Barca: Khi người Catalunya không cùng nhìn về một hướng

05/05/2013 12:49 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Ở Barca hiện tại người ta đang nhìn thấy một cảnh tượng rất giống với những gì từng diễn ra ở mùa giải tồi tệ 2007-08 mà sau ấy HLV Frank Rijkaard đã phải ra đi.

Tháng 5/2008, Barca thất thủ 1-4 trước Real trong trận “El Clasico” và chưa đầy 24 giờ sau đó, chủ tịch Joan Laporta đã tuyên bố Frank Rijkaard sẽ không còn là HLV trưởng của đội bóng khi mùa giải kết thúc.

Ký ức dữ dội ở Camp Nou

Đó là một quyết định đúng đắn và cần thiết sau một mùa giải nhiều biến động. Trên sân cỏ, Barca trắng tay, phải dừng bước từ bán kết Champions League, Cúp Nhà Vua và kém Real tới 18 điểm ở La Liga. Còn trong phòng thay đồ là mâu thuẫn bùng phát giữa Ronaldinho và Eto'o, giữa Eto'o và Rijkaard.

Để thay thế Rijkaard, Chủ tịch Laporta và GĐTT Begiristain đã gây bất ngờ khi đặt niềm tin vào Pep Guardiola, một HLV trẻ măng và có quá ít kinh nghiệm. Nhưng quyết định có phần liều lĩnh ấy đã mở ra một chương mới huy hoàng trong lịch sử đội bóng Catalunya. Trong 4 năm cầm quân, Guardiola đã cùng Barca giành 14 danh hiệu, trong đó có 3 chức vô địch Liga và 2 Cúp bạc Champions League.

Tháng 4/2012, chỉ 3 ngày sau khi bị Real đánh bại ngay tại Camp Nou và đầu hàng trong cuộc đua ở Liga, Barca lại đón thêm một thất bại bi tráng nữa trước Chelsea ở bán kết Champions League. 48 giờ sau đó, Guardiola tuyên bố ra đi vì “quá mỏi mệt và cần nghỉ ngơi một năm”. Thay thế ông là trợ lý Vilanova, vị HLV có xuất phát điểm khá giống “Pep” và người Catalunya lại bừng lên hi vọng về những thành công mới.

Khi tất cả mất lòng tin ở nhau

3 ngày đã qua kể từ sau thất bại lịch sử với tổng tỷ số 0-7 trước Bayern, vẫn chưa có một quyết định nào được đưa ra liên quan tới băng ghế huấn luyện. Thông tin đáng quan tâm duy nhất là Barca sẽ chi 40 triệu euro để tăng cường lực lượng, trong đó có 30 triệu cho Neymar. Điều đó có nghĩa là Vilanova vẫn an toàn. Một cuộc họp bất thường đêm thứ Tư cũng đi tới kết luận Tito nên ở lại. Nó trái ngược với tuyên bố của Pique, rằng CLB “phải đưa ra những quyết định cho mùa tới”. Suy nghĩ ấy không phải của riêng Pique. Các CĐV và nhiều cầu thủ cũng không thể nuốt trôi thất bại, họ cần những thay đổi lớn để trở lại quỹ đạo chiến thắng.

Những quyết định của Tito trong trận bán kết lượt về là vô cùng yếu kém và hèn nhát, khi ông gạch tên Busquets và giam Messi trên ghế dự bị suốt cả trận. Những sự điều chỉnh về nhân sự cũng cho thấy Tito muốn buông xuôi, đặc biệt là quyết định thay Bartra bằng Montoya, và Barca kết thúc trận đấu mà không có bộ tứ Busquets, Xavi, Iniesta, Messi, nền tảng cho thành công suốt những năm qua.

Tito không từ chức, vậy thì ai sẽ phải ra đi? Nhiều khả năng đó sẽ là GĐTT Zubizarreta, người đã tham mưu cho chủ tịch Rosell chọn Tito thay Guardiola vào cuối mùa giải trước. Khi Tito phải sang Mỹ điều trị, Zubizarreta quyết định để trợ lý Jordi Roura tạm thời thay thế, thay vì mời một HLV có kinh nghiệm và hệ quả là chuỗi trận chệch choạc của đội bóng Catalunya. Cũng chính Zubi cách đây một tháng đã bay tới New York thăm Tito và cam kết tương lai cho nhà cầm quân 44 tuổi.

Nếu như người tiền nhiệm Begiristain đã thành công rực rỡ với canh bạc Guardiola, thì Zubizarreta lại thất bại và mất uy tín khi đặt niềm tin vào Tito. Cộng với những thất bại trong các vụ chuyển nhượng Fabregas, Sanchez, Song…, Zubi nhiều khả năng sẽ phải rời Camp Nou. Nguồn tin từ ban lãnh đạo cho biết: “Zubi biết mình cần phải làm gì”. Một kết cục cay đắng cho thủ môn huyền thoại này, khi Rosell đã không còn tin vào ông nữa.

Nhưng không phải tới khi thua Bayern, những bất ổn nội bộ của Barca mới bộc lộ. Valdes khước từ đề nghị gia hạn hợp đồng và công khai chuyện ấy trên mặt báo. Puyol đột ngột đi phẫu thuật đúng vào giai đoạn nước sôi lửa bỏng bởi tự ái vì phải ngồi dự bị. Pique bảo anh “đau vì cách thua trận” và “cần những quyết định để thay đổi”. Nhưng hôm qua Tito phản pháo rằng “đội bóng vẫn là Dream Team, không cần những sự thay đổi lớn”.

Giữa một tập thể tưởng chừng đoàn kết ấy là những mâu thuẫn âm ỉ. Guardiola ra đi và hầu như không còn mối liên hệ nào với đội bóng. Khi gặp lại chủ tịch Rosell và các học trò trong gala trao giải QBV FIFA, “Pep” cũng giữ thái độ hờ hững. Tất cả nói lên rằng Barca không hẳn là một khối thống nhất và Camp Nou cũng chẳng phải thiên đường.

Hoài Trinh
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm