đầy tiềm năng cho sân khấu, đặc biệt là kịch nói.

Tất nhiên, một tác giả đủ tầm thì không thể chỉ dừng lại ở việc phản ánh hiện thực mà cần có thêm cả chiều sâu triết lý và nhân bản. Sân khấu gần đây xuất hiện nhiều kịch bản khá tích cực, dù chỉ đạt được vế thứ nhất. Nhưng, có những tác giả như vậy, thì cũng sẽ tới lúc chúng ta có được một “LQV thứ 2”, theo như những quy luật vận động mà thực tế cuộc sống đang diễn ra”.

Nhà phê bình Nguyễn Văn Thành: Khán giả và diễn viên không được như xưa!

Người ta hay giải thích thành công của LQV bằng 2 lý do: tài năng và gặp thời. Nhưng, khái niệm gặp thời không chỉ đơn thuần nằm ở việc Vũ xuất hiện đúng vào giai đoạn Đổi Mới -  khi sân khấu cần những vở diễn về một "sự thật" khác, bên cạnh những sự thật vẫn được nói hàng ngày. Xa hơn, chuyện gặp thời của Vũ còn nằm ở sự giao thoa với một thế hệ đạo diễn, diễn viên tài năng và đang độ chín.

Họ là Nguyễn Đình Nghi, Phạm Thị Thành, Xuân Huyền. Họ là Trần Vân, Quốc Toàn, Minh Hằng, Hoàng Cúc. Rồi, có cả những gương mặt trẻ mới xuất hiện và đang lên, như trường hợp của những Anh Tú, Lê Khanh, Ngọc Huyền, Đức Hải ở Nhà hát Tuổi trẻ. Một thời gian dài sống trong sự trì trệ của sân khấu, những gương mặt ấy đều khao khát có cơ hội được khẳng định mình. Đặc biệt, việc từng trải qua những năm tháng của thời bao cấp khiến họ rất hiểu những gì Vũ viết, cũng tràn đầy ý thức công dân và khát khao được cất tiếng cùng anh.

Nghĩa là, LQV có những thuận lợi tuyệt đối để phát huy được khả năng sáng tác của mình. So với thời điểm ấy, sân khấu bây giờ có những thay đổi quan trọng – mà 2 điểm thua thiệt nhất so với thời của Vũ là khán giả và diễn viên. Khán giả không còn háo hức với sân khấu như xưa, khi họ đã có vô vàn những kênh thông tin giải trí khác. Diễn viên cũng bị phân tâm bởi rất nhiều chuyện, chứ khó lòng chuyên tâm với sân khấu như thế hệ đã qua.

Vậy, có bao nhiêu yếu tố sẽ hội tụ đủ để đến một thời điểm nào đó, chúng ta lại có sẵn mảnh đất màu mỡ, chờ đón kịch bản của một tác giả tài năng và nảy mầm? Câu hỏi ấy thì tôi cũng không trả lời được. Chỉ có thể tin rằng, nếu có một thời điểm nào đó như thế, thì cách LQV "mới" xuất hiện sẽ khác hẳn với LQV của thập niên Đổi Mới. Và tài năng của LQV thứ hai ấy cũng sẽ được soi chiếu dưới những góc độ khác hẳn, bởi khán giả hôm nay là khán giả của một VN đã ở vào giai đoạn hội nhập văn hóa, đã hiểu biết khá rõ về thế giới, về những thay đổi chóng mặt đang diễn ra – chứ không phải ở tâm thế ngây thơ và ấu trĩ như xưa.

NSND Phạm Thị Thành: Vũ được số phận chọn!

LQV là một trường hợp rất đặc biệt, đặc biệt về tài năng lẫn con đường đến với sân khấu. Tài năng của Vũ, chúng ta đã nói quá nhiều. Còn con đường đến với sân khấu của Vũ rất đặc biệt: anh là con của kịch tác gia Lưu Quang Thuận, là người viết văn trước khi viết kịch, là người có thời gian công tác tại Hội Nghệ sĩ sân khấu và Tạp chí Sân khấu khá lâu và tỏ tường mọi ngóc ngách nghề nghiệp trước khi có những kịch bản đầu tiên.
Rồi, khi Vũ xuất hiện, sân khấu lại ở giai đoạn Đổi Mới. Những vở diễn của Vũ, dù gai góc đến mấy, cũng đều được bênh vực và ủng hộ để có thể đến với người xem. Xin kể một câu chuyện nhỏ: trong những kịch bản của Vũ, Hồn Trương Ba - da hàng thịt là trường hợp lận đận nhất. Những người phản đối cho rằng Vũ "ám chỉ" chính công cuộc Đổi Mới đang diễn ra, với hàm ý rằng mọi thay đổi phải đồng bộ, thực chất chứ không thể lắp ghép nửa vời. Vậy, nhưng chính Hồn Trương Ba… lại trở thành vở diễn mang lại vinh quang nhiều nhất cho anh.

Mọi sự đổi mới thì luôn có những dấu ấn mang tính cột mốc. Cùng thời với Vũ có một tác giả cũng rất xuất sắc khác là Xuân Trình, nhưng vì rất nhiều lý do, Vũ được số phận chọn để trở thành một cột mốc như thế. Những khúc ngoặt của xã hội, của tài năng, của sân khấu... không dễ gì lặp lại để chúng ta có một hiện tượng LQV thứ hai. Và, nếu phải nhận xét,thì tôi cũng không hiểu cái giả định về sự xuất hiện một LQV thứ hai ấy sẽ diễn ra vào lúc nào...

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm